Tác động của Tăng đoàn Phật giáo đến tôn giáo và xã hội Ấn Độ thời đức Phật

PGĐS – Ấn Độ là mảnh đất có sự phát triển phong phú của các truyền thống tư tưởng. Trước khi Tăng đoàn Phật giáo ra đời, nơi đây đã tồn tại nhiều đoàn thể tôn giáo cạnh tranh sức ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, sau đó, Tăng đoàn Phật giáo đã tạo nên những tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và triết lý tôn giáo đương thời. Sự tác động ấy không chỉ kéo dài gần hai thiên niên kỷ tại Ấn Độ, mà còn để lại nhiều bài học cho con người ngày nay.

KHÁI QUÁT VỀ TĂNG ĐOÀN PHẬT GIÁO

Sau khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca từ Uruvelā đến Isipatana độ cho năm huynh đệ Koṇḍañña (Kiều-trần-như). Bài kinh đầu tiên là Kinh Chuyển pháp luân dạy về bốn Thánh đế, đánh dấu bánh xe pháp chính thức được vận hành. Khi ấy, năm bạn cùng tu xin xuất gia, trở thành những vị Tỳ kheo đầu tiên. Thời điểm này, Tăng đoàn được hình thành. Từ đó, Đức Phật và Tăng đoàn hoằng pháp không ngừng nghỉ suốt 45 năm. Nhờ vậy, không chỉ chánh pháp được lan truyền rộng rãi khắp các xứ sở, mà hội chúng cũng ngày càng lớn mạnh. Đoàn thể ấy đã đón nhận những thành phần đa dạng trong xã hội đương thời, không phân biệt xuất thân, địa vị, trình độ, tuổi tác, giới tính… Dẫu thế, không vì sự đa dạng đó mà Tăng-già mất đi bản chất vốn có của mình, đó là thanh tịnh và hòa hợp. Hai yếu tố này không thể chỉ có một, mà phải đầy đủ cả hai. Bản chất thanh tịnh và hòa hợp được thể hiện qua tinh thần lục hòa (sáu quy tắc hòa hợp) và các hình thức sinh hoạt như bố tát, an cư, tự tứ… Quan trọng hơn hết là sống chế ngự với giới bổn Pāṭimokkha.

Khi Bà-la-môn Vassakāra – đại thần nước Magadha đặt câu hỏi rằng: Tăng-già nương tựa vào đâu để hòa hợp sau khi Thế Tôn diệt độ, Tôn giả Ānanda trả lời: “Này Bà-la-môn, chúng tôi có chỗ nương tựa, và Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi. […] Thật vậy, không phải các Tôn giả xử sự chúng tôi, chính Pháp xử sự chúng tôi” (Kinh Gopaka Moggallāna, Kinh Trung bộ) [1].

Với bản chất hòa hợp và thanh tịnh, Tăng-già được vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) tán thán trong Kinh Pháp trang nghiêm (Kinh Trung bộ): “Lại nữa bạch Thế Tôn, vua chúa cãi lộn với vua chúa, Sát-đế-lỵ cãi lộn với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn cãi lộn với Bà-la-môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ, mẹ cãi lộn với con, con cãi lộn với mẹ, cha cãi lộn với con, con cãi lộn với cha, anh em cãi lộn với anh em, anh em cãi lộn với chị em, chị em cãi lộn với anh em, bạn bè cãi lộn với bạn bè. Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỳ kheo sống với nhau thuận hòa, thân hữu, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Bạch Thế Tôn, con không thấy ngoài đây ra, có một phạm hạnh nào khác viên mãn, thanh tịnh như vậy” [2].

TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG ĐOÀN ĐẾN ĐỜI SỐNG XÃ HỘI TẠI ẤN ĐỘ THỜI ĐỨC PHẬT

Ấn Độ là xã hội phân biệt đẳng cấp nặng nề. Bốn đẳng cấp chính từ cao xuống thấp là giáo sĩ (brāhmaṇa), quý tộc (khattiya), bình dân (vessa), nô lệ (sudda), ngoài ra còn có những người thấp kém cùng cực đến độ không được xếp vào các đẳng cấp trên. Trong xã hội này, người thuộc đẳng cấp cao hơn thì có nhiều quyền lợi so với người thuộc đẳng cấp thấp hơn. Đẳng cấp là chế độ cha truyền con nối, người sinh ra trong đẳng cấp nào thì trọn đời thuộc về đẳng cấp ấy, không thể thay đổi.

