Pháp tu Quan Âm
Pháp tu Quan Âm chủ yếu nói về hạnh Quan Âm và chúng ta áp dụng pháp tu của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Nói đến hạnh Quan Âm, chúng ta biết Ngài có hạnh lóng nghe tiếng nói tâm trạng đau khổ của tất cả chúng sanh.
Vì vậy, một số người nghĩ rằng tu theo Quan Âm thì cần tập hạnh này. Thuở nhỏ, tôi cũng đã từng tập tu hạnh này, nhưng rất khó và coi chừng nguy hiểm, vì chúng ta chưa phải là Quan Âm nhưng lóng nghe tiếng đau khổ của chúng sanh thì đưa điều khổ đó vào mình sẽ không thể chịu đựng nổi. Thật vậy, nghe việc khổ của một người thân mà chúng ta đã cảm thấy nặng lòng, huống chi là nghe nhiều người thì càng khổ tâm hơn, chắc chắn tâm chúng ta không yên được. Lóng nghe tiếng khổ đau của chúng sanh là việc khó làm của Bồ-tát, không phải phàm phu làm được. Nghe hạnh Bồ-tát tốt đẹp như vậy, chúng ta thường sanh kính trọng; nhưng làm theo các Ngài thì ở một chừng mực nào đó mới an toàn.
Thực tế chúng ta thấy người thế gian phần nhiều ít nghe, nhưng thích nói, tức bắt người phải nghe mình, mà không chịu nghe người. Nếu như vậy sẽ dẫn đến tình trạng không ai nghe ai. Trong một gia đình mà không biết lóng nghe nhau thì sẽ bất hòa. Một xã hội như vậy sẽ dẫn đến sự đấu tranh, nguy hiểm. Đặc biệt là chính quyền mà không nghe quần chúng, nhưng cứ áp đặt lệnh lên quần chúng thì nước nhà khó yên được. Vì vậy, hạnh lóng nghe rất quan trọng. Người lớn lãnh đạo cần nghe ý kiến đóng góp của người dưới, hay người trưởng gia đình phải nghe sự mong muốn của các thành viên trong nhà. Riêng tôi, làm việc lâu dài được là nhờ một phần chịu nghe, trước nhất là nghe tiếng nói biểu lộ tâm trạng của Tăng Ni, Phật tử ở tất cả địa phương, thì thấy mỗi người có hoàn cảnh, nỗi khổ riêng. Và hiểu được sự bức xúc của dân chúng vùng đó, chúng ta đến chia sẻ hay làm việc gì đó để gỡ rối, chắc chắn họ rất hoan hỷ.
Quan Âm nghe tất cả tiếng khổ đau của chúng sanh, nhưng Ngài xét xem có thể làm được điều gì tốt thì Ngài mới làm. Vì vậy, có người kêu cứu thì Quan Âm xuất hiện, nhưng có người van xin, Ngài cũng không đến; vì Ngài có trí tuệ, biết được đến đó không thể đáp ứng yêu cầu của họ. Đức Phật cũng nói rõ rằng Ngài còn có tam bất năng là ba việc Như Lai không làm được, không phải việc nào Phật cũng giải quyết được. Phật còn không làm được, huống chi chúng ta. Việc nào làm được, chúng ta mới xuất hiện, không thể làm thì ta không xuất hiện; vì Phật nói rõ rằng tất cả chúng ta sanh trên cuộc đời này đều trôi lăn trong sáu nẻo do nghiệp của từng người tạo nên; cho nên vấn đề chính yếu là làm sao họ hiểu được và tự hóa giải nghiệp của họ. Nếu họ không làm như vậy thì Phật cũng không cứu được. Phật nói rằng Ngài không thể cứu người muốn chết. Vì vậy, ta có lòng từ bi, nhưng thiếu trí tuệ, nên không thấy được nghiệp của người, tức không hiểu được các pháp của trật tự thiên nhiên hay xã hội, thì không giải quyết được.
Tu Pháp hoa, tụng phẩm Phổ môn thứ 25, thấy Quan Âm có hạnh lóng nghe, tôi cũng muốn tu theo như Ngài; nhưng nghĩ khó đạt được kết quả. Tôi mới đọc thêm kinh Hoa nghiêm, thấy Ngài có tên là Quán Tự Tại. Quán Tự Tại hay Quan Âm là một người thể hiện đầy đủ bi và trí, vì Quán Tự Tại tiêu biểu cho trí và Quan Âm tiêu biểu cho bi.
