Sự khác nhau giữa giới luật và luật pháp
Khác với luật pháp thế gian, Giới luật của Phật giáo, được xây dựng trên từ bi và trí tuệ hiểu biết về nhân quả, nghiệp báo nên có cả quy định xã hội nhưng chú trọng về mặt Thánh đạo. Do đó, muốn hiểu giới luật của Phật giáo thì phải biết rõ về định luật nhân quả, nghiệp báo…
Để trở thành một Phật tử, tất cả chúng ta đều phải phát nguyện thọ trì ba quy y và năm giới cấm, học tập về nhân quả, luân hồi, mười nghiệp đạo v.v… và v.v… Quy y Tam bảo và sự chấp thuận gia nhập đoàn thể nào đó, giữa giới luật và luật pháp thế gian, giữa năm giới và mười nghiệp đạo, giữa định luật nhân quả và nghiệp báo, khác nhau như thế nào về nội dung, hình thức, sự vi phạm, sám hối, kết quả là những điều mà chúng ta phảI hiểu rõ.
Nếu không hiểu rõ sự khác nhau đó, chính chúng ta sẽ không thấy được sự khác nhau giữa hạnh phúc tinh thần của người Phật tử và hạnh phúc dung tục của người bên ngoài, không thấy được mục đích tu học theo Phật giáo.
Có khi ta đã từng suy nghĩ hay nghe: “Đạo nào cũng tốt, cũng dạy làm lành bỏ dữ”. Nếu chỉ dừng ở chổ làm lành lánh dữ thì chỉ cần luật pháp của quốc gia, chẳng cần sự có mặt của tôn giáo. Nếu chỉ cần làm điều thiện để được hưởng khoái lạc ở cõi trời thì giáo pháp của Đức Phật không xuất hiện ở đời. Đây là những điều mà người Phật tử chúng ta cần ghi nhận.
Sống giữa thế giới này, có biết bao hiện tượng mà ta không thể giải đáp, biết bao sự lo sợ, đau khổ mà ta không thể vượt qua, biết bao điều ta ưa thích, hạnh phúc mà không thể giữ được. Để mưu cầu hạnh phúc bằng cách bảo vệ hay phát triển quyền lợi và địa vị của mình hay do những thế lực khác bắt buộc, chúng ta gia nhập vào những đoàn thể nào đó.
Sự gia nhập những tôn giáo khác, cũng với mục đích như trên nhưng lại cầu mong sự che chở, hay chấp nhận sự phán quyết của các thần linh, Thượng đế theo tôn giáo ấy để an tâm lập mệnh.
Khác hẳn với hai trường hợp trên, người Phật tử tự nguyện quy y Tam bảo với ý nghĩa:
Quy y Tam bảo là trở về (gacchati) nương tựa (Saranà) nơi ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Lấy ba ngôi báu hay ba điều quý báu (Ratanataya) làm tôn chỉ, làm mục đích, làm kim chỉ nam cho nếp sống tinh thần của mình.
Mục đích tối hậu của con người là hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không thể có được khi con người làm nô lệ cho vô minh, ái dục, vọng nghiệp. Muốn thoát khỏi ba trói buộc đó, con người cần phải trở về sống sáng suốt, định tỉnh, trong lành, nghĩa là trở về nương tựa nơi Phật (sáng suốt), Pháp (định tỉnh), Tăng (trong lành), vì đó là ba điều kiện quý báu và đầy đủ hơn cả cho hạnh phúc đích thực của con người.
Đức Phật dạy trong kinh Pháp cú: “Ta là nơi nương nhờ của ta, không ai khác là nơi nương nhờ của ta được, khi ta đã thuần tịnh thì đó là nơi nương nhờ hy hữu” (PC 160). Như vậy, Đức Phật đã khẳng định quy y Tam bảo chính là tự quy y vậy.
Quy y Phật có 2 phương diện:
– Quy y Bậc đã hoàn toàn giác ngộ nghĩa là nhận Đức Phật là bậc Thầy hướng đạo.
