“Phải lòng” tranh dân gian
Bà Hòa là nhà quản lý giáo dục, nhưng được biết nhiều trong vai trò một nhà sưu tập gốm sứ có thâm niên 15-17 năm. Bà được biết đến là người đầu tiên ở Hà Nội có bảo tàng tư nhân được cấp phép hoạt động – Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội.
“Bà bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc ra nghiên cứu, làm sách về tranh dân gian nói riêng và văn hóa dân gian nói chung. Bà viễn du đến những cái nôi của văn minh nhân loại để xem cách họ giữ và phát triển tranh dân gian. Cơn cớ nào đã khiến một nhà quản lý giáo dục như bà làm những việc tưởng như “điên rồ” đó”? Tiến sĩ quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa trả lời ngay: “Vì trách nhiệm xã hội”.
Hồi sinh một dòng tranh thất truyền
Bà Hòa là nhà quản lý giáo dục, nhưng được biết nhiều trong vai trò một nhà sưu tập gốm sứ có thâm niên 15-17 năm. Bà được biết đến là người đầu tiên ở Hà Nội có bảo tàng tư nhân được cấp phép hoạt động – Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Rồi chính thế giới hoa văn, họa tiết trên gốm sứ đã “dẫn” bà đến với tranh dân gian.
8 năm trước, bà Hòa được tiếp cận bộ sách Tranh dân gian Việt Nam của học giả, nhà nghiên cứu người Đức Maurice Durand (xuất bản năm 1960) – đề cập đến nhiều dòng tranh dân gian của Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống… và những bức tranh đỏ Kim Hoàng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa và cao niên làng Kim Hoàng |
Ngay sau đó, bà về làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) tìm hiểu để chuẩn bị cho một cuộc triển lãm tranh dân gian, nhưng xót xa thay, dòng tranh Kim Hoàng nức tiếng một thời hoàn toàn thất truyền – kể từ năm 1947. Gần 7 thập niên, người Kim Hoàng không làm tranh, đa số mộc bản in tranh của làng bị lũ cuốn trôi sau trận vỡ đê năm 1915. Những dấu tích vàng son còn sót của làng – chỉ lác đác tranh và bản khắc trong các bảo tàng hay bộ sưu tập cá nhân.
Ngay sau đó, bà Hòa đề xướng và làm chủ dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” cùng các cộng sự là nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh và nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích. Các cụ cao niên trong làng đã cho bà và cộng sự mượn phòng truyền thống – nơi lưu 2 mẫu tranh gà và heo được các chuyên gia Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phục chế vào thập niên 1960 theo ảnh trong sách Tranh dân gian Việt Nam của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand. Các cụ kể cho nhóm nghiên cứu nghe quy trình sản xuất tranh ngày xưa, cho nhóm nghiên cứu xem những bức tranh cổ, mộc bản chữ “Đức Lưu Quang”, “Phúc Mãn Đường”… Vậy nhưng những gì sót lại cùng thời gian trùm phủ ấy vẫn như muối bỏ bể. Các nghệ nhân dân gian làm tranh Kim Hoàng xưa đã về cùng tổ tiên, các cụ già hôm nay hoặc chỉ nhớ việc làm tranh qua truyền khẩu, hoặc qua ký ức của thuở thiếu thời.
Sau đó, nhóm bà Hòa tìm được một rể làng Kim Hoàng, bấy giờ tuổi ngoài bát thập nhưng nắm khá rõ lịch sử quê vợ. Dù vậy, mọi thứ vẫn chưa đủ để nhóm biết phải bắt đầu thế nào. Bởi 70 năm – bằng cả một đoạn trường nhân kiếp đã trôi qua chứ nào có ít.
2 trong 9 cuốn sách – công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa |
Phải đến năm 2017, khi bản in màu của cuốn Tranh dân gian Việt Nam (Maurice Durand) được dịch và xuất bản tại Việt Nam; việc phân tách giữa dòng tranh dân gian Kim Hoàng với các dòng tranh khác mới trở nên đơn giản nhờ thấy được màu nền. Dù vậy, tài liệu nói rõ tranh Kim Hoàng được thực hiện trên giấy Tầu vàng, nhưng không một người Kim Hoàng nào biết “mặt ngang mũi dọc” loại giấy đó ra sao, rồi màu tranh Kim Hoàng thực sự liệu có đúng như màu tranh trong sách?…
Nội việc tìm ra màu đỏ cam đặc trưng của tranh đỏ – tranh Kim Hoàng đã là kỳ công của các nhà nghiên cứu dù được sự hỗ trợ của nhiều họa sĩ. Giấy dùng trong tranh Kim Hoàng không quét điệp trắng như giấy dùng trong tranh Đông Hồ mà để mộc rồi nhuộm đỏ. Nhưng khi thử nghiệm, cả ngàn tờ giấy nhuộm ra, treo lên phải… bỏ, vì nhăn nhúm, cong vênh. Bí quá, bà Hòa phải chạy sang làng Đông Hồ cầu cứu nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Khi ông Chế vượt qua tâm lý giữ bí quyết nghề, mách “vừa nhuộm vừa bồi” là bà Hòa thở phào. Quả thực giấy sau khi nhuộm, phơi khô xong, tờ nào tờ đó phẳng phiu, đẹp đẽ…
Năm 2018, tranh đỏ – tranh Kim Hoàng hồi sinh sau ngót 70 năm thất truyền, trở thành một trong những sự kiện văn hóa đáng chú ý.
