Phật Về Xa Cảnh Phồn Hoa

PGĐS -Sau hai năm dịch bệnh, xã hội trầm lắng theo cơn âu lo đe dọa sức khỏe và sinh mệnh, kinh tế cũng nổi trôi theo sinh hoạt chưa bình thường, thế nhưng, dịch bệnh vừa có dấu hiệu thuyên giảm, mùa Đản sinh lại trở về, thế là các nơi như được hồi phục niềm tin, một số tư gia hăng say thiết lập lễ đài một cách tự nguyện.

 

Hàng năm, tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cu M’gar tỉnh Daklak, tuy dân số chưa đến 27 ngàn người, cách Thành phố Buôn Ma Thuộc 19km, nhưng đời sống an bình, khí hậu mát mẽ, đức tin về Phật giáo khá phổ biến do dân cư từ miền Trung du nhập. Một số gia đình thiết lập lễ đài tư gia mỗi khi mùa Đản sinh có mặt. Quần chúng từ trẻ em đến người lớn đến tắm Phật. Điều đáng nói là đồng bào sắc tộc cũng tin Phật, treo cờ, băng rôn, thiết lập bàn hương án, tham dự lễ, do BTS PG Huyện và Phật tử phát động, hỗ trợ lẫn nhau. Trong 64 Tỉnh thành, chưa rõ có nơi nào được tư gia phấn chấn như thế chăng?

Năm nay, tại một huyện của tỉnh Hải Dương, lần đầu tiên được nhóm Phật tử cùng đồng lòng tổ chức thiết trí không gian lễ đài Đản Sanh tại gia đình Phật tử Pháp danh: Chơn Phúc Tâm, một lễ đài rất đẹp và khá trang trọng. Được sự hỗ trợ và hướng dẫn thiết kế của một vài vị Phật tử ở miền Nam, Tượng sơ sanh được các Phật tử Gò Vấp, Sài Gòn chuyển ra, Các chị, các cụ hân hoan tạo cho quần chúng địa phương được hiểu thế nào là lễ tắm Phật trong mùa Đản sinh.

Chuyện lạ, là các đấng mày râu đều vắng bóng, để mọi khâu thiết kế, trang trí, trưng bày đều là phụ nữ U 50 – 60. Các chị trèo thang cao giăng cờ, treo lồng đèn, kết hoa, lo trang hoàng, tổ chức. Sau khóa lễ tắm Phật, còn đãi ăn cho người đến dự lễ, rồi có lộc Phật mang về cho con cháu trong niềm hỷ lạc vô biên hiếm thấy tại vùng quê phía Bắc. Một vài cụ bà cảm động nhỏ lệ tâm sự: “ Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi mới biết được biết thế nào là lễ Phật Đản Sanh và tắm Phật tại gia, vì chưa được ai hướng dẫn”.

Miền Bắc là cái nôi phát xuất và phát triển Phật giáo suốt nhiều thế kỷ, thế nhưng sau thời chinh chiến phân tranh Nam Bắc, Phật giáo chỉ còn vài ngôi chùa cổ biểu tượng minh chứng sự có mặt với thời gian. Tinh thần Phật giáo đã mờ nhạt theo nếp sống khốn khó một thời; sau khi hai miền thống nhất, Phật giáo tuy hồi phục nhưng vẫn chưa đi sâu vào lòng xã hội. Đức tin mơ hồ đồng nghĩa với Tứ phủ và tín ngưỡng nhân gian. Chư Tăng vẫn chưa phát huy hết giáo lý chánh tín vào quần chúng, cứ mãi duy trì cầu siêu, cầu an, bói quẻ, ngày giờ, cúng sao giải hạn…

Nhiều chục năm qua, Tăng Ni trẻ được đào tạo từ Học viện, vẫn chưa đủ nhân sự để đảm trách các chùa. Vì thế, một vị phải trụ trì nhiều chùa để duy trì nghi thức Tôn giao hơn là hướng dẫn quần chúng tu tập, nên quần chúng phật tử vùng sâu không có cơ hội tìm hiểu sâu sắc về mục đích ra đời của Đức Phật! Tâm đạo và đức tin của quần chúng vẫn bàng bạc lững lờ như mây khói không gian. Chỉ cần một tác nhân hội tụ để làm sáng niềm tin thì Chánh Pháp ắt được vững bền.

Trong Nam, một vài nơi cũng có chùa phát động treo cờ, giăng đèn.Tại chùa Viên Giác đường Bùi thị Xuân, quận Tân Bình, cờ chạy dọc kênh Nhiêu Lộc. Tòa sen lớn bềnh bồng giữa dòng kênh xanh. Chiều mồng tám tháng Tư, chư Tăng và Phật tử đồng phục áo màu vàng tươi, tay cầm xô cá đi phóng sinh dọc bờ kênh. Mồng 8 tháng Tư là lễ Đản sanh truyền thống, rằm là lễ thống nhất toàn quốc và thế giới. Từ mồng 8 đến rắm là thời gian các chùa thay nhau tổ chức để tránh trùng lặp. Do là lễ truyền thống nên các chùa tự động thiết lễ. Các tư gia, nếu được Các cấp giáo hội khuyến khích và chư Tăng hỗ trợ giống như BTS PG CưMgar thì lễ Đản Sanh sẽ được xã hội hóa, mỗi mỗi nhà cũng sẽ có lễ đài như các tín đồ Tôn giáo bạn có hang đá mỗi khi Noel đến.

Năm nay (2566 -2022) Phật giáo toàn quốc liệu có khởi sắc nhân mùa Đản sanh như một truyền thống, để tín đồ Phật giáo có động cơ phát khởi đức tin mà bao năm qua bị nhấn chìm bởi dịch bệnh, hay để rồi tinh thần Phật giáo cũng sẽ bềnh bồng với kinh tế thời vụ! Hiện nay mọi hoạt động của Phật giáo chỉ gói gọn trong tổ chức hành chánh do chư Tăng điều hành mà bỏ quên một lực lượng nòng cốt bảo vệ Phật giáo từ giới cư sĩ, quần chúng tín đồ được khuyến khích phát triển có tổ chức, Phật giáo sẽ là một sức sống không kém sau 1964. Hy vọng Đại hội cuối năm, Giáo hội sẽ quan tâm nhiều hơn nữa với lực lượng quần chúng trong đời sống và nhất là các mùa lễ lớn, song song với củng cố tổ chức hành chánh trong Giáo hội hiện nay.

Minh Mẫn

Bài viết liên quan

Phản hồi