Oản chùa

Ca dao Việt Nam có câu:

Ba mươi mùng một hôm rằm

Ai muốn ăn oản thì năng lên chùa”

Phẩm oản đã đi vào ca dao và gắn bó với ngôi chùa rất sâu sắc. Trong những ngôi chùa Việt Nam nói chung, đặc biệt là ở những ngôi chùa miền Bắc, vào những ngày lễ, mùng một, ngày rằm thường đồ xôi, in oản cúng Phật.

Thời nay, đường oản bột đã tràn ngập thị trường nên việc làm ơn gạo không mấy người quan tâm. Cách thức làm oản ngon, dẻo cần thực hiện như sau:

Chọn loại gạo nếp cái hoa vàng, xay sát trắng, tròn hạt gạo. Phải sàng gạo loại bỏ những hạt gẫy, hơn nữa phải gia công ngồi nhặt những hạt gạo đen để trước khi ngâm gạo chỉ còn là những hạt gạo trắng tròn.

Ngâm gạo khoảng 4 tiếng thì mang đi đồ. Khi đồ oản phải kín hơi và xới thường xuyên để gạo chín đều. Gạo đã chín nục, xới ra in oản người ta cần dùng một tấm vải sạch cho xôi vào đó nhậu[1] cho quánh lại.

Nhậu xong, dùng khuôn in oản để in. Khi in cần dùng sức nhiều hoặc chày nhỏ để nhấn oản cho nhừ trong khuôn. Đệm oản thường dùng lá mít, đôi khi dùng lá chuối xanh cắt tròn. Khi oản được đưa ra khỏi lồng trôngmịn như bánh dầy, không còn vết hạt gạo.

Người ta thường cắt giấy đỏ hình hoa tranh hoặc hình chữ thọ dán lên đầu phẩm oản. Để bảo quản cho đỡ cứng, thường dùng vải ẩm phủ lên oản khi vừa làm xong.

Trong đồ cúng Phật: Hương, hoa, đăng, trà, quả, thực thì oản thuộc về phần “Thực”. Những đĩa oản trắng, ngon, dẻo được xếp lên ban thờ cúng Phật thể hiện tâm thành của người nông dân một sớm hai sương làm ra ngọc thực để đem dâng cúng Tam Bảo.

Ssau khi cùng Phật xong, oản được đem phát lộc cho các Phật tử đi chùa lễ. Những phẩm oản này được bà (mẹ) đem về cho các cháu với lời nói dễ thương: “Đây là lộc Phật, con ăn vào cho hay ăn chóng lớn”.

Đúng là “một chút lộc thánh bằng một gánh lộc trần”, phẩm oản đã đi vào tâm thức những em nhỏ với ấn tượng đẹp đẽ về “Lộc Phật”. Ấn tượng này đi theo mãi trong đời của những ai từng được ăn oản của bà đi chùa về cho. Trong họ luôn tâm niệm, nhờ có ăn oản chùa mà học lớn lên trong cuộc sống.

Giá trị văn hóa của oản chùa lợi ích rất lớn như vậy, mong rằng tại mỗi ngôi chùa cần duy trì và giữ gìn cách làm oản cũng như phát lộc oản gạo để phẩm oản chùa sống mãi với thời gian và với mỗi người con Việt chúng ta.

[1] Vần


Thích Di Sơn

 (Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 6)

Bài viết liên quan

Phản hồi