Rèn luyện tính kiên nhẫn có thể khiến bạn hạnh phúc hơn

Trong các đức hạnh, kiên nhẫn là một trong những phẩm chất tiêu biểu. Đức tính này thường không có biểu hiện cụ thể mà xuất phát từ nội tâm của mỗi người. Người học được tính kiên nhẫn sẽ rất nhanh vượt qua được khó khăn trong cuộc sống, từ đó tiến gần đến hạnh phúc và thành công hơn.

Kiên nhẫn là yếu tố cần thiết và là chìa khóa cho một cuộc sống hạnh phúc. Người kiên nhẫn là người có thể bình tĩnh chờ đợi khi nóng giận hoặc gặp phải ‘vận đen’, vì vậy bất cứ khi nào cảm thấy nóng giận hay xui xẻo thì đây chính là cơ hội tốt cho chúng ta rèn luyện đức tính này.

Ví dụ lúc ở nhà với con cái, hay tại nơi làm việc với các đồng nghiệp, tại cửa hàng tạp hóa đông đúc, sự kiên nhẫn có thể tạo nên ranh giới rõ rệt giữa khó chịu và bình tĩnh, giữa lo lắng và bình yên.

Từ xa xưa, các tôn giáo và những nhà triết gia đều rất coi trọng đức tính này; và ngày nay các nhà nghiên cứu cũng bắt đầu để tâm đến đức tính kiên nhẫn. Một số nghiên cứu đã cho thấy những điều tốt đẹp thường sẽ đến với người biết chờ đợi.

Dưới đây là một số lợi ích của việc kiên nhẫn được khoa học chứng minh, cùng với 3 phương pháp để rèn luyện tính kiên nhẫn trong cuộc sống.

  1. Người có tính kiên nhẫn sẽ có đời sống tinh thần khỏe mạnh hơn

Theo một nghiên cứu năm 2007 của giáo sư Chủng viện Thần học Fuller, bà Sarah A. Schnitker, và giáo sư ngành tâm lý học của trường ĐH California, ông Robert Emmons, những người kiên nhẫn thường có xu hướng ít mắc bệnh trầm cảm và những cảm xúc tiêu cực hơn.

Người có tính kiên nhẫn sẽ có đời sống tinh thần khỏe mạnh hơn. (Ảnh qua pexels)

Có lẽ vì họ có khả năng ứng phó tốt khi gặp những tình huống buồn phiền hoặc áp lực. Họ cũng là những người thường biết để tâm đến người khác và dễ thấy biết ơn nhiều hơn. Người có tính kiên nhẫn cũng rất dễ hòa đồng kết nối hơn với nhân loại và vũ trụ, đồng thời có một đời sống tinh thần phong phú.

Vào năm 2012, Schnitker lại thêm một lần nữa định nghĩa về khái niệm của đức tính kiên nhẫn, bà nhận ra rằng kiên nhẫn có nhiều cách phân loại khác nhau.

Một loại là sự kiên nhẫn giữa các cá nhân, điều này không liên quan đến việc phải chờ đợi điều gì mà chỉ đơn giản là việc giữ bình tĩnh khi phải đối mặt với những người gây khó chịu. Trong một khảo sát được thực hiện với gần 400 sinh viên đại học, bà phát hiện rằng những người giữ được kiên nhẫn với người khác thường có xu hướng lạc quan và hài lòng với cuộc sống của họ hơn.

Một kiểu kiên nhẫn khác bao gồm việc nhẫn nại trước những khó khăn của cuộc sống mà không cảm thấy cáu giận hay tuyệt vọng. Ví dụ, một người thất nghiệp vẫn kiên trì nộp đơn xin việc, hay một bệnh nhân ung thư vẫn hi vọng chờ đợi liệu pháp điều trị hiệu quả. Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong nghiên cứu của Schnitker, loại hình kiên nhẫn ‘quả cảm’ này có liên quan đến việc luôn luôn hi vọng, kỳ vọng.

Cuối cùng là sự kiên nhẫn đối trước những rắc rối hàng ngày như kẹt xe, phải xếp hàng dài ở cửa hàng tạp hóa, hay chờ sửa một chiếc máy tính gặp trục trặc. Loại hình kiên nhẫn này thường đi liền với một đời sống tinh thần lành mạnh. Đặc biệt, những người làm chủ được loại hình kiên nhẫn này thường hài lòng với cuộc sống và ít bị mắc bệnh trầm cảm hơn.

Những nghiên cứu này thật sự là tin vui cho người đã có trong mình đức tính kiên nhẫn, vậy còn những người mong muốn trở nên kiên nhẫn hơn thì sao?

Trong nghiên cứu năm 2012 của mình, Schnitker đã mời 71 sinh viên đại học tham gia 2 tuần rèn luyện sự kiên nhẫn, nơi họ được học cách xác định cảm xúc và cơn bồng bột của mình, từ đó học được cách cân bằng cảm xúc, đồng cảm với người khác và ngồi thiền.

