Quan hệ vợ chồng dưới cái nhìn Phật giáo
PGĐS – Phật giáo có câu: tu trăm năm mới ngồi chung một thuyền, tu ngàn năm mới cùng chung chăn gối. Đó là sự nhấn mạnh về tính kì diệu của nhân duyên vợ chồng. Đến với nhau không phải muốn là được. Vạn sự đều phải nhờ duyên, nhờ phận.
Duyên vợ chồng là nhân duyên bất ngờ và khó đoán định nhất trên cuộc đời. Con cái – cha mẹ, anh chị em là những nhân duyên trời định, không cưỡng cầu được, không tự chủ được. Duy có nhân duyên vợ chồng lại khác. Hai người từ xa lạ thành thân thuộc, từ thân thuộc thành cuộc đời của nhau. Phật giáo cho rằng, duyên này cũng là kết quả của nhân quả nghiệp báo. Có 3 mối duyên tạo nên nhân duyên vợ chồng:
1. Duyên báo ân:
Nhiều người không hiểu vì sao mình yêu người này mà không yêu người kia, lấy người này mà không lấy người kia? Thế giới 7 tỉ người nhưng chỉ có một người thực sự dành cho mình. Đó là duyên báo ân, duyên lành mà hai người gieo từ kiếp trước, đến kiếp này nở thành quả lành để chung hưởng hạnh phúc lứa đôi. Kiếp trước có người cứu bạn khỏi nguy nan, cho bạn một miếng khi đói, giúp bạn một tấm áo lành. Dẫu là nhỏ nhoi nhưng vẫn ghi lòng tạc dạ. Kiếp này người ấy là nam thì bạn là nữ, người ấy là nữ thì bạn là nam, tìm tới ân nhân mà báo tạ đền ân, kết duyên trăm năm để mang tới hạnh phúc cho người đó. Duyên này là duyên lành, một đời hạnh phúc mỹ mãn. Một người có thể vì nửa kia mà tự nguyện làm nhiều việc, nhường nhịn, chia sẻ, tâm tình, nâng cao ý nghĩa của mối quan hệ vợ chồng đúng nghĩa.
2. Duyên trả nợ:
Rõ ràng không máu mủ ruột già, không chung cùng huyết thống nhưng lại gắn bó với nhau suốt đời. Đó là vì duyên. Có thể kiếp trước trả chưa hết kiếp này lại tới trả. Nợ tiền hay nợ tình đều tính là nợ. Đời có vay có trả. Có nợ ắt phải gặp nhau. Nợ quá sâu lại nên duyên vợ chồng. Có những cặp vợ chồng người vợ chăm lo cho chồng hết mực, lúc nào cũng dịu dàng đon đả; lại có cặp đôi chồng gánh vác hết thảy, luôn quan tâm và che chở cho vợ. Duyên vợ chồng này một người cho, một người nhận là vì kiếp trước người vợ người chồng ấy còn vướng nợ với bạn đời của mình. Thế nên đừng trông thấy người sướng, được bạn đời chiều chuộng mà ganh ghét. Ai có phúc của người ấy. Họ chỉ đang hưởng thụ những gì mà họ đáng được hưởng từ kiếp trước mà thôi. Bạn không có phúc phần ấy là vì nhân bạn gieo chưa đủ lành nên tiếp tục cố gắng gieo ở kiếp này thay vì tị nạnh với người khác. Hãy gieo 10 hạnh lành Phật dạy, chẳng lo gì buồn khổ.
3. Duyên cân bằng:
Hai người kiếp trước có nợ nần lẫn nhau, không ai cho hết mà cũng không ai nhận hết, kiếp này lại tìm tới nhau để trả nợ. Kết thành vợ chồng. Vợ trả nợ chồng, chồng trả nợ vợ. Hai người vừa là chủ nợ vừa là con nợ của nhau. Mối quan hệ cân bằng, không tồn tại bất công. Rồi chính cuộc sống ở kiếp này sẽ lại tạo nên những vay nợ nối tiếp, lại kéo dài nhân duyên vợ chồng của chính bạn ở kiếp sau. Bạn nợ ai, bạn cho ai vay, đều sẽ là vòng tuần hoàn nhân quả, nảy sinh những gặp gỡ, những mối duyên tiền định. Duyên vợ chồng không phải ngẫu nhiên, đều do chính chúng ta tạo dựng. Vạn sự tùy duyên. Duyên này vốn không có trời sắp đặt mà do người tự mình nắm lấy. Hai người đến với nhau, chung dựng gia đình phải trải qua duyên từ kiếp trước đến kiếp này, không đếm nổi bao nhiều là khó khăn, bao nhiêu là trắc trở. Vượt không gian, thời gian, trở thành định mệnh của đời nhau. Thế nên duyên ấy lành hay dữ đều đáng trân trọng, tốt hay xấu đều là do những hành động của con người mà tạo thành nhân quả. Vợ chồng là nghĩa trăm năm, nối dài những mối duyên, trọn vẹn những ân tình, sống sao cho không những trả hết nợ cho nhau mà còn bồi đắp thêm những hạnh lành, những điều tốt đẹp. Đừng phụ công vượt qua sinh tử sống chết mà tìm đến bên nhau.
Sưu tầm
Phản hồi