Tại sao Đức Phật đi khất thực: Có phải chỉ để có bữa ăn qua ngày?

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao Đức Phật đi khất thực, trong khi với thân phận của Ngài là vị vua tương lai của một nước thì thích ăn sơn hào hải vị của xứ nào cũng được.

1. Tại sao Đức Phật đi khất thực?

Sẽ không ít người cảm thấy hoài nghi và thắc mắc tại sao Đức Phật đi khất thực trong khi Ngài cũng như tăng đoàn của mình vẫn có thể tự trồng cây, trồng lúa gạo, mì,… để tự cung tự cấp lương thực cho mình.

Thực ra, Ngài đi khất thực không phải chỉ để có được bữa ăn qua ngày mà thông qua hành động đó chuyển tải rất nhiều thông điệp hay từ chiêm nghiệm của mình tới mọi người một cách gần gũi và dễ hiểu nhất có thể.

Kể từ khi thành đạo cho đến lúc nhập diệt, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni luôn duy trì truyền thống trì bình khất thực mỗi ngày, trừ những hôm nhận lời đến nhà vị cư sĩ nào đó trai tăng. Ngài cũng yêu cầu các tăng ni duy trì nề nếp này.

Mục đích Đức Phật đi khất thực ngoài việc nuôi thân để sống và tu tập thì còn bao gồm:

tai sao Duc Phat di khat thuc

1.1 Đối với những người được xin

– Đánh thức lòng từ bi: Thông qua việc xin ăn, gõ cửa từng nhà chư tăng ni gieo duyên với chúng sinh trong “bát cơm ngàn nhà”, Ngài muốn đánh thức Phật tính, đánh thức tình thương vốn có ở mỗi con người..

Với những bước chân khoan thai chánh niệm, Phật đi khất thực mỗi ngày, từ nhà này sang nhà khác, từ làng này sang làng khác, từ thị trấn này sang thị trấn khác, từ kinh đô này sang kinh đô khác, từ quốc độ này sang quốc độ khác cũng chỉ vì muốn khơi lợi lòng từ bi mà ai cũng có, nhờ thế mà họ bớt đi tính tham lam, ích kỷ, nhận ra mình vẫn có thể làm người tốt chỉ bằng việc cho người khác một bữa ăn.

– Truyền pháp: Khi khất thực, Đức Phật và các đệ tử bưng bát ghé lần lượt từng nhà chứ không lựa chọn, cũng không muốn làm cho xong, mong nhanh đủ bữa. Ngài không biệt ai sang ai hèn cũng vì muốn truyền pháp tới tất cả chúng sinh từ người thương cho tới người ghét mình.

Đây cũng là cơ hội Ngài truyền pháp, lan tỏa thông điệp từ bi hỉ xả, lối sống thiện lành. Nếu ai có nỗi lòng muốn giải tỏa thì Phật sẵn sàng lắng nghe rồi Phật cho những lời khuyên phù hợp.

Bước chân khất thực của Phật không biên giới, vì tâm của Phật rộng lớn, không phân biệt. Không ai ngăn bước chân của Phật, vì Phật đi khất thực khiến cho mọi người được ấm lòng.

– Giúp cho mọi người nhận ra cái khổ: Làm người thì ai cũng khổ, do nghiệp duyên mà khi sinh ra ở đời này có người khổ ít có người khổ nhiều, nhưng không ai tránh được. Đức Phật cho chúng sinh nhận ra cái khổ ấy thì con người sẽ xích lại gần nhau, không còn hiềm khích đố kỵ nhau nữa.

Giữa cuộc đời không mấy bình yên, ai cũng mong có chỗ nương tựa ấm lòng. Phật đi đến đâu thì người người được hân hoan, nhà nhà được đầm ấm, xứ xứ được thanh bình.

– Nhắc nhở chúng sinh về quy luật sanh, già, bệnh, chết: Tất cả con người cần thấy quy luật ấy của kiếp người mà ai cũng phải trải qua để thương quý và tương trợ cho nhau, không nên vì cái nhìn thiển cận mà rơi vào tranh chấp, giành giật và xâu xé lẫn nhau chỉ vì mục đích thỏa mãn đôi chút danh lợi nhỏ nhoi và ngã tưởng hão huyền trong thế giới luân hồi khổ đau.

