Phước sẽ giúp an vui lúc tuổi già

PGĐS – Phải nhớ rằng chúng ta đều mắc nợ vì được lo lắng từ thuở bé và sau khi chúng ta về già sẽ được nghỉ ngơi trở lại. Nhưng khi còn sức khỏe, còn trong độ tuổi lao động thì chúng ta phải cống hiến hết sức để lo cho cuộc đời, lo cho Phật Pháp, lo cho chúng sinh.

Khi đã già nhưng bản thân vẫn không lập gia đình, không có con, và không đi tu vậy ai sẽ nuôi mình? Vì không lập gia đình thì không có con. Nhưng ai cũng nghĩ rằng: “về già sẽ được con cái chăm sóc. Còn nếu không lập gia đình thì phải vào chùa tu để khi về già thì đệ tử sẽ lo cho mình”.Ví dụ những trường hợp sẽ không có con lúc về già sau đây:

– Những người không xuất gia thì sẽ không có đệ tử. Vì họ sợ rằng: “tu không được, phải giữ giới, cạo đầu thì xấu…vv”.

– Cũng có những người không lập gia đình. Vì lựa chọn nhiều người nhưng cũng không có ai vừa ý mình. Hay cũng không biết được rằng người ta chê mình, hay mình chê người ta?

– Hoặc vì họ cảm thấy việc có con, lập gia đình quá mệt mỏi, cho nên cũng không muốn lập gia đình.

Như vậy lúc về già ai sẽ nuôi những người ở trường hợp trên?

– Câu trả lời là “thiên hạ nuôi”, có nghĩa là “phước” sẽ nuôi họ khi về già.

Còn trường hợp những người không ai nuôi là như thế nào?

– Là những người đó không đi tu, cũng không lo cho Đạo và cũng không lập gia đình. Nghĩa là họ không nuôi con, mà cũng không làm phước.

Thì những người này về già sẽ rất thê thảm, họ có thể chết bờ, chết bụi, chuyện đó đã quá rõ. Nếu họ còn chút ít “phước” thì sẽ vào viện dưỡng lão. Một viện dưỡng lão ít tiện nghi và ít người lo lắng, chăm sóc. Nếu là người có phước lúc về già thì một mình người đó sẽ có khoảng năm đến mười người chung quanh lo lắng, chăm sóc. Còn nếu bản thân ít phước thì con số đó giảm dần. Còn vào viện dưỡng lão thì ngược lại. Trong viện dưỡng lão một người phải lo cho mười người.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ví dụ: trong viện dưỡng lão, một người hộ lý phải lo cho mười người? Như vậy có chu đáo không? – câu trả lời là không. Thầy đã từng đến thăm các viện dưỡng lão để tặng quà và vào trong thì thấy rất xót xa. Trong viện dưỡng lão có mùi rất hôi, vì nhân viên lo không thể chu đáo được. Bởi vì có quá nhiều nhiều người cần được chăm sóc, cho nên những người không làm chủ được bài tiết, khi họ bài tiết ra nhưng không ai dọn những phần bào tiết đó. Khiến cho viện dưỡng lão có mùi rất hôi thối. Đúng là một phần của Địa Ngục. Mà lý do cũng bởi phước của những người đó không đủ. Họ không đi tu để có đệ tử, cũng không lập gia đình để có con. Nhưng thầy nói như vậy thì tụi con cứ làm phước thôi mà không đi tu, không lập gia đình. Như vậy tụi con làm phước thì có lẽ là phước nuôi tụi con, nhưng thầy cảnh giác thêm. Làm phước phải giống như nuôi con thì mới có phước, chứ không phải làm phước sơ sài, không phải thỉnh thoảng hoặc một tuần kiếm ai đó cho một ngàn đồng thì không đủ phước để có người nuôi lúc về già.

Nhưng nuôi con cực không? – Vô cùng cực.