TĂNG ĐOÀN PHẬT GIÁO ĐÃ LÀM NÊN CUỘC CÁCH MẠNG ĐẲNG CẤP CHẤN ĐỘNG THỜI BẤY GIỜ. Tất cả mọi người dù thuộc thành phần nào trong xã hội, nếu đủ duyên thì đều được đón nhận trong ngôi nhà thanh tịnh của Như Lai. Khi đã gia nhập Tăng đoàn, mọi đẳng cấp bị triệt tiêu. Trong Kinh A-tu-la Pahārāda (Kinh Tăng chi bộ), Đức Thế Tôn tuyên bố: “Ví như, này Pahārāda, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, sông Mahī, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahārāda, có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử” [3].

Khi Bà-la-môn Vassakāra – đại thần nước Magadha đặt câu hỏi rằng: Tăng-già nương tựa vào đâu để hòa hợp sau khi Thế Tôn diệt độ, Tôn giả Ānanda trả lời: “Này Bà-la-môn, chúng tôi có chỗ nương tựa, và Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi. […] Thật vậy, không phải các Tôn giả xử sự chúng tôi, chính Pháp xử sự chúng tôi” (Kinh Gopaka Moggallāna, Kinh Trung bộ).

Quả thật, Upāli từ người thợ hớt tóc trở thành đại Luật sư trong Tăng đoàn, Aṅgulimāla từ tên cướp khét tiếng được chứng quả A-la-hán, Sāti là con của người đánh cá, Nanda là người chăn bò, Channa là người chăn ngựa, Sunita là người hốt rác… đều được đứng vào hàng ngũ Tăng-già.

Sự đón nhận rộng mở của Tăng đoàn dành cho mọi tầng lớp đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của xã hội, đặc biệt là đẳng cấp giáo sĩ và quý tộc. Bởi, hành động đó bị cho là đi ngược lại truyền thống văn hóa Ấn Độ, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi của những đẳng cấp trên. Do vậy, Tăng đoàn đã không ít lần bị họ gây khó dễ, nhưng tư tưởng bình đẳng của đạo Phật không vì thế mà lung lay.

BÊN CẠNH ĐÓ, TĂNG ĐOÀN PHẬT GIÁO CÒN ĐI TIÊN PHONG TRONG CÁCH MẠNG BÌNH ĐẲNG GIỚI TÍNH. Trong xã hội Ấn Độ, địa vị của nữ giới rất thấp kém. Họ phải phục tùng nam giới, gần như không có quyền lực, không được tự do phát triển bản thân, gặp nhiều khó khăn trong đời sống hằng ngày… Trong bối cảnh đó, Đức Phật cho phép nữ giới xuất gia là một việc làm táo bạo.

Vào năm thứ năm sau khi Đức Phật thành đạo, vua Suddhōdana (Tịnh Phạn) lâm bệnh nặng rồi băng hà. Sau tang lễ, di mẫu Mahāpajāpati Gotamī xin Đức Phật cho bà được xuất gia. Đức Thế Tôn nhận thấy người nữ gặp nhiều khó khăn khi bước chân vào con đường tu tập, nhưng sau ba lần từ chối, cuối cùng, Ngài cũng đồng ý cho nữ giới xuất gia. Không chỉ được xuất gia, nữ giới còn được xóa bỏ đẳng cấp khi bước chân vào nhà Như Lai, tương tự nam giới. Āmrapālī là kỹ nữ, Vimalā là con gái của kỹ nữ, Punnā là con gái người tỳ nữ của ông Cấp Cô Độc, Cāpā là con gái người thợ săn… Tất cả đều được đón nhận bình đẳng trong giáo pháp Thế Tôn.