– Quy y đức tính giác ngộ nơi chính mình, nghĩa là luôn sống sáng suốt, tỉnh thức trong hành động, lời nói và ý nghĩ, không mê muội buông lung theo vô minh, ái dục.
Quy y Pháp có 2 phương diện:
– Quy y giáo pháp đức Phật. Giáo pháp được đức Phật khéo thuyết giảng. Pháp ấy có đặc tính: thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, hãy trở lại mà thấy, hướng thượng, bậc trí tự mình chứng ngộ.
– Quy y thực tại chân lý ở chính mình.
Quy y Tăng có 2 phương diện:
– Quy y chúng tăng là noi theo gương các bậc có 4 đức tính thiện hạnh, trực hạnh, ứng lý hạnh, chánh hạnh, đang hành trì theo chánh pháp.
– Quy y những đức tính trong lành quý báu nơi chính mình như chúng tăng đã đạt được.
Như vậy, quy y Tam bảo không phải là nương nhờ vào sự ban ơn giáng phúc hay cứu rỗi của Phật, Pháp, Tăng. Quy y Tam bảo không phải là quy y với một vị thầy hay với một ngôi chùa nào cả. Một vị thầy xứng đáng, một ngôi chùa quy củ có thể sách tấn chúng ta luôn tự quy y Tam bảo. Một vị thầy có thể sai, một ngôi chùa có thể sụp đổ, còn quy y Tam bảo là sự hành trì từng giây từng phút không thể nào thiếu được.
Chứng điệp quy y chỉ có giá trị tượng trưng, không thể thay thế được chính tự quy y, không thể để thờ hay để đốt theo khi chết hầu Diêm vương xá tội.
Không phải sau khi được làm lễ truyền thọ quy giới là đã trở thành người Phật tử, chỉ khi nào quy giới được hành trì nghiêm chỉnh thì mới xứng đáng là người Phật tử.
Quy y xong mà vẫn sống theo mê tín, tin theo tà giáo, sống buông lung, phóng dật, thất niệm, hành động nói năng bất chính thì gọi là mất Tam quy.
Nếu có chuyên cần thọ trì quy giới, nhưng có khi được, khi mất thì gọi là Tam quy nhơ đục, phải thường tự ăn năn sám hối, thọ trì quy giới lại. Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, mỗi nửa tháng Phật tử phải đến chùa để sám hối, thọ trì quy giới lại và nghe pháp để tự nhắc mình hành trì quy giới nghiêm túc hơn.
Nếu không có chùa thì tự sám hối và đọc quy giới trước bàn thờ Phật trong nhà. Người căn cơ cao có thể luôn tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì khi thất niệm, chỉ cần tỉnh thức trở lại là đầy đủ Tam quy.
Tóm lại, Tam quy là luôn luôn tự mình tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, để giữ thân khẩu ý của mình sáng suốt (quy y Phật), định tỉnh (quy y Pháp), trong lành (quy y Tăng).
Một người đã vững bước trong sáng suốt, tỉnh giác, định tỉnh, chánh niệm và trong lành tinh tấn, người ấy được gọi là “Tịnh tín bất động nơi Tam bảo”, đã thấy đó là lẽ sống đích thực của mình, đã nhận ra nguồn chân hạnh phúc, Đức Phật gọi đó là người đã nhập dòng Thánh, đã thấy rõ Tam bảo nơi chính mình. Đó là ý nghĩa đích thực của quy y. (lược trích Quy y Tam bảo của Thầy Viên Minh)
Luật pháp thế gian được xây dựng theo luân lý, đạo đức, truyền thống, phong tục tập quán và quan điểm chính trị của chính quyền đại diện cho nhân dân ở đất nước đó. Hay nói cách khác, luật pháp nhằm khống chế, quản lý những đối tượng phản động, nguy hiểm, bất chính theo nhận thức, chủ trương, khái niệm của nhân dân và chính quyền ở địa phương đó.
