Phụ nữ trong con mắt của Đức Thế Tôn
Đức Thế Tôn có thể được xem là người đầu tiên tiên phong trong việc thực hiện bình đẳng giới. Ngài làm việc đó trong xã hội Ấn Độ cổ đại – vào thời điểm mà những định kiến sâu sắc kia chưa có cơ hội để được tháo gỡ, được xoa dịu.
Sự bất bình đẳng trong xã hội Ấn Độ được hình thành thông qua đạo luật Manu của hệ tư tưởng Bà-la-môn giáo. Hệ tư tưởng này phát triển, duy trì, củng cố và bất khả xâm phạm bởi sự bảo hộ của hai giai cấp thượng đẳng là Bà-la-môn – giai cấp thống trị về tư tưởng và đời sống tâm linh cùng Sát-đế-lợi – giai cấp thống trị về chính trị và kinh tế. Chịu sự áp bức mà không có cơ hội phản kháng bởi vì đức tin mù quáng đây là sự sắp đặt của Thượng đế, sự mặc khải, sự an bày đó chính là hai giai cấp hạ đẳng. Hai giai cấp này chiếm đại đa số có nhiệm vụ phục vụ cho hai giai cấp cầm quyền. Phệ-xá – giai cấp bao gồm tất cả các tầng lớp trong chúng dân với các ngành nghề sĩ, nông, công thương. Giai cấp cùng đinh nhất là giai cấp Thủ-đà-la – giai cấp nô lệ với sự ấn định cả cuộc đời là tài sản của những giai cấp còn lại, không có quyền con người, không có quyền lên tiếng.
Tuy nhiên, Thủ-đà-la còn được may mắn khi có cơ hội được xếp vào “giai cấp”. Còn đối với Chiên-đà-la họ không có được may mắn này. Đây là nhóm đối tượng ti tiện, đê hèn, dơ bẩn từ thể xác đến tâm hồn, giai cấp mạt hạng, ngang loài cầm thú; đến mức độ, họ giẫm lên cái bóng của những giai cấp trên cũng là điều không thể nào chấp nhận được trong con mắt của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.
Đây là đối với người nam. Còn người nữ? Dĩ nhiên, họ còn xếp sau những cái được gọi là “giai cấp”.
Ấy vậy mà, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, người phụ nữ được thăng hoa nhân phẩm, được thăng tiến địa vị, được đưa lên những nấc thang cao đẹp trong đời sống và tâm hồn – sự kiến đức Toàn Giác chấp thuận thành lập giáo đoàn Ni.
Vấn đề được đặt ra là tại sao lại hình thành giáo đoàn Ni với Bát kỉnh pháp? Có phải đức Thiện Thệ vẫn còn chút gì đó gọi là bất bình đẳng chăng?
Nhân đây, bằng kiến giải cá nhân, chúng tôi xin đưa ra vài nhận định (không xứng đáng và không thể nào xứng đáng so với trí tuệ siêu việt của Ngài) về vấn đề Bát kỉnh pháp.
Đối tượng xuất gia vào thời điểm lúc bấy giờ là lệnh bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề – di mẫu của Thái tử Tất-đạt-đa, vợ thứ của Vua Tịnh Phạn cùng 500 vị hoàng hậu, thứ phi, công chúa, hoàng thân quốc thích – những đối tượng quyền lực trong giai tầng cầm quyền về chính trị và kinh tế. Như vậy, với đời sống xuất gia trong tập thể không có những đặc quyền cho các giai cấp thống trị, mà chỉ có sự đối đãi thế gian dưới cán cân của thành tựu tu tập thì việc phòng ngừa tập khí thị uy, ra lệnh, quyền hành, ăn trên ngồi trước của đối tượng nữ xuất gia đầu tiên này là điều vô cùng cần thiết.Chính những giới điều trong Bát kỉnh pháp đã hỗ trợ người nữ bỏ đi cái “tôi” và cái “của tôi” vốn dĩ ăn sâu vào tâm thức đến mức không dễ để có thể chuyển hóa một sớm, một chiều. Họ có cơ hội thực tập và được nhắc nhở nhiều hơn để hoàn thành con đường thanh tịnh thân tâm khi gia nhập giáo đoàn của Đức Thế Tôn.
Khi hình thành hệ thống Ni đoàn, việc cùng sống chung và cùng thực tập theo lời dạy của đức Như Lai; hay nói các khác là việc quản trị nhân sự cũng là việc cần lưu tâm đến. Đức Đại Hùng luôn luôn nhấn mạnh về việc diệt Ái Dục – vì đây được xem là nhân đưa đẩy chúng sanh trong vòng luân hồi sanh tử. Như vậy, khi thành lập Ni giới được xem là cơ hội để chúng ngoại đạo xuyên tạc, châm biếm, khiêu khích và lăng mạ giáo pháp của Phật. Do đó, nhằm hạn chế những tác động không hay từ nội tại đến ngoại tại trong quyết định thành lập Ni bộ, đức Thế Tôn đã uyển chuyển, khéo léo giao phó trọng trách bảo vệ Ni giới cho Tăng đoàn với tư cách của một người cha, người chú đối với người con, người cháu của mình.Ni bộ xem Tăng bộ như nơi nương tựa tâm linh ở hàng trưởng thượng. Tăng chúng xem Ni chúng là đối tượng cần dìu dắt, nâng đỡ vị đó là thế hệ “cháu, con” trong ngôi nhà chung của đức Như Lai. Chính ý thức hệ này đã hỗ trợ đắc lực cho việc gìn giữ mối quan hệ giữa Nhị bộ vừa thanh tịnh, vừa đoàn kết, vừa tương hỗ, vừa độc lập… Đây được xem là nghệ thuật tài tình trong việc quản trị của đức Như Lai.
Như vậy, người phụ nữ trong con mắt của Đức Thế Tôn có đầy đủ các quyền bình đẳng: bình đẳng về giai cấp, bình đẳng về vị trí, bình đẳng về vai trò,… và quan trọng nhất là bình đẳng về sự chứng đắc trong giáo Pháp của Ngài. Bởi vì, như bao chúng sanh khác, người phụ nữ vẫn đầy đủ Phật tính thường hằng bất thối chuyển.
Phản hồi