CUỐI CÙNG, NẾU CON NGƯỜI ĐÃ BÌNH ĐẲNG BƯỚC VÀO HÀNG NGŨ TĂNG-GIÀ, THÌ CŨNG BÌNH ĐẲNG CHỨNG ĐẠT QUẢ VỊ GIẢI THOÁT. Đạo Phật đề cao khả năng giác ngộ của tất cả mọi người. Trường hợp điển hình là Aṅgulimāla từ tướng cướp trở thành A-la-hán đã khẳng định với nhân loại rằng ai cũng thể “quay đầu là bờ”. Mặc dù nữ giới có nhiều trở ngại hơn nam giới khi thực hành đời sống tu tập, nhưng hội chúng Tỳ kheo Ni vẫn có nhiều vị đắc quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán.

TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG ĐOÀN ĐẾN TRIẾT LÝ TÔN GIÁO TẠI ẤN ĐỘ THỜI ĐỨC PHẬT

Bà-la-môn là tôn giáo truyền thống của cư dân Ấn Độ và cũng là tư tưởng chủ lưu trong nền văn hóa này. Tuy nhiên trong xã hội đương thời, nếu đạo Bà-la-môn được xem là dòng triết học chánh thống, thì đối lập với nó là các dòng triết học phi chánh thống như Jain (Kỳ Na giáo), Lokāyata (Duy vật), trong đó có Phật giáo.

Đạo Bà-la-môn và một số truyền thống tôn giáo khác quan niệm rằng có một đấng tối cao sáng tạo nên vũ trụ. Trong tu tập, họ cổ xúy tín đồ nương tựa vào thần linh và thực hiện nhiều nghi lễ. Các hình thức thực hành tôn giáo phổ biến thời bấy giờ như thờ lửa, lõa thể, khổ hạnh, hiến tế động vật, tắm sông giải nghiệp… Thậm chí có cả hành động bạo lực phục vụ đức tin tôn giáo, như trường hợp Aṅgulimāla trước khi trở thành đệ tử Như Lai.

Đức Thế Tôn khẳng định sự cao quý hay thấp hèn của một người hoàn toàn phụ thuộc vào những hành động của người ấy. “Chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ” (Kinh Sợ hãi và khiếp đảm, Kinh Trung bộ).

Trong khi đó, Phật giáo thừa nhận có sự tồn tại của các cõi thần linh, nhưng không đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Đức Thế Tôn khẳng định sự cao quý hay thấp hèn của một người hoàn toàn phụ thuộc vào những hành động của người ấy. “Chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ” (Kinh Sợ hãi và khiếp đảm, Kinh Trung bộ) [4]. Trí tuệ và đạo đức mới là những điều được Đức Phật đề cao, chứ không phải thẩm quyền của thần thánh.

Do đó, con người không thể nương tựa thần thánh để thay đổi cuộc sống của mình. Trong Kinh Ví dụ tấm vải (Kinh Trung bộ), Đức Phật đả phá quan niệm tắm rửa tại các dòng sông thiêng sẽ tẩy uế được ác nghiệp. Ngài nhận xét, đó là việc làm của kẻ ngu si, vì các con sông ấy không thể thay đổi được những ác nghiệp mà con người đã gây ra. Ngài tiếp tục nói thêm: “Đối kẻ sống thanh tịnh / Ngày nào cũng ngày tốt / Với kẻ sống thanh tịnh / Ngày nào cũng ngày lành” [5].

Tăng đoàn chính là minh chứng cho những quan điểm mới mẻ đó của Đức Phật. Hình ảnh Tăng đoàn đã “định nghĩa lại” về hình mẫu con người lý tưởng, xứng đáng được xã hội kính trọng: “Phạm chí thật đâu do huyết thống / Giai cấp cao, nguồn gốc thọ sanh / Ai không phiền não, tịnh thanh / Phạm chí không chấp, cõi tâm an lành” [6]. Có thể nói, Đạo Phật đã đưa ra những tiêu chí mới để đánh giá con người, đạp đổ những quan niệm cố hữu liên quan đến thần linh trong tư tưởng Ấn Độ cổ đại.