Luật pháp như vậy mang tính cách địa phương, chỉ có giá trị ở nước này, nhưng vô giá trị ở nước khác. Có khi, ngay trong một nước, tỉnh này, làng này, luật lệ cũng khác với tỉnh khác, làng khác. Luât pháp được xây dựng trên quyền của số đông, nhất là số đông có quyền lực chi phối xã hội đó.
Do tiêu chí đó, luật pháp có khi rất công bằng với số người này, nhưng bất công với số người khác theo quan điểm xã hội. Mục đích của Luật pháp là đem lại sự cân bằng ổn định, đồng thời bảo vệ đời sống hạnh phúc theo quan niệm của xã hội đó. Nếu ai làm ngược lại vi phạm thì có chiếc còng và nhà tù dành cho họ.
Khác với luật pháp thế gian, Giới luật của Phật giáo, được xây dựng trên từ bi và trí tuệ hiểu biết về nhân quả, nghiệp báo nên có cả quy định xã hội nhưng chú trọng về mặt Thánh đạo. Do đó, muốn hiểu giới luật của Phật giáo thì phải biết rõ về định luật nhân quả, nghiệp báo.
Nhân quả và nghiệp báo khác nhau. Có khi có nhân quả mà không có nghiệp báo. Định luật nhân quả là tất yếu, không thể chấm dứt nó được nhưng nghiệp báo thì ta có thể chấm dứt, giải thoát nó được. Muốn hiểu rõ về nhân quả nghiệp báo, chúng ta cần phải biết về những kiến thức giáo pháp cơ bản sau:
Những định luật của vũ trụ: có những định luật, những quy luật vận hành vũ trụ, chúng tương quan mật thiết với nhau và chi phối toàn bộ đời sống con người cùng vạn hữu. Những định luật, quy luật này mâu thuẫn nhau, tương tác nhau đã sinh ra vô vàn hiện tượng khác nhau như hữu tình, vô tình, trời đất, vũ trụ v.v và v.v…
Những quy luật ấy được Đức Phật giới thiệu phổ quát bằng năm định luật (niyàma):
1. Thế giới vật lý vô cơ (utu-niyàma): quy luật vận hành trong thế giới tự nhiên, tạo ra những hiện tượng nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh, bốn mùa do ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú đến sông biển ao hồ, tác động đến con người, cây cối, vạn vật.
Trong định luật thuộc vật lý vô cơ này cũng xảy ra theo tiến trình nhân quả nhưng không có nghiệp báo. Như do hiện tượng Elhino mà bão lụt động đất, hạn hán xảy ra khắp nơi. Nguyên nhân là do nạn phá rừng, khí thải công nghiệp mà nhiệt độ trái đất tăng lên, phá vỡ tầng ozon, môi trường sinh thái bị nhiễm độc… Gần hơn có những nhân quả rất cụ thể như trời nóng thì đổ mồ hôi, lạnh thì rét, mưa nhiều sinh lụt, không khí giãn nở tạo ra gió….
2. Thế giới sinh vật lý hữu cơ (bija-niyàma): quy luật tác động trong thế giới tế bào của những động vật và thực vật, có cả con người. Do những định luật này, các nhà khoa học đã tìm ra luật bảo toàn giống loại, DNA, di truyền, gène… kể cả những công nghệ sinh học.
Do quy luật này mà giống nào sinh giống ấy, hạt cam sinh cây cam, hạt lúa có từ cây lúa. Gène di truyền trong việc thụ thai 2 trẻ sinh đôi giống nhau nhưng khác tính tình v.v…
Trong thế giới này, tiến trình nhân quả xảy ra rất đa dạng và phức tạp. Nền công nghệ sinh học muốn biến đổi gène động vật, thực vật là dựa vào quy luật này…do sự lai tạo, mướp đắng không đắng nữa mà lớn như quả bầu,… các loại lúa chịu hạn, bắp cho nhiều hạt… một loài người thông minh hơn… nhân quả này cũng máy móc, lạnh lùng khách quan.
