Phẩm mạo người xuất gia
Các bậc xuất gia phải cạo bỏ râu tóc, mặc những thứ vải thô, xấu, lại còn phải nhuộm nước chát cho ố màu đi. Họ còn phải thọ trì nghiêm khắc hai trăm hai mươi bảy giáo điều, mười ba pháp đầu đà khổ hạnh…
Vua Mi-lan-đà hỏi đại đức Na-tiên:
– Thưa đại đức! Trước đây trẫm có cơ duyên hầu chuyện với trưởng lão Àyupala, được biết rằng, bậc xuất gia hay người tại gia đều có thể đắc quả cao thượng giống nhau. Mà chính Đức Tôn Sư cũng có thuyết như thế. Điều này trẫm còn có chỗ hoài nghi.
– Xin đại vương cứ nói.
– Thưa, người tại gia thọ dụng ái dục, ăn mặc bằng những y phục màu trắng có thêu hoa, nằm ngủ với vợ, mưu sinh bằng đủ mọi cách để nuôi vợ con; họ nhồi phấn, thoa vật thơm, trang sức, trang điểm mỹ lệ, chải chuốt mái tóc cho láng lẩy, gom góp tài vật đủ loại… Nghĩa là họ hưởng thụ dục lạc một cách đầy đủ, thỏa mãn…
Còn các bậc xuất gia phải cạo bỏ râu tóc, mặc những thứ vải thô, xấu, lại còn phải nhuộm nước chát cho ố màu đi. Họ còn phải thọ trì nghiêm khắc hai trăm hai mươi bảy giáo điều, mười ba pháp đầu đà khổ hạnh… Nghĩa là họ phải có một đời sống cơ cực, thiếu thốn đủ mọi bề…
Đại đức Na-tiên nói:
– Đúng như thế. Nhưng đại vương nghi ở chỗ nào?
– Thưa, thứ nhất là ai thực hành giáo pháp tốt cũng đắc đạo quả cao siêu. Vậy thì dại gì đi tu cho khổ, cho cơ cực, thà ở nhà hưởng thọ ngũ dục còn hơn vậy?
– Tâu đại vương! Sự thật là thế, nhưng người tại gia thực hành giáo pháp khó khăn hơn nhiều. Có thể nào một người cư sĩ thọ dụng ngũ dục, sống giữa cõi trần luôn luôn bị lửa tham sân thiêu đốt lại có thể chứng ngộ giáo pháp ly dục cao siêu được, hở đại vương?
– À ra thế!
– Còn các bậc xuất gia, do nhờ ghép mình vào các điều học, thọ mười ba pháp đầu đà, thu thúc lục căn thanh tịnh; nghĩa là luôn luôn sống đời lánh xa ngũ trần, tham sân ít có cơ hội thiêu đốt; nên bao giờ cũng dễ dàng chứng ngộ được giáo pháp ly dục, tâu đại vương!
– Vâng, vâng!
– Tuy nhiên, dẫu là xuất gia, nhưng họ buông lung phóng dật, không chịu thực hành những đề mục chỉ tịnh, quán minh – thì làm sao mà thấy được đạo quả hở đại vương?
– Vâng, vâng!
– Do vậy, phẩm mạo xuất gia hay tại gia quan trọng ở chỗ thực hành và không thực hành, tâu đại vương!
– Vâng! Và như vậy rõ ràng là bậc xuất gia vẫn cao thượng hơn tại gia! Nhưng trẫm không rõ là nó cao thượng đến cỡ nào?
– Không ai có thể định giá được ngọc ma-ni, tức ngọc như ý như thế nào, thì sự cao thượng của phẩm mạo xuất gia cũng y như thế, cái đức của bậc xuất gia cũng dường thế ấy!
– Các vị tỳ kheo trong giáo hội của đại đức thường giáo giới đến cận sự nam nữ hai hàng rằng đức của Chư Tăng như biển lớn, là ý đó chăng?
– Vâng, vì rằng biển rộng và sâu đến chừng nào thì chưa có ai đo lường được; thì sự cao thượng, cao siêu của phẩm mạo xuất gia cũng như biển vậy, khó lượng, khó dò!
– Thưa, vậy thì do đâu mà có được cái đức ấy, sự cao siêu, cao thượng ấy?
Đại đức Na-tiên nói:
– Dường như do đâu thì đại vương đã hiểu rồi.
– Xin đại đức cứ nói lại, có phải là do nhờ đời sống ghép mình vào giới hạnh?
– Vâng, sự thành tựu cao siêu ấy, thành tựu các đức lớn ấy là do đời sống viễn ly của chư tỳ khưu, chẳng hạn:
– Thiểu dục (ít ham muốn),
– Tri túc,
– Ưa thích nơi thanh vắng,
– Không thích đám đông, phe nhóm,
– Không chất chứa, không luyến tiếc,
– Sống đời vô trú,
– Đầy đủ giới hạnh,
– Biết rành rẽ giá trị, sự lợi ích trong việc thực hành các pháp đầu đà…
Tâu đại vương! Khi mà bậc xuất gia thực hành nghiêm túc các điều như đã kể ở trên, họ sẽ thành tựu đạo quả cao siêu rất dễ dàng, mau lẹ…; cũng giống như người kia xuống sông tắm, dễ dàng và mau lẹ kỳ cọ thân thể mình cho sạch sẽ vậy.
– Thật là rõ ràng, trẫm hiểu được do đâu mà cao thượng rồi.
(Trích trong Mi Tiên Vấn Đáp)
Phản hồi