Tại sao Từ Hy thái hậu lại phải sụp lạy một thiền sư?
Năm Quang Tự thứ 26 (1900), kẻ địch bên ngoài xâm lược Bắc Kinh, kinh thành đại loạn, Hoàng đế, Thái hậu, đại thần, thái giám, cung nữ chạy nạn tới Trường An (nay thuộc Tây An). Khánh Thân vương nghe nói thiền sư Hư Vân là cao tăng đắc đạo, bèn mời thiền sư Hư Vân tới lập đàn cầu nguyện bình an.
Trường An lúc này, xác người chết đói khắp nơi, người còn sống ăn thịt người chết, đâu đâu cũng thấy thi thể người chết.
Thiền sư Hư Vân lập tức tấu xin hoàng thượng ban lệnh cấm người sống ăn thịt người chết, đồng thời phát động tất cả những nhà giàu có quyên góp lương thực dự trữ để mở điểm phát cháo cứu tế nạn dân.
Khi ấy đang đúng vào đỉnh điểm nắng nóng của mùa hè, mùi hôi thối của thi thể thối rữa trở nên nồng nặc, dịch bệnh hoành hành khắp Trường An. Thiền sư Hư Vân thương xót chúng sinh, muốn tổ chức một buổi lễ cầu siêu xin tuyết rơi kéo dài 7 ngày tại Ngoạ Long Thiền Tự, mong Long vương phù hộ cho mưa và tuyết xuống loại bỏ bệnh dịch.
Trước đó, có người tốt bụng đã khuyên can ông rằng: “Tai hoạ lớn không giống bình thường, nghiệp của chúng sinh không thể làm trái, lỡ như xin tuyết không linh, Hoàng thượng nổi giận phạt thầy tội khi quân, kéo ra ngoài chặt đầu, chẳng phải trái với dự kiến sao? Mong không xảy ra sai sót, thầy cứ mặc kệ việc này vẫn tốt hơn.”
Thiền sư Hư Vân xem nhẹ việc sống chết nên tất nhiên ngài không nghe theo lời khuyên đó. Với sự trợ giúp của hoà thượng Đông Hà – trụ trì Ngoạ Long Thiền Tự, toàn thể Tăng nhân trong chùa cùng bắt tay vào tham gia vào kế hoạch của ngài, người thì dựng đàn tràng, người thì chuẩn bị pháp khí…
Danh tiếng của thiền sư Hư Vân thu hút được gần một ngàn tăng nhân ở khắp Tây An tới, biết thiền sư phụ quanh năm ẩn tu trên núi Chung Nam xuống núi giúp đỡ bách tính, tín đồ Phật giáo nghe tin cũng từ khắp mọi nơi đổ về…
Đàn tràng cao rộng ba trượng ba, trên ấy có cúng Phật Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát.
Hai bên đàn tràng cho dựng hai cột cờ cao, phía trên có treo dải cờ Phật thêu chữ vàng dài hơn ba trượng, một mặt viết “Nam-mô Sa kiệt la Long vương Bồ-tát ma-ha-tát”, một mặt viết “Nam-mô tuỳ phương phổ ưng hành tuyết Long vương thánh chúng Bồ-tát”.
Trên đàn trang có phủ vải vàng, hoa tươi, trái cây, hương nến đều đủ cả. Thiền sư Hư Vân dẫn theo chín pháp sư khoác áo cà-sa đỏ ngồi thiền kiết già, thi pháp kết ấn trên đài suốt bảy ngày đêm.
Dưới đài hai bên có 108 Tăng nhân, liên tục tụng “Kỳ tuyết đà-la-ni thần chú” suốt ngày đêm không nghỉ, 360 vị Tăng dẫn dắt các tín đồ lạy “Đại bi sám”, chư Tăng Ni còn lại dẫn dắt các tín đồ niệm thánh hiệu Di Đà, ngày đêm hai mươi bốn tiếng, Phật hiệu vang lên không ngớt.
Sáng ngày thứ 7, quả nhiên mây đen giăng kín, đến chiều có trận tuyết lớn rơi xuống. Sau khi tuyết rơi, chư Tăng trở về chùa.
Thiền sư Hư Vân vẫn ngồi ở đàn tràng xung quanh không có gì che chắn để trì chú thi pháp. Lại qua 7 ngày, trong ngoài Trường An đều bị băng tuyết bao phủ.
Được các cung nữ và thị vệ theo hầu, Từ Hy thái hậu đội tuyết đến Ngoạ Long Thiền Tự, nhìn thấy Thiền sư Hư Vân ngồi giữa gió tuyết trì chú thi pháp, bà rơi nước mắt cảm động.
Từ Hy quỳ trên nền tuyết, gác bỏ sự cao quý, dập đầu cúi lạy trước vị “Bồ-tát sống hô mưa gọi gió” này. Túc Thân vương, Khánh Thân vương mời ông sau này cùng về Bắc Kinh sống trong cung để tiện thỉnh giáo về Phật pháp.
Rạng sáng một ngày đầu tháng mười, vị Thiền sư coi danh lợi chỉ như mây khói lặng lẽ rời khỏi Trường An, quay về ẩn cư tại núi Chung Nam.
Khánh An (theo Pháp luật bạn đọc)
Phản hồi