Cả hai loại định luật này tương tác, ảnh hưởng qua lại nhau… để xảy ra tiến trình nhân quả khác. Ví dụ: chết vì rét, vì đói, vì bị nhiễm độc, vì bội thực..thế giới vật lý tác động lên thế giới sinh lý (cơ thể) nên xảy ra như vậy.
3. Pháp (Dhamma-niyama): quy luật chi phối vạn pháp như âm dương, ngũ hành, luật hấp dẫn, ly tâm, điện từ, phản ứng sinh lý hoá, luật bảo toàn năng lượng, trường sinh học; kể cả những hiện tượng siêu hình như lúc Bồ-tát giáng phàm, thành đạo, khi Đức Phật Niết bàn.
Lãnh vực này rất bao la, khoa học cũng chưa tìm kiếm ra hết, có chăng chỉ mới là những bước khám phá ban đầu. Định luật này xảy ra trong tiến trình nhân quả trong pháp giới… Luật này dễ kiểm chứng như trong phản ứng hoá học.
Cho chất này vào thì nước sôi lên, nhưng là chất khác thì nước đổi màu v.v… âm dương hút nhau, dương dương hay âm âm thì đẩy nhau… Nam châm hút sắt… ngũ hành tương sinh, tương khắc… đều là nhân quả. Tuy nhiên, trong pháp giới còn có những định luật nhân quả rất huyền nhiệm như khi Bồ tát đản sinh thì địa cầu chuyển động… người bị thôi miên, mộng du di chuyển trong thế giới 4 chiều…
4. Tâm (citta-niyama): định luật về tâm, tâm lý như ý niệm, ý tưởng, tưởng tượng, hồi ức, trí nhớ, tư tưởng, trực giác… Những trạng thái tâm lý, những yếu tố nội tâm diễn tiến theo trình tự nhân quả tương quan đưa đến phán đoán, nhận thức, suy luận, chi phối sinh hoạt hữu thức hay vô thức của con người đều thuộc lĩnh vực của định luật này. Những hiện tượng thần giao cách cảm, biết quá khứ vị lai, thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm … đều từ định luật này.
Nhân quả trong các định luật về nhân quả cũng không phải là nghiệp báo. Khoa tâm lý học phương Tây có cả một môn học chuyên sâu để nghiên cứu, đào xới mảnh đất bí hiểm này. Tất cả những cái gọi là ký ức, phán đoán, tưởng tượng, tình cảm, nhận thức… đều nằm trong quy luật nhân quả.
Chính giấc mộng, sinh hoạt vô thức, bệnh tâm thần, stress, họ cũng tìm ra quy luật và giải mã nó để tìm phương pháp chữa trị… Những hiện tượng như thuật thôi miên, thần giao cách cảm, truyền đạt tư tưởng, tìm ra mộ người thân, chữa bệnh bằng tư tưởng… đều là nhân quả của tâm. Điều này, các tôn giáo Đông phương đã thực đi trước bằng các khả năng thiên nhĩ thông, thiên nhãn, tha tâm thông… Có những ví dụ gần gủi và thực tế như:
– Khi tâm định thì phát sinh hỷ lạc.
– Khi các tâm sở thiện có mặt thì thân tâm thư thái nhẹ nhàng, an vui….
– Khi các tâm sở bất thiện có mặt thì thân tâm ta nặng nề, bất an, nóng nảy, trì trệ, bộp chộp, bất an….
– Khi thấy người thân qua đời thì buồn chảy nước mắt.
– Thấy rắn thì sợ.
– Trúng số thì vui.
– Bị phỉ báng, nhục mạ thì buồn khổ.