Muốn hóa độ chúng sanh phải tự cứu được mình, chưa cứu mình mà cứu người là không tưởng. Quan Âm trong kinh Pháp hoa cứu độ chúng sanh với 12 nguyện, nhưng trước khi có 12 nguyện này, Ngài phải tự tại với tất cả hoàn cảnh; nói cách khác, tâm Quan Âm như ngọc ma ni, như hoa sen không dính nước, không nhiễm bùn, trong sáng và có khả năng tác động người làm cho họ an. Ta chưa phải là ma ni, chưa phải là hoa sen thì việc cứu chúng sanh còn xa. Ta chỉ làm được một việc nhỏ là làm từ thiện thì cũng tốt rồi.
Trên bước đường tu, tôi chỉ lóng nghe vài việc đã làm tôi mất ăn mất ngủ cho đến muốn vỡ tim. Chẳng hạn tôi nghe trận động đất ở Nhật đã bàng hoàng khiến tôi luôn dao động, nên không dám nghe nữa. Phải ngồi yên, tĩnh tâm, niệm Phật và cầu nguyện. Vì vậy, đừng nghe nhiều. Nghe việc khổ làm chúng ta đau lòng là bi tâm sanh ra và chúng ta giữ bi tâm này để hướng về một vị Phật nào đó mà cầu nguyện thì tiếp nhận được ánh quang Phật rọi vào lòng chúng ta, làm cho lòng chúng ta mát dịu. Như vậy là từ trường của Phật đã đến với chúng ta và chúng ta cầu nguyện để từ trường đó cũng sẽ đến với người.
Như vậy, chúng ta phải kết nối giữa ta với Phật, với Bồ-tát để nhận được lực gia trì của các Ngài. Sức gia trì của Phật, của Bồ-tát cho chúng ta sức mạnh để hóa giải ưu phiền trong lòng chúng ta, từ đó chúng ta mới truyền Phật tâm này đến nơi, hay đến người muốn cứu độ. Có thể nói ta, hay Phật, Bồ-tát cứu độ, ai cứu độ thì không rõ ràng. Ta thấy Phật cứu, nhưng người thấy ta cứu, vì ta nhận được lực của Phật và Bồ-tát và dùng lực này truyền cho họ. Không nghĩ mình cứu, nhưng chúng sanh đến cám ơn tôi, bấy giờ, tôi mới nhận ra mình là trung gian giữa Phật và chúng sanh, có thể hiểu đó là hóa Phật, hay hóa thân Phật, vì ta không phải là Phật, nhưng đem Phật vào lòng, nên lòng chúng ta và Phật là một. Ánh quang Phật rọi lòng ta sáng thì ta trở thành hóa Phật mới có năng lực hóa giải nghiệp chúng sanh. Cầu nguyện có kết quả là vậy; nhưng cầu nguyện không kết quả vì tâm chúng ta không thanh tịnh và ánh quang Phật không rọi vào lòng chúng ta được.
Tôi thực tập pháp này, có lúc Phật hiện hữu trong lòng tôi thì tâm tôi rất thanh tịnh, khi đó hướng đến hoàn cảnh khổ của chúng sanh thì khổ của chúng sanh hiện vào lòng và Phật biến mất; nghĩa là Phật khi ẩn khi hiện trong lòng chúng ta và nghiệp chúng sanh cũng khi ẩn khi hiện trong lòng chúng ta, thật là cả một mớ lộn xộn. Khi chúng sanh hiện vào thân chúng ta thì chúng ta trở thành chúng sanh thân. Khi Phật hiện vào thân chúng ta thì chúng ta trở thành Phật thân. Phật cũng ta, mà chúng sanh cũng là ta. Vì vậy, kinh Hoa nghiêm nói rằng Phật có mười loại thân, thân cao nhất là Tỳ Lô Giá Na thân và thân thấp nhất là địa ngục thân. Lúc chúng ta nghe tiếng than cầu của chúng sanh ở địa ngục, ta tiếp nhận âm thanh này khiến lòng chúng ta đau khổ, sẽ hiện thân đau khổ; lúc đó, chúng ta mang thân địa ngục và hiện tướng đau khổ. Còn ở thiền định, cảm Phật, ánh quang Phật rọi vào lòng chúng ta sáng thì nét mặt chúng ta hân hoan. Tôi để ý người tu lúc ngồi yên thấy từng niệm tâm họ thay đổi, nên nét mặt cũng thay đổi. Thiền sư ngồi thiền, nhưng mỉm cười là biết họ đang tiếp nhận năng lượng của Phật, của Bồ-tát, hay của thiền sư nào đó gia bị, thì họ là hóa thân của thiền sư, của Phật, hay của Bồ-tát.
