Phật dạy khi bị người khác nói xấu – Cách ứng xử để tránh tổn thương

Cuộc đời chúng ta không có gì là toàn vẹn. Cho nên, chúng ta không thể cấm những người xung quanh nói xấu sau lưng, hay đưa ra những quan điểm cá nhân của mình. 

Tuy nhiên, việc bị nói xấu không chỉ gây ra cảm xúc tiêu cực, sự tổn thương đối với một cá nhân, mà vô tình khiến một tập thể trở nên mất đoàn kết.

Nhiều người lựa chọn cách im lặng, hoặc phản kháng một cách gay gắt. Vậy với cách nhìn của đạo Phật, thì nguyên nhân bị nói xấu là gì và cách ứng xử khi bị nói xấu như thế nào cho khéo léo? Hãy cũng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân của việc bị nói xấu sau lưng

Như trong kinh Sám Hối Thập Ác, có đoạn: 

“Thân, miệng, ý sinh ra mọi tội

Suy cho cùng đều bởi sáu căn”. 

Chúng ta đang sống trong dòng chảy của nhân duyên và nghiệp quả. Trong đạo Phật, môi trường sống gọi là y báo, con người chúng ta là chính báo. Chính báo và y báo có quan hệ mật thiết với nhau. Chúng ta mắt nhìn, tai nghe thấy gì; hay mũi ngửi, lưỡi nếm những gì thì đều là y báo, là cảnh duyên. 

Do đó, có những người sinh ra với sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều thấy được cảnh đẹp đẽ, êm ái, dễ chịu. Đây gọi là duyên phước của họ. 

Sáu căn của chúng ta thọ hưởng điều gì đều là duyên nghiệp của mình. Việc chúng ta bị nói xấu, bị người khác đối xử không chân thật với mình cũng có thể do nhân quả sinh ra. 

Việc bị nói xấu là điều chắc chắn sẽ có trong cuộc đời (ảnh minh họa)

Việc bị nói xấu là điều chắc chắn sẽ có trong cuộc đời (ảnh minh họa)

Làm gì khi bị nói xấu?

Chúng ta cần nhận định việc bị nói xấu, sỉ nhục là đúng hay sai, là thiện hay ác, có lợi hay không có lợi cho bản thân. Cụ thể như sau:

1. Trường hợp người nói xấu nói đúng sự thật

Nếu nói đúng sự thật vì bản thân có việc làm sai trái; thì chúng ta phải chấp nhận lỗi sai, hoan hỷ tiếp nhận và sửa đổi, tu dưỡng, hoàn thiện bản thân để được tốt đẹp hơn. Tất nhiên, có những điều cả xã hội phê phán chưa chắc đã đúng. 

Như trong kinh Chánh tín, Đức Phật có dạy: “Này các Ka-la-ma, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa-môn nói ra những lời ấy là bậc đạo sư của mình”.

Cho nên, chúng ta cần bình tâm xem lại các việc của mình. Việc làm đúng là việc giúp có lợi xét theo Pháp của Đức Phật, đem lại lợi ích cho chúng sinh, không gây khổ cho mình, cho người; việc làm đó được an lạc, đi đến giác ngộ và giải thoát. 

2. Trường hợp người nói xấu nói sai sự thật

Trong kinh Phạm Võng, Trường Bộ Kinh, kinh Nikaya do Hòa thượng Thích Minh Châu Việt dịch, Đức Phật dạy các Tỷ – Kheo: “Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: – “Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi.

Cho nên, ở thế gian cũng vậy; nếu bị nói xấu, sỉ nhục là sai, không đúng sự thật, không có căn cứ; thì chúng ta có quyền được lên tiếng. Nếu họ vẫn tiếp tục làm, chúng ta có thể nhờ đến sự can thiệp của Pháp luật. 

Ngoài ra, chúng ta phải tập an nhẫn, nhẫn nại để vượt qua những nhân duyên trong cuộc sống. 

Chúng ta cần chân thành sám hối; phát nguyện tu tập để chuyển hóa nhân quả; tập tu tâm khiêm hạ, sống chân thành với mọi người.

Tập sống chân thành, khiêm hạ với mọi người xung quanh (ảnh minh họa)

Tập sống chân thành, khiêm hạ với mọi người xung quanh (ảnh minh họa)

Qua những lời dạy, cách ứng xử khi bị người khác nói xấu sau lưng, mong rằng các bạn sẽ có những quyết định, tư duy đúng đắn để mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

Bài viết liên quan

Phản hồi