– Nếu thường làm các việc ác thì thường thấy cảnh chiến tranh hay mộng dữ… Tâm và pháp tương tác nhau để sinh ra các tâm lý chủ quan “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
5. Định luật về nghiệp (kamma-niyàma): định luật về nghiệp báo, nói đủ là nhân quả nghiệp báo. Khi nói đến nghiệp báo thì phải có tác nhân của nghiệp và kết quả của nghiệp.
Chính ở đây mới nói đến nghiệp báo, sự chi phối của nghiệp báo và thoát khỏi nghiệp báo. Ta có thể dẫn nhiều ví dụ:
– Ta làm một việc xấu ác bị người khinh ghét và bị tù tội….
Phân tích: làm việc xấu ác là nhân, bị người khinh ghét, bị tội tù là quả. Do biết lẽ nhân quả nên ông A nhẫn chịu sự đau khổ xảy ra mà tâm không hề oán trách, than van sầu muộn hay sinh tâm ác, hay hận thù với ai.
Đây là trường hợp có nhân có quả nhưng không có nghiệp báo. Ông B thì trái lại, cho nên cái quả khinh ghét hoặc tội tù ấy càng gia tăng, có thể dẫn đến những hành động hoặc ý nghĩ sai lầm khác nữa. Ông B bị nghiệp báo chi phối.
Qua ví dụ trên, ta biết rõ, quyết định về nhân hay về quả của nghiệp báo chính là tâm niệm, ý tưởng, ý chí (cetanà – tư tâm sở) là tâm sở chủ động các trạng thái tâm lý.
Trong 5 định luật trên, 4 định luật đầu là định luật tự nhiên, chúng xảy ra theo tiến trình nhân quả nhưng không theo nghiệp báo. Định luật thứ 5 này mới xảy ra theo nhân quả nghiệp báo. Những hành động và phản ứng tâm lý có ý thức, mang tính đạo đức, luân lý (thiện, bất thiện, bất động) mới tạo ra báo ứng của nghiệp.
Đây là những quyết định, những chủ đích, những hành động có đầu tư ý chí của mỗi cá nhân. Tuy là nghiệp riêng biệt (biệt nghiệp) của cá nhân nhưng nó có ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội và nhân loại (cộng nghiệp).
Như vậy, chúng ta phải biết rõ đâu là nhân quả khách quan, đâu là nghiệp báo chủ quan. Cả 4 định luật đầu đều xảy ra theo tiến trình nhân quả. Phạm vi của chúng rất rộng lớn. Nếu chúng ta không thấu triệt dễ sinh ra ngộ nhận, cái gì cũng đổ thừa cho nghiệp thì oan cho ba đời chư Phật.
Dù đức Phật có ra đời hay không thì 4 định luật trên đều chi phối vạn vật. Đức Phật không hề dạy tu tập để chấm dứt các định luật ấy. Giáo pháp và giới luật do Đức Phật dạy để giúp ta không tạo nghiệp ác và giải thoát nghiệp báo ở định luật thứ năm. Nhưng ta cần phải thấu rõ các định luật ấy để không bị đau khổ, sợ hãi vì không hiểu biết chúng.
Nếu là nhân quả tự nhiên thì nó máy móc, khách quan, nhưng nhân quả nghiệp báo thì còn do tâm quyết định. Chính ở nơi tâm mới nói đến tâm nhân và tâm quả. Còn có cả triệu định luật khác không được gọi là nhân mà chỉ là duyên, thuận hay nghịch tác động, ảnh hưởng lên nhân ấy. (lược trích Học Phật căn bản II – chùa Huyền Không)
Nghiệp là gì?
Nghiệp là hành động bằng thân và miệng do tác động của ý chí (cetanà). Hành động với sự cố ý như thế là tạo ra nghiệp, thành tựu nghiệp đạo và tất nhiên sẽ đưa đến quả báo tương xứng. Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo! Như lai nói Tư chính là Nghiệp” (Cetan ‘aham bhikkhave kammam vadàmi – Anguttara Nìkàya). Tư chỉ cho ý chí của các hành động thiện ác thuộc dục giới và tâm bất động của sắc và vô sắc giới.