Có lần tôi nhìn Hòa thượng Thanh Từ, nghĩ rằng ngài là hóa thân của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vì Hòa thượng rất tha thiết với Trúc Lâm Yên Tử và hạnh nguyện của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chính sự tha thiết trong lòng Hòa thượng mới cảm nhận được sự gia bị của Trần Nhân Tông khiến cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được phục hồi. Nhìn gần là Hòa thượng Thanh Từ phục hồi phái này, nhưng nhìn xa thấy là Phật hoàng Trần Nhân Tông phục hồi. Phật hoàng là Hòa thượng Thanh Từ và Hòa thượng là Phật hoàng; đây là ý nghĩa hóa thân. Theo kinh nghiệm, khi tôi cảm vị Bồ-tát nào thì thấy việc của tôi hình như là của Bồ-tát này làm. Đem Phật, Bồ-tát, La-hán, Thiền tổ vào ngự trong lòng chúng ta thì lòng chúng ta an tịnh, chúng ta liền là hóa thân của các ngài. Nhưng đem hình ảnh của người buồn phiền, tham lam, ích kỷ vào lòng mình thì mình cũng liền trở thành như vậy.
Tập hạnh Quan Âm, trước tiên là tập hạnh Quán Tự Tại, tức chúng ta tự tại trước tất cả các pháp, không có gì chi phối chúng ta được, không buồn phiền. Phật hay ác ma tới, chúng ta cũng hoàn toàn tự tại, vì thấy tất cả các pháp như huyễn. Quan Âm của kinh Hoa nghiêm cứu được chúng sanh, ngài là Quán Tự Tại của Bát-nhã. Tìm Quan Âm trong Bát-nhã, Hoa nghiêm và Pháp hoa là lộ trình mà tôi đã thực tập.
Bước đầu, chúng ta tìm Quan Âm trong Bát-nhã là chúng ta quán tất cả pháp là Không, ngũ uẩn giai Không, tứ đại giai Không và quán thấy như vậy thì sẽ độ tất cả khổ ách. Như vậy, Quan Âm khởi đầu quán Không trước. Thực tập pháp này, tôi thường nói chết là cùng thì đối với tất cả mọi việc trên cuộc đời, chúng ta dễ dàng bỏ qua. Người quán thuần pháp này sẽ có thái độ đặc biệt. Điển hình như tôi thưa với Hòa thượng Pháp chủ rằng Hòa thượng Thanh Kiểm đã mất, ngài nói quý hóa. Thường mình nghe người nào mất thì buồn, nhưng ngài lại nói quý hóa. Thiết nghĩ đối với tâm thanh tịnh thì tất cả mọi việc, kể cả việc sống chết, hoặc việc Phật sự thành hay bại cũng đều quý hóa. Suốt cuộc đời tu của ngài chỉ có hai chữ “Quý hóa”. Thực tập như vậy, thấy lòng mình lúc nào cũng bình yên; còn vọng tưởng điên đảo thì cái này quý hóa, cái kia khổ quá, sẽ bị đọa, vì việc xấu luôn luôn nhiều hơn, đến khi thấy cuộc đời này toàn màu xám là bước vào địa ngục.
Kinh Bát-nhã rút gọn là Tâm kinh. Quan Âm thể hiện Tâm kinh. Đầu tiên ngài có một cánh tay là Bát-nhã hay Tâm kinh có thể diệt trừ được tất cả khổ ách của mình xong, mới chia sẻ được sự bình an cho người. Tôi nhận thấy rõ ý này. Năm 1975, sau khi đất nước giải phóng, tôi thấy quý thầy có người tìm cách thoát, có thầy nghĩ là trở về nhà, vì phần nhiều tu trốn quân dịch, còn một số cán bộ nằm vùng thì đeo băng đỏ đi làm việc. Họ tập trung đến tôi, nếu tôi tiếp thu tất cả tâm trạng của họ chắc là sẽ vỡ tim. Tôi lên chánh điện tụng kinh Pháp hoa thì hình ảnh của chư Phật từ quá khứ đến hiện tại và vị lai hiện hữu trong lòng khiến tôi cảm thấy ấm áp. Chính sự ấm lòng này mới tác động những người thấy tôi bình tĩnh tụng kinh, họ cũng bắt chước tụng kinh và lạy Phật theo. Cuối cùng đâu cũng vào đó, người làm cách mạng ở chùa thì trở về đời làm cách mạng, người tu bất đắc dĩ thì trở về nhà. Và người tin Phật thì an ổn.