Ở một góc nhìn khác, chúng ta thấy Tăng đoàn Phật giáo là hình mẫu tiêu biểu cho lối tu trung đạo, giữa bối cảnh lối tu khổ hạnh đang thịnh hành thời bấy giờ. Đức Phật xác nhận rằng, khổ hạnh không phải con đường đưa đến giải thoát. Đây không phải lời nhận định suông, bởi chính Ngài là người đã từng trải nghiệm lối tu khổ hạnh, thậm chí thực hành đến độ tột cùng của sự khổ hạnh.

Sự phát triển mạnh mẽ của Tăng-già, cùng với sự truyền bá những quan điểm mới mẻ của đạo Phật, đã thu hút đông đảo các tầng lớp trong xã hội tìm đến. Điều đó đồng nghĩa thế lực của đạo Bà-la-môn và các tôn giáo khác bị suy giảm. Ngoại đạo đã nhiều lần phá rối Tăng chúng bằng nhiều cách từ luận chiến, chửi bới, đến vu oan, hành hung… Điều đó đủ nói lên sức tác động của Tăng đoàn Phật giáo đến hệ thống tư tưởng, triết học, tôn giáo ở Ấn Độ thời đó không hề nhỏ. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, khi phong trào tìm hiểu về Phật giáo ở phương Tây phát triển, Auguste Barth (1834 – 1916) nhận định về sự tác động này trong tác phẩm Les Religions de l’Inde (Tôn giáo của Ấn Độ, 1879) như sau: “Khái niệm về thần linh đã lùi dần từng bước, hình ảnh các thần linh cũ bị xóa nhạt dần, đấng Brahma ngự trên tịch mịch vĩnh cửu, rất cao trên thế giới mặt đất, và chỉ còn có một nhân vật tham gia tích cực vào sự nghiệp giải thoát lớn lao: đó là con người” [7].

THÔNG ĐIỆP CỦA TĂNG ĐOÀN PHẬT GIÁO TRONG XÃ HỘI NGÀY NAY

Không chỉ có thời Đức Phật tại thế, Tăng đoàn mới tạo nên những tác động lớn đến văn hóa Ấn Độ. Sau đó, suốt hàng nghìn năm Phật giáo tồn tại trên bán đảo này, những tác động ấy vẫn tiếp tục lan rộng. Đến nay, khi nhìn về quá khứ, chúng ta nhận thấy Tăng đoàn Phật giáo đã để lại nhiều thông điệp sâu sắc mà con người thời hiện đại phải suy ngẫm.

Trong xã hội ngày nay, tư tưởng bình đẳng được tất cả các quốc gia trên thế giới công nhận. Do đó đối với chúng ta, quan niệm này rất bình thường. Tuy nhiên, nếu đặt nó vào bối cảnh 26 thế kỷ trước, tại một xã hội phân biệt cực độ như Ấn Độ, chúng ta mới thấy những bước đi tiên phong của Đức Phật và Tăng đoàn là vô cùng táo bạo và đầy rẫy khó khăn.

Hiện nay, mặc dù bình đẳng là tư tưởng phổ biến, nhưng trên thực tế thì sự bất công, phân biệt, kỳ thị… giữa các nhóm người vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi thế giới. Tại Ấn Độ, chế độ đẳng cấp vẫn còn tồn tại, tuy có nới lỏng hơn so với trước đây. Bởi thế, tư tưởng xóa bỏ phân biệt đẳng cấp của Đức Phật và Tăng đoàn đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bên cạnh đó, chủ trương bình đẳng giới tính của Phật giáo cũng là bài học lớn cho con người. Ngày nay, vị thế của phụ nữ được nâng cao, nhưng họ vẫn bị xem là thấp kém hơn nam giới trong một số nền văn hóa. Tại Ấn Độ, phụ nữ bị hành hung, bắt cóc, xâm hại, … là tình trạng nhức nhối trong xã hội.