Khi ý chí đã đạt được mục đích mà nó mong muốn thì nghiệp đạo căn bản được thành tựu. Nghiệp đạo là con đường đưa nghiệp nhân đến nghiệp quả. Quá trình thành tựu nghiệp đạo dù thuộc thân hay ngữ cũng phải đi qua 3 giai đoạn. Một là gia hành của nghiệp đạo là giai đoạn chuẩn bị cho hành động. Hai là căn bản nghiệp đạo lúc hành vi đạt được mục đích mong muốn. Ba là hậu khởi của nghiệp đạo, sự tiếp diễn của hành động sau khi căn bản nghiệp đạo đã thành tựu. (tham khảo Yết ma yếu chỉ – trích Câu xá – của HT Trí Thủ)
Nghiệp đạo có nhiều loại nhưng được biểu hiện bằng ba loại là nghiệp thân, miệng và ý. Về mặt tính chất thì chia làm 3 là thiện nghiệp, ác nghiệp và nghiệp bất động (thiền định).
Nghiệp ác (akusala kamma) có mười:
Về thân có 3 là sát sinh, trộm cắp, tà dâm.
Về miệng có 4 là nói dối, nói chia rẽ, nói thô ác, nói phù phiếm nhảm nhí.
Về ý có 3 là tham, sân, si.
Nghiệp thiện (Kusala kamma) có mười; ngược lại mười nghiệp ác trên.
Nghiệp bất động (ànanja kamma) là các tầng định thuộc sắc và vô sắc giới do Tư tâm sở làm phát sinh các thiền chỉ.
Như vậy, ở dục giới, hành động thân, miệng và ý của chúng ta thường xuyên tương ứng với mười nghiệp ác do vô minh và ái dục làm nhân duyên. Khi nào chúng ta còn vô minh, ái dục thì vẫn còn hành động theo mười nghiệp ác. Do đó, tuy chúng ta có đặt ra luật pháp, đạo đức, luân lý để ngăn chận các nghiệp ác nhưng chúng vẫn bị hạn chế bởi không gian và thời gian, bởi những tiêu chuẩn thiện ác, đúng sai, tốt xấu dựa trên khái niệm chủ quan mà đặt ra, như đã nêu ở trên.
Khác nhau giữa nghiệp đạo và giới luật:
Một người hành động theo mười nghiệp ác, xét ra họ không thể sám hối mà hết. Họ cũng không bị Thượng đế nào trừng phạt cả mà chính luật nhân quả với sự tác động của nghiệp đạo làm cho họ phải chịu quả báo tương xứng với nghiệp mà họ đã làm.
Như thế, muôn tiêu diệt hay vô hiệu hoá nghiệp đạo đã làm thì phải bằng cách làm nhiều thiện nghiệp để hóa giải. Ví dụ ta nấu một nồi canh lỡ cho muối nhiều, bị mặn, thì phải xử lý bằng cách cho thêm nước, bột ngọt, đường vào thì vị mặn sẽ giảm đi và có thể ăn được. Nếu cũng lượng muối ấy, nếu cho vào một khối nước thì sẽ bị tiêu mất.
Để ngăn chận các hành vi của thân, miệng, ý không tạo các nghiệp đạo ác, người Phật tử phải thọ giới. Khi đã thọ giới, chúng ta nhờ năng lực hộ trì, ngăn chận của giới làm cho chúng ta không làm các nghiệp ác.
Giới luật là gì? Giới luật (sìla, vinaya) có nghĩa là hộ trì, bảo vệ, là những điều cần phải học (sikkhà pada – học xứ – như học xứ không sát sinh) bằng tự nguyện. Giới không hề có ý nghĩa bị bắt buộc phải thọ, phải giữ như luật pháp hay nội quy.