Đầu tiên chúng ta hóa giải nghiệp mình xong, mới hóa giải được nghiệp của chúng sanh là trí Bát-nhã của Quan Âm mà chúng ta phải thực tập. Còn tâm bất an, không hóa giải được lòng mình, nên bám vào bộ kinh nào và hành trạng của vị Phật, Bồ-tát nào, nhờ ánh quang của các Ngài soi rọi cho chúng ta tìm được chỗ an trú.
Cánh tay phải của Quan Âm là Bát-nhã, nên ngài tu Bát-nhã trước. Ngài Trí Giả phán giáo rằng trong suốt hai mươi hai năm, Phật nói Bát-nhã là quét sạch phân nhơ. Quý vị có buồn phiền đau khổ khó giải quyết, cứ đem kinh Bát-nhã ra tụng. Đọc từng chữ thấm vào lòng mình, thấy toàn vũ trụ là Không, tức thế giới chơn Không hiện ra cho chúng ta, ngã Không, pháp Không, tất cánh Không. Tất cả là Không và từ Không này bắt đầu tập hợp lại tất cả Phật, Bồ-tát, chơn Tăng đều hiện ra trong chơn Không.
Bước đầu quét sạch chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, bấy giờ, Phật, Bồ-tát xuất hiện trong Pháp giới là qua kinh Hoa nghiêm thì Quan Âm trở thành Quán Tự Tại đối với tất cả các pháp, thân và tâm tự tại, Quan Âm hóa giải người tự tại theo. Như tôi tụng kinh Pháp hoa, Phật gia bị tôi bình an, người tới bắt chước tụng kinh theo cũng được bình an. Đạo tràng Pháp Hoa thành lập từ nguồn gốc này. Tất cả người tu phải cảm được Phật, Bồ-tát gia bị cho chúng ta. Còn Phật tử đạo tràng mà nghĩ mình là Phổ Hiền, là Quan Âm, nhưng chẳng có gì giống các Ngài là điều nguy hiểm, bị đọa, vì Quan Âm và Phổ Hiền chưa vào lòng quý vị. Hạnh nguyện của các ngài quá lớn đòi hỏi chúng ta phải dụng công lớn may ra mới đến với các ngài được.
Và khi Pháp giới hiện thì không có gì không phải là Phật, đó là Phật của kinh Hoa nghiêm. Thế giới Bát-nhã không có gì. Thế giới Hoa nghiêm chỉ có Phật và Bồ-tát, vì ác ma, địa ngục cũng biến thành Phật. Tiếng suối reo, gió thoảng, không có gì nằm ngoài Pháp tánh không phải là Phật.
Từ kinh Bát-nhã bước sang kinh Hoa nghiêm thành Quán Tự Tại và Bồ-tát Quan Âm trong Pháp hoa tay phải có Bát-nhã, tay trái có Hoa nghiêm, nên ngài hiện ra ba mươi hai thân, tức loại hình nào Quan Âm cũng vào được mới lắng nghe được tất cả chúng sanh. Có chúng sanh nào niệm Quan Âm thì lực Quan Âm gia bị cho họ hết khổ, là họ tự cứu họ, không phải Quan Âm cứu; ví như chúng ta đi làm từ thiện, vì nghiệp của họ hết, nên họ hết khổ, chứ không phải nhờ ta cứu.
Ta hướng về Đức Quan Âm, ánh quang của Quan Âm rọi vào lòng chúng ta, phá tan u ám trong lòng ta, không còn thấy khó khổ; nói cách khác, chúng ta không còn ham muốn, kể cả ham sống, nhưng vẫn sống. Còn người ham sống, nhưng không sống được. Cuộc đời tôi nhiều lần tưởng chết, nhưng sau thấy mình vẫn còn, mới thấy nhờ Quan Âm cứu khổ ban vui. Mong rằng quý vị cảm nhận được hạnh Quan Âm và tạo được sự tương quan với Ngài để nhận được lực gia bị thì mọi việc tự tốt đẹp cho mình.
Nguồn: Đạo Tràng Pháp Hoa
Phản hồi