Trong suốt 2 tuần rèn luyện, những người tham gia đã báo cáo rằng, họ cảm thấy kiên nhẫn hơn trong cuộc sống, bớt u phiền và trải nghiệm được nhiều cảm xúc tích cực hơn. Nói cách khác, sự kiên nhẫn là một kỹ năng mà bạn hoàn toàn có thể rèn luyện để đạt được, từ đó mang lại những lợi ích cho sức khỏe tinh thần của bản thân.

  1. Những người có tính kiên nhẫn thường là những người có nhân cách tốt

Trong mối quan hệ với người khác, lòng kiên nhẫn còn được thể hiện dưới dạng thức của lòng tốt. Hãy thử nghĩ về một người bạn thân luôn kiên nhẫn an ủi chúng ta suốt từ ngày này qua ngày khác khi chúng ta đang đau khổ, hay một đứa cháu luôn mỉm cười sau những câu chuyện đã được lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần của ông bà.

Thật vậy, nghiên cứu cho thấy những người kiên nhẫn có xu hướng dễ hợp tác hơn, đồng cảm hơn, công minh hơn và dễ tha thứ hơn.

“Kiên nhẫn bao gồm việc dứt khoát nhẫn nại trước sự khó chịu của bản thân để làm giảm bớt sự đau khổ cho những người xung quanh chúng ta”, Debra R. Comer và Leslie E. Sekerka chia sẻ trong nghiên cứu năm 2014 của họ.

Bằng chứng về điều này được tìm thấy trong một nghiên cứu năm 2008. Nghiên cứu đã chia những người tham gia thành các nhóm 4 người và yêu cầu họ đóng góp tiền vào một quỹ chung, quỹ tiền sẽ được nhân đôi lên và được chia đều cho mỗi người. Trò chơi khiến cho những người tham gia có tham vọng muốn nhiều tiền hơn, từ đó góp tiền một cách keo kiệt, còn những người kiên nhẫn lại vẫn đóng góp nhiều tiền hơn vào quỹ so với những người chơi khác.

Rõ ràng kiểu vị tha này được tìm thấy ở những người sở hữu cả 3 loại kiên nhẫn được đề cập ở trên, chứ không chỉ đơn thuần là sự kiên nhẫn giữa các cá nhân.

Trong nghiên cứu của Schnittker vào năm 2012, cả 3 loại hình kiên nhẫn trên đều có liên quan đến một ‘sự phóng khoáng’ trong tính cách, đặc điểm được hình thành dựa trên sự ấm áp, tốt bụng và thái độ biết cộng tác.

Những người có sự kiên nhẫn giữa các cá nhân thậm chí có xu hướng bớt cô đơn hơn, có lẽ bởi việc kết bạn và duy trì mối quan hệ bạn bè dù thông qua hình thức nào đi nữa cũng thường đòi hỏi cần phải cực kỳ kiên nhẫn.

“Tính kiên nhẫn giúp cho con người dễ dàng bỏ qua những sai sót của người khác, do đó thể hiện sự hào phóng, nhân ái và lòng vị tha nhiều hơn”, Schnitker và Emmons viết trong nghiên cứu năm 2007 của mình.

Ở cấp độ nhóm, sự kiên nhẫn có thể là một trong những nền tảng cho một xã hội văn minh. Những người kiên nhẫn thường có thể kiên trì bỏ phiếu đề xuất chính trị – một hoạt động đòi hỏi phải chờ đợi hàng tháng hoặc hàng năm để các quan chức được bầu thi hành các chính sách tốt hơn.

Sự kiên nhẫn còn giúp tổ tiên của chúng ta tồn tại, khiến họ làm những việc tốt và chờ đợi được người khác đáp lại, thay vì yêu cầu được trả ơn ngay lập tức (điều này sẽ dẫn đến xung đột hơn là hợp tác). Trong cùng một chiều hướng, tính kiên nhẫn còn có mối liên kết với việc chúng ta đặt niềm tin vào mọi người hay các tổ chức doanh nghiệp trong cuộc sống.

  1. Tính kiên nhẫn giúp ta đạt được mục tiêu của bản thân

Con đường đến với thành công là một chặng đường dài và những người không kiên nhẫn nhưng vẫn muốn nhận được kết quả ngay lập tức thường rất dễ bỏ cuộc.

Hãy nghĩ về những lời than phiền gần đây của một số cá nhân thuộc thế hệ millennials – những người không sẵn sàng lăn xả và nỗ lực cho những công việc chức vụ thấp mà chỉ lo nhảy từ chức vụ này sang chức vụ khác thay vì muốn phát triển và học hỏi.

Trong một nghiên cứu vào năm 2012, Schnitker đã kiểm tra xem liệu sự kiên nhẫn có giúp sinh viên hoàn thành công việc của họ hay không. Kết quả sau 5 cuộc khảo sát được thực hiện trong suốt một học kỳ, những người kiên nhẫn thuộc tất cả các phân loại đều cho biết, họ đã nỗ lực cho mục tiêu của mình nhiều hơn so với những người khác.