Phật không có quyền lực nhưng Phật dạy cho lòng tin hướng thiện. Phật không có tiền của nhưng Phật dạy cho trí tuệ sáng suốt. Phật không làm ra của cải vật chất nhưng Phật dạy cho giới đức an lạc.

1.2 Đối với bản thân khất sĩ:

– Kiểm soát bản ngã: Việc xin ăn cùng với hành động đưa bát ra và cúi người giúp họ kiểm soát bản ngã, xóa bỏ tính kiêu ngạo, tự cao. Không những thế không phải nhà nào cũng đồng ý cho, có những nơi còn xua đuổi các khất sĩ, thông qua đó họ còn học tính khiêm cung, nhẫn nại.

– Đoạn trừ tính tham lam: Khất thực cũng giúp đoạn trừ được lòng tham còn lại trong tu sĩ, vì các vị được bố thí gì thì cũng hoan hỉ đón nhận, ngon hay không ngon cũng không quan trọng, ít hay nhiều cũng như nhau.

Như vậy, các bậc tu hành đi khất thực vừa xin lại vừa cho, là người nhận bố thí nhưng cũng là người bố thí, là người dạy và cũng là người học.

2. Những câu chuyện Đức Phật đi khất thực

Những lời Phật dạy thường thông qua những câu chuyện trên đường đi khất thực trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn bao giờ hết. Chiếc bình bát khất thực dường như có năng lực tiếp nhận và chuyển hóa mọi nỗi niềm của chúng sinh. Sau đây là một số câu chuyện ấn tượng nhất về hành trình khất thực của Ngài:

2.1 Phật từ chối yến tiệc của vua cha đã chuẩn bị

Sau nhiều năm rời nhà đi tìm đạo, Đức Phật trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ thăm gia đình. Lúc này vua cha vô tình thấy hình ảnh Ngài dẫn các đệ tử ra phố trì bình khất thực và cảm thấy vô cùng thất vọng.

Vua cha vốn đã chuẩn bị yến tiệc, cho rằng con trai mình đương nhiên sẽ về nhà dùng cơm. Nhưng chờ mãi không thấy, sau đó nhận được tin Phật và tăng đoàn đã ra phố xin ăn nên đã đến tận nơi để chứng kiến.

Vua cha Tịnh Phạn không khỏi phân vân: Tại sao tại sao Đức Phật đi khất thực? Xuất gia tìm Đạo, đến khi thành Phật rồi đi ăn xin sao? Đến khi diện kiến Đức Phật, tại Hoàng cung, vua Tịnh Phạn hỏi: Con tu hành đã thành Phật, sao còn phải đi… khất thực?

Đức Phật mỉm cười, rồi giải thích cho vua cha rằng: Người xuất gia đâu cũng là nhà, còn chư Tăng khất thực, tuy là kẻ ăn xin đích thực – nhưng khác với người ăn xin là không phải tìm cái ăn để sống vất vưởng qua ngày, mà ngoài việc nuôi thân để sống và tu tập.

Ngoài ra việc này còn một ý nghĩa sâu xa – đó là sự gieo duyên với chúng sinh trong “bát cơm ngàn nhà”, bởi cảm nhận tình người qua việc bố thí của chúng sinh, là tiếp cận giá trị hạnh phúc giữa cuộc đời.

Sau khi được giải thích, vua Tịnh Phạn mới hiểu ra và vua đến gần rước bát của Phật và thỉnh ngài cùng các đệ tử về hoàng cung thọ trai.

2.2 Phật gặp Bà la môn lớn tuổi đi xin ăn

Một buổi sớm mai, Đức Phật đắp y, cầm bát vào thành Xá vệ đi khất thực. Lúc ấy có một Bà la môn tuổi già sức yếu, chống gậy cầm bát đi khất thực từng nhà.

