Sống chậm

Nếu muốn trưởng dưỡng nội tâm, chúng ta cần sống chậm lại, lắng nghe nhiều hơn, nói ít hơn, chú tâm hơn tới tiếng nói nội tâm và giữ tỉnh thức trong hiện tại.

Tôi cảm thấy đôi khi chúng ta cần tách mình khỏi guồng quay hối hả của cuộc sống, để tạm nghỉ ngơi và nhìn ngắm xung quanh. Thời gian gần đây, tôi thường tranh thủ đi tàu hỏa từ nơi này tới nơi khác. Đi tàu hỏa ở Ấn Độ là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Hình thức du ngoạn chậm rãi này rồi cũng sẽ trở nên hiếm dần trong thời gian tới. Khi những phát triển nhanh chóng thắng thế, và khi người ta ngày càng cần những hành trình chóng vánh, thì những chuyến hỏa xa chậm rãi, ồn ào nhưng thú vị và mang vẻ đẹp cổ kính mà người ta vẫn còn có thể thấy trên khắp đất Ấn này sẽ dần dần biến mất.

Trên một chuyến tàu, chúng ta có thể trải nghiệm rất nhiều thứ. Ta đi qua nhiều làng mạc, trò chuyện được với nhiều người, cảm nhận không khí của từng khoang và mua vài món đặc sản địa phương để thưởng thức mỗi khi tàu dừng bến tại các ga tỉnh lỵ.

Nói ngắn gọn, những chuyến tàu này như một lát cắt của đời sống Ấn Độ. Người ta làm việc hay học tập trên tàu. Có người thậm chí còn chơi bài hay đánh bạc. Còn nếu muốn tu tập, bạn có thể mang theo chuỗi tràng và Kinh sách để thực hành mà sẽ chẳng ai để ý hay gây phiền toái. Cho tới ngày nay, tôi vẫn rất thích đi những chuyến tàu này để quan sát cuộc sống xung quanh, ngắm nhìn mọi người làm gì, ăn gì, trò chuyện những gì và họ đang đi đâu. Có vô số hoạt động để mọi người có thể kết nối với nhau, và cũng có vô số cơ hội để ta kết nối.

Nhưng mọi thứ đang thay đổi theo thời gian. Ngày nay, chúng ta không thực sự kết nối với nhau – chúng ta bị lệ thuộc nhiều vào máy móc, những nút bấm, màn hình chạm và những nhận diện ảo để kết nối với mọi người, những người mà ta thậm chí chẳng có mối liên quan gì. Chúng ta chỉ kết nối trong thế giới ảo, không phải là kết nối thực sự. Tệ hại hơn là những kết nối ảo đó làm mất quá nhiều thời giờ và chi phối chúng ta đến mức ta chẳng còn thực sự kết nối với nhau nữa.

Đừng ngồi quá lâu với máy tính. Hãy cho mình thời gian và không gian để hòa nhập với thiên nhiên. Tự nhiên bên ngoài sẽ đưa bạn xích lại gần hơn với tự nhiên bên trong, hay bản chất tự nhiên sẵn có của chính bạn. Nếu luôn bận tâm hướng ra bên ngoài để tìm cầu hạnh phúc, bình an, tình yêu thương, sự may mắn, niềm hoan hỷ, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy những điều này, bởi đơn giản là tất cả những phẩm chất đó vốn nằm trong chính bạn.

Nếu không thể trưởng dưỡng hay tìm thấy những phẩm chất tích cực bên trong chính mình, chúng ta sẽ luôn bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối. Để có thể trưởng dưỡng những phẩm chất bên trong này, chúng ta cần sống chậm lại, lắng nghe nhiều hơn, nói ít hơn, để tâm hơn tới tiếng nói nội tâm, cũng như sống tỉnh giác hơn trong hiện tại, thay vì suy tưởng tới tương lai hay tiếc nuối quá khứ.

Tôi luôn kính ngưỡng bậc Thầy của mình khi thấy rằng, mỗi khi dung bữa, các Ngài chú tâm hoàn toàn vào trải nghiệm ăn, hoan hỷ tập trung vào các món ăn, tôi cảm giác như nếu thế giới có sụp đổ thì cũng không ảnh hưởng tới các Ngài trong giây phút đó. Các Ngài đã trải nghiệm toàn bộ việc thưởng thức, hoan hỷ và trân trọng bữa ăn của mình. Đối với chúng ta, hầu hết thời gian, tâm chúng ta lăng xăng ở mọi nơi. Bởi vậy, chúng ta không thể thưởng thức trọn vẹn bữa ăn, không thể trân trọng gia đình, công việc, bè bạn và cũng lãng quên không biết trân trọng nội phần tâm linh của chính mình.

Ngày nay, rất nhiều người tâm sự với tôi rằng họ rất dễ nổi nóng, họ không thể có được sự bình yên trong tâm. Tâm trí chúng ta liên tục quay cuồng với nhiều ý nghĩ, tư tưởng, các kỳ hẹn, ngày đáo hạn, cái nọ nối tiếp cái kia. Như vậy, dù cho bạn không phải là người hay đôn đáo ngược xuôi, nhưng trong tâm, bạn là người suy nghĩ quá nhiều và điều đó đem lại cho bạn những sự căng thẳng không đáng có. Phần lớn thời gian, chúng ta hủy hoại những khả năng, phẩm tính của mình vì sự bất an đó. Bởi tâm bất an là kẻ thù của sự tự tin, nên tôi nghĩ thi thoảng ta nên dành thời gian để sống chậm lại như những chú rùa.

Hãy biết dành thời gian cho bản thân, đi những chuyến tàu chậm và sống thong thả lại. Khi đó, bạn sẽ có thể nhìn rõ, thấu suốt từng chi tiết cuộc sống với tâm trân trọng, biết ơn.
 

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Bài viết liên quan

Phản hồi