Cụ thể, khi so với những người thiếu sự kiên nhẫn, những người làm chủ loại hình kiên nhẫn giữa các cá nhân sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn cho mục tiêu của họ và cũng dễ cảm thấy hài lòng khi đạt được chúng (đặc biệt nếu đó là những mục tiêu khó khăn). Theo phân tích của Schnitker, việc cảm thấy mãn nguyện hơn khi đạt được mục tiêu của bản thân có thể lý giải tại sao những người có tính kiên nhẫn thường hài lòng với cuộc sống của họ.

  1. Kiên nhẫn giúp chúng ta có một sức khỏe tốt

Nghiên cứu về tính kiên nhẫn tuy vẫn còn mới, nhưng có một số bằng chứng nổi bật cho thấy tính kiên nhẫn thậm chí còn có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Trong nghiên cứu năm 2007, Schnitker và Emmons phát hiện ra rằng những người có tính kiên nhẫn sẽ ít gặp phải các vấn đề sức khỏe như đau đầu, mọc mụn, tiêu chảy và viêm phổi.

Một nghiên cứu khác cũng phát hiện rằng, những người thiếu kiên nhẫn và hay cáu kỉnh có xu hướng phàn nàn về sức khỏe nhiều hơn và hay gặp tình trạng mất ngủ.

Vì thế nếu tính kiên nhẫn có thể giúp giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, thì cũng không vô lý khi nói rằng kiên nhẫn có thể bảo vệ sức khỏe chúng ta khỏi những ảnh hưởng gây hại mà căng thẳng đem lại.

Cách để rèn luyện tính kiên nhẫn

Dưới đây sẽ là một số phương pháp mà bạn có thể thực hiện hàng ngày để trau dồi tính kiên nhẫn.

Hãy suy nghĩ tích cực

Cảm thấy mất kiên nhẫn không đơn thuần chỉ là một phản ứng ngẫu hứng của cảm xúc; nó còn liên quan đến những suy nghĩ và niềm tin có nhận thức. Nếu một đồng nghiệp tới họp trễ, thay vì nghĩ rằng họ thiếu tôn trọng mọi người, bạn có thể tận dụng 15 phút chờ đợi đó làm cơ hội để đọc sách.

Rõ ràng người có tính kiên nhẫn có thể dễ dàng tự kiểm soát được hành động và cả suy nghĩ của bản thân.

Thực tập chánh niệm

Trong một nghiên cứu cho những đứa trẻ thực hiện một khóa chánh niệm 6 tháng ở trường, kết quả chúng đã trở nên bớt tăng động hơn và sẵn sàng chờ đợi để được nhận thưởng.

Bà Christine Carter tại Trung tâm GGSC cũng khuyên các bậc phụ huynh nên rèn luyện chánh niệm.

Cụ thể hít một hơi thật sâu và tự cảm nhận sự tức giận hoặc mất kiểm soát của bản thân, điều này có thể giúp phụ huynh trở nên kiên nhẫn hơn. Chẳng hạn hãy thử đặt bản thân trong hoàn cảnh khi đám trẻ nhà bạn xích mích với nhau ngay trước giờ ngủ, rồi áp dụng liệu pháp chánh niệm để kiểm soát cảm xúc đó, rèn luyện cho mình tính kiên nhẫn.

Củng cố lòng biết ơn, hài lòng với cuộc sống

Trong một nghiên cứu khác, những người trưởng thành có lòng biết ơn sẽ kiên nhẫn hơn trong việc kiểm soát ham muốn của bản thân. Khi được hỏi nên lựa chọn giữa việc nhận phần thưởng bằng tiền mặt hay chờ đợi thêm một năm để được khoản tiền lớn hơn (100 đô la).

Kết quả những người có ít lòng biết ơn sẽ đề nghị được nhận thưởng ngay với khoản tiền là 18 đô la; trong khi những người biết ơn sẽ tiếp tục chờ đợi cho đến khi khoản tiền đạt 30 đô.

Do đó nếu ta có thể rèn luyện cho bản thân lòng biết ơn và hài lòng với mọi thứ trong cuộc sống thì chúng ta cũng sẽ không rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng khi không thể đạt được những mong cầu hay cố gắng muốn thay đổi cuộc sống nữa.

Chúng ta luôn muốn bản thân có thể né tránh khỏi sự nóng giận và xui xẻo, nhưng điều này là không thể. Bởi trong cuộc sống luôn có những thách thức sẽ ập đến bất chợt với bất kỳ ai.

Do đó việc luyện tập tính kiên nhẫn trong các tình huống hàng ngày, chẳng hạn như ứng phó với người không tuân theo kỷ luật, quy củ, không chỉ làm cho cuộc sống dễ chịu hơn mà còn có thể giúp mở đường cho một tương lai thành công và dễ hài lòng hơn.

An nhiên dịch theo Epoch Times

Bài viết liên quan

Phản hồi