Lúc sinh con ra, phải lo cho đứa bé từng miếng ăn, ly sữa. Vì thầy đã chứng kiến những người nuôi con. Đứa bé lúc sinh ra hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ, không có cha mẹ nuôi thì đứa bé sẽ chết. Bời vì mạng sống đứa bé mới sinh quá mong manh. Nếu không có cha mẹ chăm lo từng chút thì đứa bé sẽ chết chỉ trong vòng một tuần hoặc hai ba ngày, hay một tiếng đồng hồ sau. Chính vì cha mẹ chăm sóc quá kỹ nên đứa bé mới có thể lớn lên từng ngày. Cho nên ân nghĩa của cha mẹ đối với con cái rất lớn, vì công lao cha mẹ chăm sóc cho con mình quá lớn. Cho nên trở thành “phước” lúc tuổi già. Xứng đáng được đền bù. Nhưng nếu mình không có con để lo tương đương mức độ như vậy. Mình cũng không đi tu để có đệ tử mà thương yêu đệ tử mình như vậy. Vậy khi mình làm phước đối với chúng sinh cũng phải tương đương mức độ cực khổ ngày đêm chăm lo như nuôi con. Thì sau này về già mới sống sung sướng được và điều đó không phải dễ.

Nếu mình là một người Phật Tử có gia đình, có con. Mình đã thương yêu, dạy dỗ con mình cực khổ. Tức là bảo đảm có sự đền bù rồi, mặc dù bản thân không tính toán gì. Mình không nghĩ rằng nuôi con để mong con mình chăm sóc mình lại khi về già, mà chỉ do tình thương của cha me đối với con cái thôi. Nhưng tính theo Nhân Quả thì mình đã có sự đền bù xứng đáng. Đồng thời từ lúc biết Đạo đến khi về già thì con mình cũng đã lớn. Nên bản thân có thể dùng khoảng thời gian còn lại để tận tụy lo cho chúng sinh khắp nơi. Nghĩa là những người nuôi con và đồng thời lo cho nhiều người khác nữa thì phước sẽ chồng thêm phước. Người như vậy lúc về già sẽ như thế nào? – Họ sẽ sung Sướng vô cùng. Sau khi chết họ thường sinh lên cõi trời, sống rất sung sướng.

Cho nên chúng ta cực khổ để lo cho người khác hoặc con của mình thì “phước” đó bảo đảm cho chúng ta ở kiếp này và những kiếp sau sẽ được sống trong sung sướng.

Bây giờ Thầy nói đến những người Xuất gia. Người xuất gia là những người không có gia đình. Trường hợp như người đã lập gia đình và có con, sau đó mới xuất gia thì cũng đã có thời gian nuôi con trước khi xuất gia. Điều đó cũng tạo ra một chút phước.

Vậy trường hợp những người đi tu sớm và không có gia đình trước đó thì phải dốc hết lòng lo cho Đạo. Nghĩa là không phải chỉ lo cho huynh đệ, mà còn phải lo những việc trong Chùa một cách tận tụy, cực khổ như là mình nuôi con. Thì mới thành phước báu bảo đảm cho tuổi già không bị chuyện gì xấu xảy đến và sẽ được sung sướng. Đó là điều bảo đảm.

Phải nhớ rằng chúng ta đều mắc nợ vì được lo lắng từ thuở bé và sau khi chúng ta về già sẽ được nghỉ ngơi trở lại. Nhưng khi còn sức khỏe, còn trong độ tuổi lao động thì chúng ta phải cống hiến hết sức để lo cho cuộc đời, lo cho Phật Pháp, lo cho chúng sinh. Thì chúng ta không phải lo lắng lúc về già. Về già người đó vẫn sung sướng, có thể họ sẽ không trở thành bậc thầy lừng danh có đông đảo đệ tử. Tầm mức của bản thân sẽ thấp hơn, nhưng họ vẫn sẽ có cuộc sống an ổn lúc tuổi già. Nghĩa là tâm linh thì phát triển, Định được vào sâu và cũng có người lo lắng thương yêu, quý trọng mình cho tới lúc mình từ giã cõi đời. Bởi vì khi còn trẻ mình đã lo cho Đạo tận tụy, không tiếc thân, không tiếc công, không tiếc sức.

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bài viết liên quan

Phản hồi