Người này từ xa nhìn thấy Đức Thế Tôn nên cho rằng: Ngài chống gậy bưng bát, đi khất thực từng nhà. Ta cũng chống gậy ôm bát đi khất thực từng nhà. Ta cùng Ngài đều là Tỳ kheo.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ để trả lời:
Được gọi là Tỳ kheo
Chẳng chỉ vì khất thực
Kẻ trì pháp tại gia
Sao được gọi Tỳ kheo?
Đã lìa dục tai hại
Tu tập các chánh hạnh
Tâm mình không sợ hãi
 Đó gọi là Tỳ kheo.
Phật nói kinh này xong, Bà la môn kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ làm lễ cáo lui.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 97)
Ta có thể thấy người tu hành hàng ngày đều phải đi khất thực có vẻ khá tương đồng với người ăn xin. Thế nhưng họ là khất sĩ, chữ “khất” là ăn xin – còn “sĩ” là nhằm nói tới những con người có phẩm hạnh cao quý.
Người xuất gia khác những kẻ ăn xin bình thường ở chỗ “tâm lìa dục, không sợ hãi, tu tập chánh hạnh”, nhờ đó mà gọi là Tỳ kheo. Cùng đi xin ăn, kẻ vẫn “trì pháp tại gia” thì mãi chỉ là hành khất.

Vượt lên sự chi phối của tham sân phiền não mới gọi là Khất sĩ, Tỳ kheo. Một Tỳ kheo thực sự sẽ được người cung kính, xứng đáng để nhận thí, họ đã tạo ra cả ruộng phước tốt cho đời gieo trồng.

2.3 Đức Phật gặp tên cướp Angulimāla

Một buổi sáng nọ, như thường lệ, Đức Phật đắp y, mang bát, vào thành Savatthi khất thực. Sau khi khất thực và dùng bữa xong, Ngài quay trở về và đi trên con đường tên cướp Angulimala đi mỗi ngày. Mọi người thấy vậy hết lòng can ngăn, nhưng Đức Phật vẫn giữ im lặng, tiếp tục đi, không hề lo sợ.
Thấy Đức Phật đang đi một mình, tên cướp mừng rỡ vì chỉ còn thiếu ngón tay của Người nữa là nó đủ số cho vòng hoa làm bằng 1.000 ngón tay trỏ phải từ 1.000 người đã bị sát hại. Angulimala lấy kiếm và tấm khiên, đeo cung và tên vào chạy bám theo sau lưng Đức Phật.
Đức Phật dùng thần thông khiến cho tên cướp cố chạy nhanh nhưng cũng không có thể bắt kịp Ngài đang đi với tốc lực bình thường.

Tên cướp thấy lạ vì bình thường có thể đuổi kịp con voi, con ngựa, con nai và cả chiếc xe đang chạy, mà bây giờ không thể đuổi theo kịp một kẻ bình thường.

Tên cướp nói: “Hãy dừng lại, Sa-môn! Hãy dừng lại, Sa-môn!”.
Đức Phật khoan thai đáp: “Ta đã dừng rồi, này Angulimala! Và ngươi hãy dừng lại!”.
Tên cướp nghĩ Ngài không bao giờ nói dối, vậy lời nói này có ý nghĩa gì. Thế là Angulimala hỏi:

– Ông đi mà lại nói: Ta đã dừng rồi, còn tôi dừng, thì ông nói “sao tôi không dừng” nghĩa là sao?

Đức Phật giải thích: “Với mọi chúng sanh, Ta bỏ trượng, kiếm; còn ngươi, không tự kiềm chế, gieo rắc giết chóc và hận thù, nên ta đã dừng mà ngươi chưa dừng”.
Khi Đức Phật nói những lời này, Angulimala đứng lặng yên, trầm tư suy nghĩ. Dường như những lời nói nhẹ nhàng này đã đánh động tâm thức tên cướp bạo tàn, tên cướp hạ giọng:

– Thưa Ngài, tội lỗi của tôi thật tày trời. Tôi có thể quay đầu bằng cách nào?

Thấy Angulimala đã chuyển tâm ý, Đức Phật mở ra một cơ hội cho người biết quay đầu, nhận vào Tăng đoàn để có thể làm mới cuộc đời, từ bỏ các việc tội ác, gột rửa tâm ý trong sạch, dốc lòng thực hành điều lành.

Nghe xong, Angulimala liền quăng bỏ kiếm và khí giới xuống vực sâu, đảnh lễ Đức Phật, xin được xuất gia. Từ đó, tên sát nhân khét tiếng thành Savatthi đã trở thành đệ tử xuất gia của Đức Phật. Dưới sự hướng dẫn của Đức Phật và chúng Tăng, chẳng bao lâu, Angulimala chứng đạt trạng thái giải thoát hoàn toàn.

Thanh Phong

Bài viết liên quan

Phản hồi