Phải tận mắt nhìn nghệ nhân làm
Từ ngày tranh đỏ trở về, bà miệt mài điền dã, nghiên cứu và “sách hóa” nhiều dòng tranh dân gian trên dọc dài đất nước (Tranh dân gian đồ thế Việt Nam, Tranh dân gian Huế, Tranh dân gian Hàng Trống…); “sách hóa” cả thực tế nghiên cứu, ghi nhận được về những tín ngưỡng như mạch ngầm âm ỉ trong đời sống dân gian (Đồ mã Việt Nam, Tín ngưỡng thờ các vị thần phồn thực Việt Nam).
Ngựa trong tranh Kim Hoàng |
Bà nói nhanh, mạnh mẽ, dứt khoát song cũng chất chứa những trăn trở: “Chính những cuốn sách của Maurice Durand và Henri Oger về tranh dân gian Việt Nam đã khiến tôi phải suy nghĩ. Họ là người nước ngoài còn kỳ công nghiên cứu di sản dân gian nước mình, thì sao mình là người Việt Nam lại không làm được? Tôi dành nhiều tâm huyết cho gốm sứ hơn, nhưng hiện tại gốm sứ vẫn có không gian trong đời sống. Tranh dân gian thì khác, ngày càng hẹp lại, các nghệ nhân hiếm hoi đều ở ngưỡng gần đất xa trời. Nếu không làm ngay thì dăm – bảy năm nữa sẽ không còn hiện vật để sưu tầm, không còn nghệ nhân để khai thác. Tôi càng không muốn thế hệ sau – khi tìm lại tư liệu sẽ rơi vào tình cảnh như chúng tôi lúc nghiên cứu về tranh Kim Hoàng”.
“Trách nhiệm xã hội” như bà tự đặt lên vai mình là thế, nhưng cũng chính đời sống văn hóa của mỗi dòng tranh đã lôi cuốn bà trên suốt hành trình tốn công, tốn của. Bà hào hứng: “Đồ mã mang tính dân tộc, cộng đồng hệt như tranh dân gian; bởi mỗi dân tộc, mỗi vùng miền và mỗi tín ngưỡng sẽ có những lễ vật đặc trưng riêng. Như với tín ngưỡng thờ Bà ở Nam Bộ, người ta dùng tháp ngũ sắc, tháp vàng, tháp bạc… Còn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở miền Bắc, lại dùng nón Công đồng hay đồ mã hình áo mão. Hay tranh làng Sình phản ánh thế giới tâm linh của người Huế, nơi giao thoa văn hóa Việt – Chăm… Miền duyên hải Nam Trung Bộ thờ những vị thần biển nên có nhiều tranh đồ thế liên quan đến biển…
Nghiên cứu từ tâm thế của nhà sưu tập, nên bà phải tìm mua hiện vật, rồi đi tìm nghệ nhân, tìm hiểu các công đoạn chi tiết. Lắm khi để gặp người giữ bí mật nghề bà phải đi cả ngàn cây số, bất ngờ đến nhà nghệ nhân mấy lần mới chứng kiến được trọn vẹn một công đoạn. Hay công đoạn cạo bớt sơn sau khi vẽ lên kiếng, cũng phải năm lần bảy lượt bà mới biết khi nào, chi tiết nào cạo nhiều; khi nào, chi tiết nào cạo ít… Khi nghiên cứu về đồ mã, nhà bà như cái kho chứa hàng mã. Có nhiều mẫu hiện nay không còn bán trên thị trường, nghệ nhân hiện tại ngại làm, bà phải thuyết phục, rồi ngồi cùng nghệ nhân để vừa quan sát quá trình làm, vừa khai thác kiến thức.
Bà Thu Hòa và cộng sự đang thực hiện ý tưởng đưa tranh dân gian lên bộ bài, hướng đến là một sản phẩm du lịch |
“Nếu không quan sát họ làm trọn vẹn mà chỉ khai thác kiến thức qua lời kể, thì nhiều khi nghệ nhân cũng không nhớ để nói ra” – bà nói. Ngoài hình ảnh hiện vật đưa vào studio thuê chụp, mỗi cuốn sách còn có hàng trăm bức ảnh chụp nghệ nhân để mô tả, minh họa các công đoạn làm tranh. Bà kỳ vọng, lỡ mai này có dòng tranh nào thất truyền, thì nghệ nhân cũng được sách vở, tài liệu hướng dẫn cách làm cụ thể nhất.
Nếu không bận việc của một người làm quản lý, không đi điền dã, gặp nghệ nhân, tìm hiện vật… người ta có thể gặp bà ở một góc quán cà phê trong phố cổ. Bà đọc mỗi ngày để phục vụ ước vọng tỏ tường ngóc ngách văn hóa dân gian Việt Nam. Bà đang nghiên cứu và ấp ủ cuốn sách về tín ngưỡng thờ Hỏa thần.
Năm 2020, 2 cuốn sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng và Dòng tranh dân gian Đông Hồ do nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa chủ biên đoạt giải B – giải Sách quốc gia lần thứ ba. Năm 2022, với cuốn sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, bà đã được trao giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội trong khuôn khổ giải thưởng Bùi Xuân Phái.
Uông Ngọc
Phản hồi