Phát biểu khai mạc Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập VNCPHVN (1989-2024)
PGĐS- Ngày 19/10/2024, tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Tp. Thủ Đức) HT.Thích Giác Toàn- Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN) đã phát biểu khai mạc Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập VNCPHVN, Ban Biên tập xin đăng toàn văn bài phát biểu.
Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, Kính thưa quý vị Quan khách và quý Phật tử,
Hôm nay, trong không khí trang nghiêm và tràn đầy hoan hỷ, chúng ta vinh dự hội ngộ nơi đây để cùng nhau kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024), một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu, dịch thuật và phát triển Phật học của Phật giáo nước nhà. Đây là thời khắc để chúng ta cùng nhìn lại những chặng đường đã qua, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến công đức to lớn của chư vị cao Tăng tiền bối, đặc biệt là Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu – Viện trưởng sáng lập, và Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Người kế thừa và tiếp nối sự nghiệp vĩ đại này, đưa Viện phát triển lên tầm cao mới.
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa liệt quý vị,
Cách đây 35 năm, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ra đời với mục đích xây dựng một nền nghiên cứu Phật học quy mô và hàn lâm, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam trong nước và hải ngoại. Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, vị Viện trưởng đầu tiên, bằng trí tuệ uyên bác và lòng từ bi vô lượng, đã không những đặt nền móng vững chắc cho Viện mà còn mang đến một tầm nhìn chiến lược dài hạn. Ngài đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp dịch thuật và truyền bá các bộ kinh điển Pāli như Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ, một nửa Tiểu bộ và nhiều tác phẩm khác, giúp Phật tử Việt Nam dễ dàng tiếp cận giáo lý nguyên thủy của đức Phật.
Không dừng lại ở việc nghiên cứu và dịch thuật kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu còn đặc biệt chú trọng đến việc ấn hành các bản dịch Kinh A-hàm và những bộ Kinh, Luận của Phật giáo Đại thừa. Ngài đã mở rộng sự hiểu biết của Tăng Ni, Phật tử về toàn bộ hệ thống giáo lý của các tông phái Phật giáo, tạo nên một nền Phật học Việt Nam phong phú và toàn diện, dung hòa giữa tinh thần Nguyên thủy, Bộ phái và Đại thừa. Qua những công trình đó, Hòa thượng đã khéo léo đặt nền móng cho một nền giáo lý Phật học Việt Nam vừa sâu sắc, vừa mang bản sắc riêng, tạo cơ sở cho Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững đến ngày nay và mãi mãi về sau.
Kính thưa quý liệt vị,
Kế thừa và phát huy sự nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Đức Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, trong vai trò là Viện trưởng thứ hai của Viện (2008-2017), đã không ngừng thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu, phát triển Viện thành một tổ chức nghiên cứu Phật học đa ngành, đa dạng với các trung tâm chuyên biệt như: Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Trung tâm Nghiên cứu và Phiên dịch Phật học Hán truyền, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Nam truyền, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Bắc truyền, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã mở rộng hoạt động nghiên cứu, xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị học thuật, thiết lập quan hệ hợp tác với các trường Đại học và Viện Nghiên cứu tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, khẳng định vị thế của Viện trong nước và quốc tế.
Kính thưa quý liệt vị,
Từ năm 2017 đến nay, với trách nhiệm là Viện trưởng thứ ba của Viện, chúng con / chúng tôi tiếp tục phát huy di sản tinh thần quý báu mà chư vị tiền bối đã để lại, không ngừng nỗ lực mở rộng các phương diện nghiên cứu bằng cách thành lập thêm các phân viện và trung tâm dịch thuật mới như: Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer, Trung tâm Pāli học, Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh, Trung tâm Nghiên cứu và Dịch thuật Phật học, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Khất sĩ, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo. Những trung tâm này đã quy tụ được nhiều học giả, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu cùng nhau cống hiến trí tuệ, góp phần phát triển Phật học nước nhà.
Đặc biệt, một dấu mốc quan trọng trong giai đoạn này là việc triển khai Dự án Đại tạng kinh Việt Nam, mà ngày nay gọi là Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam vào năm 2017. Đây là công trình mang tầm vóc lịch sử và có ý nghĩa to lớn, với mục tiêu hệ thống hóa và chuẩn hóa các bộ kinh điển của Phật giáo Việt Nam. Tính đến nay, dự án đã hoàn thành toàn bộ Kinh tạng Pāli được in thành 9 tập, toàn bộ Luật tạng Theravāda được in thành 2 tập, bốn bộ A-hàm (bản dịch cũ và mới) được in thành 7 tập, còn lại các bản biệt truyền chưa dịch, 3 tập của bộ Bản duyên. Tổng cộng, Viện đã ấn hành được 21 tập, trong năm 2024 này sẽ hoàn thành 3 tập Bản duyên nữa, nâng tổng số thành 24 tập. Mỗi tập trung bình 1300-1500 trang, khổ 19cmx27cm. Sự hoàn thiện dần bộ Tam tạng Thánh điển PGVN này tạo nên một chương mới, một di sản vô cùng quý giá của Phật giáo Việt Nam.
Trong những năm tới, Viện sẽ tuần tự dịch bổ sung, biên tập và xuất bản các bộ Luật của Phật giáo bộ phái, các bộ kinh lớn Đại thừa như Kinh Pháp Hoa, Kinh Niết bàn, Kinh Bảo Tích, v.v…
Dự án Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam không chỉ là công trình mang ý nghĩa tâm linh và học thuật, mà còn là biểu tượng cho sự đoàn kết, thống nhất của Phật giáo Việt Nam trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài. Đây là một thành tựu lịch sử, thể hiện tinh thần phụng sự Đạo pháp, phụng sự dân tộc mà thế hệ chúng ta hết lòng phát huy.
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quý liệt vị,
Nhân Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập Viện, Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM và môn phái Tổ đình Tường Vân tổ chức hội thảo: “Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn” vào chiều ngày 19/10/2024 này và Hội đồng Quản trị VNCPHVN phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Khám phá liên kết lịch sử, văn hóa và tâm linh giữa Ấn Độ và Việt Nam” vào ngày 20 tháng 10 năm 2024.
Ngoài hai hội thảo này, Hội đồng Quản trị VNCPHVN cùng với Hội Tăng Ni sinh HVPGVN tại TP.HCM tổ chức đêm hoa đăng tưởng niệm tại Thiền viện Vạn Hạnh, 750 Nguyễn Kiệm, P.4, Q. Phú Nhuận, TP. HCM để khắc ghi công đức, đạo nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng đối với Đạo pháp và chúng sinh.
Hôm nay, nhìn lại chặng đường 35 năm của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, chúng ta không khỏi xúc động và hoan hỷ trước những thành quả đã đạt được. Mỗi trang sử của Viện đều ghi tạc công đức và trí tuệ của chư vị tiền bối, chư Tôn đức Tăng Ni và sự ủng hộ của quý Phật tử, mạnh thường quân trong nước và hải ngoại. Chúng ta cùng nhau nguyện cầu cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam mãi mãi phát triển vững mạnh, xứng đáng là ngọn đuốc sáng soi đường cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử trong nước và quốc tế.
Kính chúc chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, quý vị khách quý và toàn thể Phật tử thân tâm an lạc, mọi Phật sự được thành tựu viên mãn.
Kính chúc Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn.
Phản hồi