Bên cạnh đó, Tăng đoàn Phật giáo còn tiên phong trong cách mạng bình đẳng giới tính. Ở xã hội Ấn Độ, địa vị của nữ giới rất thấp kém. Họ phải phục tùng nam giới, gần như không có quyền lực, không được tự do phát triển bản thân, gặp nhiều khó khăn trong đời sống hằng ngày… Trong bối cảnh đó, Đức Phật cho phép nữ giới xuất gia là một việc làm táo bạo. (Ảnh: sưu tầm)

Những hiện thực đau lòng nêu trên tiếp tục nhắc nhở trách nhiệm dấn thân phụng sự xã hội của những người con Phật trong thời đại hội nhập. Kiến tạo bình đẳng xã hội dựa trên tôn trọng quyền con người, trong đó có nâng cao vị thế của phụ nữ, chính là những lý tưởng cao đẹp mà thế giới đang hướng đến và Phật giáo đang góp phần. Cuối cùng, Đức Phật và Tăng đoàn đã gửi gắm đến nhân loại một thông điệp vĩ đại: Không ai có thể giải thoát cho con người ngoài chính mình. Mỗi người đều có khả năng hoàn thiện bản chân, giác ngộ chân lý, giải thoát khổ đau. Song, muốn đạt được như thế, mỗi người phải có trách nhiệm với chính hành vi của mình. Thần linh không có trách nhiệm với hạnh phúc và khổ đau của con người, cho nên con người không có nghĩa vụ làm nô lệ cho thần linh.

KẾT LUẬN

Một trong những thành tựu to lớn trong cuộc đời hoằng pháp của Đức Phật là thành lập được Tăng đoàn. Tăng-già là đoàn thể hòa hợp và thanh tịnh, không chỉ giúp mỗi cá nhân giải thoát khổ đau, mà còn góp phần mang lại lợi ích cho chúng sanh. Nhiều người bước vào Tăng đoàn rồi được thành tựu đạo quả, sau đó chính họ lại mang những điều mà mình đã chứng ngộ để giảng dạy lại cho người khác, giúp người khác tiến bộ trên con đường tu tập. Trong xã hội Ấn Độ cổ đại, Tăng đoàn Phật giáo đã làm lung lay chế độ đẳng cấp, bất công xã hội, phân biệt giới tính, cuồng tín tôn giáo… Trên nền tảng đó, suốt hơn 2.600 năm qua, Tăng chúng tiếp tục là những người tiên phong thúc đẩy cải cách xã hội tại các quốc gia mà Phật giáo có mặt, vì hạnh phúc và lợi lạc cho loài người.

Chú thích:

[1] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung bộ, tập II, Nxb. Tôn giáo, tr. 333-334.

[2] Sđd, tr. 147.

[3] Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Trung bộ, tập II, Nxb. Tôn giáo, tr. 328.

[4] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung bộ, tập I, Nxb. Tôn giáo, tr. 44.

[5] Kinh Trung bộ (2012), tập I, Sđd, tr. 64-65.

[6] Thích Nhật Từ (dịch, tái bản, 2016), 423 lời vàng của Phật, Nxb. Hồng Đức, tr. 148.

[7] Dẫn theo Emile Durkheim (2006), “Định nghĩa hiện tượng tôn giáo và về tôn giáo”, Đào Hùng dịch & Nguyễn Kim Hiền hiệu đính, trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Những vấn đề nhân học tôn giáo, Nxb. Đà Nẵng, tr. 46.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thích Nhật Từ (dịch, tái bản, 2016), 423 lời vàng của Phật, Nxb. Hồng Đức.
  2. Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Trung bộ, tập II, Nxb. Tôn giáo.
  3. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung bộ, tập I, Nxb. Tôn giáo.
  4. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung bộ, tập II, Nxb. Tôn giáo
  5. Thích Nữ Chúc Hòa (2021), “Sự thành lập Ni đoàn và tầm quan trọng của Bát kỉnh pháp”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 373, tr. 45.
  6. Emile Durkheim (2006), “Định nghĩa hiện tượng tôn giáo và về tôn giáo”, Đào Hùng dịch & Nguyễn Kim Hiền hiệu đính, trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Những vấn đề nhân học tôn giáo, Nxb. Đà Nẵng.

Vĩnh Thông – Tạp chí Văn hóa Phật giáo

Bài viết liên quan

Phản hồi