Sơn Cư Cảnh Tỉnh Văn

Ở trên núi không hẳn là tu, nếu nội tâm chưa lìa nhiễm trước. Cho nên người xưa một khi chưa rõ nguồn cơn sanh tử, quyết chẳng chịu dừng chân một chỗ, rảo khắp đông tây, cầu bậc chân sư điểm hóa, đợi đến khi cơ duyên thuần thục, thấy được lối vào mới lo tìm chỗ bảo nhậm, quyết lòng hạ thủ công phu, hoặc ẩn chốn tòng lâm, hoặc riêng mình lánh xa nơi phố thị, chẳng màng đến thân này. Khi ấy, ở núi chính là cơ hội buông xuống vạn duyên, duy chỉ có một việc ngày đêm soi lại tâm mình, dụng công miên mật, như thế dù ở núi hay không, lo gì chẳng đạt?

Chẳng như người nay rủ nhau lên núi kết am tu hành, tuy thân trụ nơi đạo tràng của chư tổ mà chẳng hiểu được việc cơm cháo thường tình, tự nhận mình là bậc chân tu chê người kết duyên nơi phố thị, pháp môn không vững, giới đức không tường, chẳng chịu thưa hỏi các bậc thạch trụ trong chốn tòng tâm, lần lựa tháng ngày trôi qua vô ích.

Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Thân là rừng ác, tâm là nguồn tội”. Muốn cột tâm một chỗ, trước phải cột thân. Vì vậy các bậc cao đức xưa nay đều chọn cảnh non xanh, nước biếc làm nơi ẩn tu. Chính đời sống thanh đạm nơi núi rừng làm bớt đi thói ham muốn của cái thân ghẻ lở này. Nhờ vậy mà vọng tâm lần lần được chuyển hóa.

Than ôi! Người xưa lánh thân ở núi, chỉ vì bỏ thói phan duyên, chứ đâu dám tự phô mình, nuôi lớn ngã nhân cầu cái hư danh sơn tăng làm trò hề cho bậc thức giả? Tâm đã bất tịnh, thì trên núi vẫn lắm tham cầu, tiện nghi vật chất chẳng bớt mà ngày lại càng thêm, cưu dưỡng cái thân dơ cho béo tốt, phỏng có ích gì? Đâu hay chư tổ ngày xưa, dù ở riêng nơi núi vắng vẫn nghiêm cẩn oai nghi tiểu tiết, dè dặt với từng tâm niệm, lấy cảnh làm tấm gương soi lại lòng mình, niệm niệm tinh ròng chuyên nhất mới trụ vững chốn rừng thiêng, làm quỷ thần kính phục, muông thú quy hàng! Tuy các Ngài thân mặc áo thô, cháo rau đắp đổi mà muôn thuở mật hạnh vẫn sáng ngời, đạo phong cao vút. Nhờ vậy, mới kham gầy dựng đạo tràng, lợi lạc khắp cả nhơn thiên.
Tuy cách thời tượng pháp đã xa, các vị dù chẳng được tắm mình trong thiền phong của các bậc Thánh trước, nhưng nếu chẳng phải nhờ túc duyên sâu dày từng thọ ân pháp nhũ nơi núi này, làm sao đầy đủ phúc duyên sanh được thân người, xả tục xuất gia, được trụ trong đạo tràng của chư Hiền Thánh? Càng nghĩ càng thấy đau lòng, di tích tiền nhân còn đó, công hạnh các ngài vẫn chót vót rạng soi, đến tay hậu học thời nay, lắm nơi đã thành phế tích! Không những chứng tích xưa chẳng được giữ gìn, mà nếp sống sơn cư ngày càng sanh tệ. Ngôn hạnh đã hoang sơ đến thế, nói gì đến sự truyền đăng! Hỡi ôi, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhân bản nhất mà hàng Thích tử còn lãng quên. Chứng tỏ ngày nay, chẳng phải rơi vào cái tệ chung của mạt pháp là gì?

Đã mang thân cầu đạo, lìa bỏ mẹ cha, ra khỏi căn nhà thế tục, gạt bỏ mọi ham muốn thường tình thế gian, chọn cảnh núi rừng làm nơi trú ẩn, nếu chẳng một lòng vứt bỏ lợi danh, cầu thoát ly sanh tử, há lẽ tự mình cô phụ chí nguyện xuất trần? Còn nghĩ ở núi tức là tu thì cần gì dụng công miên mật? Vô tình đắm chìm trong cảnh u tịch cô liêu của núi rừng, sợ cảnh ồn ào nơi phố thị, ấy cũng chỉ là bị cảnh chuyển thôi, sao có thể cho là tự tại? Vì lẽ cốt yếu của sự tu hành là tâm không hề duyên cảnh, chứ chẳng phải ngăn động cầu tịnh. Song lẽ, vì tâm hành giả chưa tương ưng, nên ở núi vẫn là thuận duyên thù thắng nhất. Kinh A Hàm nói: “Thầy Tỳ kheo, dù ngủ trong rừng, đức Phật thấy an lòng”. Cho nên, nếu có cơ hội ở núi, hành giả cần phải trân trọng nhân duyên này.

Nhớ lại, khi đức vua Trần Thái Tông trốn lên núi Yên Tử tu hành, Quốc Sư Phù Vân từng nói: “Trên núi không có Phật, Phật ở nơi lòng mình, lòng lặng mà biết ấy là chơn Phật”. Do đó, chẳng thể tự phụ mình ở núi mà quên chuyên tâm tu hành. Nếu chẳng dừng tâm một chỗ, nắm vững một pháp môn, trụ núi vô ích! Mạt nhân tôi có đôi lời mạo muội, kính xin lượng xét!

Thích Như Dũng

Bài viết liên quan

Phản hồi