Quan điểm về Xá lợi trong kinh Đại thừa
PGĐS – Theo Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, Phẩm 2 Thọ Lượng Thế Tôn, bấy giờ trong pháp hội có bà la môn Kiều Trần Như, muốn cầu một chút xá lợi của đức Thế Tôn, dù chỉ bằng một hạt cải để hiến cúng, mong nhờ công đức đó, được sanh lên cõi trời Đao Lợi làm Đế Thích.
Khi ấy, đồng tử Lê Xa nói 14 đoạn chỉnh cú, nêu các thí dụ không thể xảy ra như:” Giả sử lông rùa, dệt thành áo đẹp… thì mới tìm được, xá lợi Thế Tôn”, để khai thị cho Bà La Môn Kiều Trần Như. Nghe qua, Bà La Môn Kiều Trần Như liền tán thán:
“ Chư vị Thế Tôn
Thể tánh đồng nhất
Pháp các Ngài nói
Cũng là như vậy;
Nên chư Thế Tôn
Vốn phi tạo tác,
Lại nữa cũng là
Vốn phi sinh khởi”.
Kinh Tạp A Hàm, kinh số 299, nói: “Nhưng dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng chánh giác, vì tất cả chúng sanh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bày”. Cho nên, “Thấy duyên khởi là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy Như Lai”. Kinh Kim Cang nói: “ Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai” (Như Lai là không từ đâu đến cũng không đi đâu nên gọi là Như Lai).
Do đó, chỉ có xá lợi pháp thân, là xá lợi chân thật của đức Thế Tôn, đó là Trí Tuệ Bát Nhã được trình hiện ngay nơi đời sống tỉnh thức, cũng như được kết tập thành ngôn ngữ văn tự trong tam tạng thánh điển. Muốn báo đáp ân đức của chư Phật, thì phải dùng phải “tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc lên với chánh pháp”, như di huấn tối hậu của đức Phật.
Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim nói:
“Pháp thân là Phật
Pháp giới cũng Phật,
Là thân của Phật
Pháp của Phật nói
Là pháp giới ấy”.
Vì sao? Kinh Kim Cang nói:” phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”. Nghĩa là “Hễ vật gì có hình tướng đều là giả dối. Nếu thấy các tướng không phải hình tướng, tức thấy được Như Lai”. Cho nên, Bà La Môn Kiều Trần Như khẳng định:
“Thân thể Thế Tôn,
Không phải máu thịt
Làm sao mà có
Linh cốt xá lợi;
Thế nhưng phương tiện
Lưu lại linh cốt
Là để lợi ích
Bao loại chúng sinh”.
Vì vậy, xá lợi ứng hóa thân của đức Thế Tôn, chư Bồ tát, Lịch đại tổ sư chỉ là chứng tích để phát triển tín căn của đại chúng, nương theo đó tu tập mà giải thoát sanh tử. Bằng trái lại, cổ xúy mê tín xá lợi niềm tin, thì đó chỉ là tà kiến như Kinh Kim Cang, Phật dạy:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.”
Dịch:
“Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Chẳng thể thấy Như Lai”.
Bản chất Phật giáo là khai ngộ cho chúng sanh. Điều gì làm cho quần chúng u mê, cái đó không phải chánh pháp. Huống chi vin vào đó, tạo xá lợi giả mà buôn thần, bán thánh, lừa gạt tín đồ. Dù trong nhà Phật có tương truyền câu chuyện “ răng chó thành xá lợi”. Đó là, có một bà lão sống tại Tây Tạng, nghe con trai sắp đi buôn ở Ấn Độ, bèn nhờ người con xin dùm một viên xá lợi Phật để thờ.. Do đến Ấn Độ, chẳng quen ai cả. Hơn nữa xá lợi thật là quốc bảo, đâu dễ thỉnh. Vì để mẹ vui lòng, anh ta bèn nhặt một cái răng cho đem về cho mẹ thờ. Người mẹ hết lòng chiêm lễ, cho đến một hôm, cái răng chó bỗng phát quang, biến thành xá lợi Phật, do lòng chí thành của bà”. Cho nên, sự cảm ứng đạo giao nan tư nghì, trong Phật giáo, hoàn toàn không thể phủ nhận. Hiện tượng xá lợi tăng sinh do lòng chí thành, hoặc cầu đảo như Thiền Sư Khương Tăng Hội, vẫn được Phật giáo ghi nhận.
Theo Kinh Nhứt Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni, đức Phật dạy, vào thời mạt pháp, nếu không gặp được xá lợi của chư Phật thì nên biên chép kinh ( chú) này để trong tháp, tháp đó tức là bảo tháp kim cương tạng thân của tất cả Như-Lai, được tất cả chư Phật gia trì. Nên lấy hương hoa mà tùy sức tranh nghiêm cúng dường. Điều ấy đảm bảo hơn là xá lợi niềm tin được bày bán công khai rất nhiều. Vì đó là thờ cúng pháp thân xá lợi của chư Phật.
Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim nói:
“Phật không nhập diệt,
Pháp cũng bất diệt,
Chỉ vì lợi ích
Cho bao chúng sinh,
Nên Phật thị hiện
Có sự diệt tận”.
Nếu rõ được như thế, mới là không phụ ân ba đời chư Phật ra đời chỉ vì một mục đích duy nhất là “ Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”, như Kinh Pháp Hoa khẳng định.
Thích Như Dũng
Phản hồi