Sự sống chỉ hiện hữu ngay tại đây và bây giờ mà thôi
Ngày hôm qua cũng sống nhưng mà nó qua rồi, còn ngày mai cũng sống nhưng mà nó chưa đến. Còn cái mà mình thực sự đang sống là sống bằng từng hơi thở, bằng từng nhịp tim, bằng từng sát na biến đổi ở trong con người mình. Mình không nhận ra được những điều đó, mình chỉ mơ ước những cái gì đó quá xa xôi, mơ ước một cái gì đó kỳ diệu màu nhiệm mà quên đi cái đang là, mà chính cái đang là đó mới chính là sự sống của mình. Mình chỉ sống như mình đang là thôi. Chứ không phải là đã là, sẽ là hay là như cái khác là.
Thiền không phải một nổ lực để biến đổi mình thành cái khác, mà cái khác đó thường là một lý tưởng cao đẹp nào đó, nhưng thực ra đó là ảo tưởng. Mà thiền là soi sáng lại hay là trọn vẹn trở về với chính mình để soi sáng lại chính mình.
Chính mình ở đây cũng không phải là một sự riêng lẻ, bởi vì chính mình là khi mình đang đứng đây là nó đã tương giao với mọi thứ chung quanh, nên thiền là thấy ra được sự tương giao của đời sống. Mình nối hai cái đó lại. Chứ không phải thiền là cô lập mình trong một trạng thái nào đó, mà mình ưa thích, chọn lựa. Ví dụ như muốn tâm được định, muốn tâm được an lạc, muốn như thế này thế kia gì đó theo ý mình. Thì đó đều là ảo tưởng.
Một người mong muốn hạnh phúc thì chỉ là ảo tưởng, mà một người thực sự thấy ra đau khổ của mình là gì, thì đó mới là sự thật. Phải đối diện với sự thật, với thấy ra nỗi đau khổ của mình là gì, thì khi đó mới thật sự là thiền. Còn mình không chịu thấy ra nỗi đau khổ của mình mà là mong muốn được hạnh phúc, tức là không thấy ra cái thực, mà chỉ mơ tưởng một cái ảo và cái ảo đó là nó không có. Cái thực không chịu thấy, cái ảo không có thì mình lại muốn nắm bắt. Đó chính là cái nhầm lẫn trong đời sống mà nhất là cho đó là thiền.
Điều thứ 2 là thiền người ta hay đặt ra nhiều phương pháp nhưng mà phương pháp là đặt ra bởi 1 bản ngã, muốn quy định pháp tự nhiên. Đó là một sai lầm. Mình đang sống từng sát na, đó là sự vận hành tự nhiên của Pháp, sự vận hành đó ở trong mỗi người chúng ta mỗi khác hết.
Trong nguyên lý tận cùng của Pháp thì nó giống nhau, không có gì khác nhau. Nhưng trong sự biểu hiện thì mỗi người chúng ta mỗi người một khác, không có ai giống ai hết. Không có một người trên thế gian này giống nhau trong sự biểu hiện, trong tính chất thì giống nhau. Ví dụ một cây cam, nó ra 100 trái, thì 100 trái vẫn khác nhau, tính chất thì giống nhau, nhưng biểu hiện của mỗi trái cam thì khác nhau. Biểu hiện của mỗi ngọn lá là khác nhau, chứ chưa nói cây cam này với cây cam khác, riêng trong một cây cam thôi là không có 2 trái cam giống nhau trong một cây cam.
Không bao giờ có hai ngọn lá cam giống nhau trong một cây cam. Cho nên biểu hiện của mỗi người là khác nhau, không thể dùng một khuôn khổ nào đó, người ta có khuynh hướng làm thành khuôn khổ, nhưng khi mình làm thành khuôn khổ thì chỉ đúc thành cây cam bằng nhựa chứ không làm một cây sống được.
Chúng ta có thể đúc những cây cam để đem bán, cũng như thiền, nếu chúng ta đúc thiền bằng những phương pháp thì không còn là bản chất riêng của mỗi người nữa. Vì vậy chỉ có một cách duy nhất, mỗi người phải tự trở về với chính mình tại đây và bây giờ, nhìn thấy nó như nó đang là, đơn giản như vậy thôi.
Chứ đừng ép mình vào khuôn khổ nào đó để mong mình sẽ là, mà sẽ là gì? là một cây cam bằng nhựa, sẽ đúc nó thành ra là lá giống nhau, trái giống nhau, mọi thứ đều giống nhau, nhưng chắc chắn đó là một cây cam khô chết. Còn một cây cam thực sự, nó sẽ sống động và biến đổi trùng trùng duyên khởi, không thể áp đặt vào bất kỳ một khuôn khổ nào. Chân lý không thể được áp đặt vào khuôn khổ mà chân lý vận hành như nó đang là.
Hòa thượng Viên Minh
Phản hồi