Ngoài ý nghĩa xã hội, giới chú trọng đến mặt Thánh đạo nên còn gọi là luật nghi (Samvara). Khác với luật pháp bị hạn chế bởi không gian, thời gian, đối tượng, trường hợp, luật nghi bao trùm cả năm chi phần: đối với bất cứ hữu tình (động vật); đối với bất cứ thời gian nào; đối với bất cứ nơi đâu; đối với bất cứ trường hợp nào; đối với bất cứ phương tiện nào để làm ác (xem Câu xá 15 – Đại chính 29, tr 78b).
Chính luật nghi là cơ sở phòng hộ người có thọ giới được sống an ổn và đi vững vàng trong Thánh đạo, nền tảng cho chánh niêm, tỉnh giác để đi vào định và tuệ tiến đến giác ngộ giải thoát.Giới luật còn có chức năng rất quan trọng là bảo trì sự tồn tại của Phật pháp. Giới luật là nền tảng của Phật pháp (Vinayo sàsana mùlam – Tỳ ni giả, Phật pháp chi thọ mạng)
Có thọ giới, tất nhiên có lúc phạm giới. Phạm giới là gây tội. Tội với ai? Trước tiên là với chính ta vì ta đã vi phạm vào những điều mà chính ta nguyện giữ. Thứ nữa, ta có tội với Tam bảo, với giới sư, người mà ta xin giới và hứa sẽ giữ giới. Như vậy, khi phạm giới, chúng ta có thể sám hối và xin giới để thanh tịnh trở lại.
Một người không phải là Phật tử, không thọ giới, khi sát sinh, họ đã tạo một nghiệp đạo ác và sẽ chịu quả báo tương xứng.
Một người Phật tử khi sát sinh, vừa tạo một nghiệp đạo ác, vừa phạm giới sát sinh.
Nhìn qua, người Phât tử bị thiệt thòi, vậy thọ giới để làm gì?
Nhưng như đã nói ở trên, phạm giới thì sám hối được và khi sám hối đúng pháp thì giới sẽ phục hồi. Đồng thời, người Phật tử nhờ năng lực hộ trì của giới nên không hành động các nghiệp ác, dù có muốn làm, đồng thời nhờ giới hộ trì nên dễ dàng thực hành các phúc nghiệp (Punna) như bố thí, hành thiền, phục vụ v.v… để hoá giải các nghiệp đạo ác đã có.
Một người không thọ giới, họ chỉ không làm điều ác khi bị luật pháp ngăn cấm trong không gian hay thời gian nào đó. Nhưng khi có cơ hội thuân tiện thì họ vẫn làm. Không có năng lực của giới hộ trì nên họ sẵn sàng hành động theo tiếng gọi của vô minh và ái dục.
Và như thế, họ sẽ nhận lấy những quả báo của nghiệp đã làm, đồng thời tiếp tục tạo thêm các nghiệp đạo ác khác. Luật pháp được xây dựng trên quyền lợi của số đông hay quyền lực nên người ta chỉ tuân thủ do tác động ngăn chận bên ngoài.
Giới luật của Phật giáo được xây dựng trên từ bi, luôn đặt mình vào vị trí của người để giúp đỡ người, không làm điều ác có hại cho người; bằng trí tuệ là hiểu rõ nhân quả, nghiệp báo nên không làm điều ác chứ không cần đến sự khống chế từ bên ngoài.
Là Phật tử, chúng ta phải nhận định đúng về tam quy, giới luật, nhân quả, nghiệp, nghiệp đạo, quả báo của nghiệp, để hiểu rõ sự khác nhau giữa vị trí và giá trị, mục đích của giáo pháp do đức Phật dạy và những quy định về luật pháp của xã hội hay những điều cấm, điều răn của các tôn giáo khác.
Khi đã hiểu đúng giáo pháp bằng trí tuệ, chúng ta mới có chánh kiến và mới đi đúng trên chánh đạo để có đời sống an lạc trong hiện tại và tương lai mà không bị lệ thuộc hay mâu thuẫn với những sinh hoạt của chính ta giữa xã hội.
Phản hồi