Nuôi dưỡng tâm thức an lạc
Lời Phật dạy cho chúng ta biết rằng tàm quý chính là nền tảng của đạo đức của lẻ sống hiểu biết và tôn trọng các giá trị thiêng liêng của sự sống hay những gì ta gọi là văn hóa.
Thế nào là thái độ tâm thức quyết định hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người ? Có thể nào hạnh phúc hay khổ đau đều bắt nguồn từ tâm thức con người ? Quả thực như vậy. Thái độ tâm thức của mỗi cá nhân nói rõ khuynh hướng hạnh phúc hay khổ đau của người ấy. Đạo Phật nói đến hai hình thái vận hành của thức dẫn đến hai khuynh hướng khác nhau của đời sống con người. Thứ nhất là tàm quý (hirottappa) và thứ hai là không tàm quý (ahirottappa ). Dạng tâm thức thứ nhất khơi nguồn cho nếp sống chân chánh an lạc và loại thứ hai mở lối cho đời sống bất chánh khổ đau. Đức Phật lưu ý chúng ta về hệ quả của hai hình thái tâm thức này:
” Hai pháp này, này các Tỳ-kheo, là pháp đen. Thế nào là hai ? Không tàm và không quý. Hai pháp này, này các Tỳ-kheo là pháp trắng. Thế nào là hai ? Tàm và quý.
Hai pháp trắng này, này các Tỳ-kheo, che chở cho thế giới. Thế nào là hai ? Tàm và quý. Nếu hai pháp trắng này không che chở cho thế giới, thời không thể chỉ được đây là mẹ hay là em, là chị của mẹ, hay đây là vợ của anh, hay em của mẹ, hay đây là vợ của thầy, hay đây là vợ của các vị tôn trưởng. Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, loài gà vịt, loài heo, loài chó, loài dã can. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho thề giới, nên mới có thể chỉ đây là mẹ, hay đây là chị em của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của thầy, hay đây là vợ của các vị tôn trưởng”(1)
Lời Phật dạy cho chúng ta biết rằng tàm quý chính là nền tảng của đạo đức của lẻ sống hiểu biết và tôn trọng các giá trị thiêng liêng của sự sống hay những gì ta gọi là văn hóa. Nó được xem là pháp che chở cho thế giới, tức điều kiện giúp cho cuộc đời được yên ổn, không rối loạn, vì tàm quý là tâm thức phảng kháng cái xấu ác, phi đạo đức, khiến cho đời sống vận hành có trật tự, có đạo đức, mang tính quy củ. Trái lại không tàm quý là nguyên nhân của mọi rối loạn và suy đồi về đạo đức, về nhân tính và văn hóa, từ đây ta có thể khẳng định rằng sự xuống cấp của đạo đức chính là sự xuống cấp của tâm thức và do vậy để phục hồi và phát triển đạo đức thì không gì khác là phục hồi và phát triển tâm thức con người. Đạo Phật thấy rõ tiềm năng ấy ở trong mỗi cá nhân. Đó là sự nuôi dưỡng và phát huy tâm tàm quý trong chính mỗi con người.
Theo đạo Phật, tàm quý là tâm thức biết xấu hổ và ghê sợ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác hay tâm lý xấu hổ và sợ hãi đối với mọi điều xấu ác, bất thiện:
“Vị này có lòng tàm, tự xấu hổ vì thân ác hạnh, khẩu ác hạnh,ý ác hạnh. Tự xấu hổ vì thành tựu ác , bất thiện pháp. Vị này có lòng quý tự sợ hãi vì tâm ác hạnh, khẩu ác hạnh, tự sợ hãi vì thành tựu ác, bất thiện pháp”(2 ).
Đây là hình thái tâm thức tích cực, biết phân biệt thiện ác, có nhận thức rõ ràng về nhân quả thiện ác và do đó có thái độ dứt khoát đối với lẽ thiện ác. Tàm ( hiri ) là cảm giác hổ với lòng mình hay tâm lý ăn năn hối tiếc trong trường hợp lỡ vi phạm điều xấu ác, có công năng ngăn ngừa điều sai trái, bất thiện, những điều khiến lương tâm ân hận hay hổ thẹn. Quý ( ottappa ) là tâm lý thẹn với người hay cảm thức lo ngại người khác sẽ phiền muộn quở trách mình về việc vi phạm điều xấu ác, có chức năng né tránh các điều ác, bất thiện, những điều khiến người khác phiền lòng chê trách.
Do chức năng đặc biệt của nó, đạo Phật xem tàm quý là nhân trực tiếp của giác hạnh (sìla) vì nó là tâm thức phản kháng và xa lánh cái ác, có công năng gợi mở và thúc đẩy nếp sống đạo đức hiền thiện. Luận thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) nói rằng khi tàm quý có mặt thì giới đức phát sinh và tồn tại; còn khi tàm quý vắng mặt thì giới đức cũng không phát sinh cũng không tồn tại.
Như vậy, tàm quý là cảm thức thấy rõ bản chất xấu xa nguy hại của cái ác, sự phản ứng của tâm thức chống lại cái ác có công năng thôi thúc con người rời xa cái ác. Dạng tâm thức này được nuôi dưỡng và phát triển sẽ khiến cho con người trở nên chơn chánh, hiền thiện, không bao giờ tự dối lòng, biết tôn trọng cảm thức của người khác, có khả năng ngăn tránh mọi hành vi ác, bất thiện thuộc ý nghĩ lời nói và việc làm. Đây là hình thái tâm thức hiền thiện, đáng được nuôi dưỡng và phát huy vì nó nuôi lớn thái độ tự trọng và tôn trọng người khác, được thể hiện qua cảm thức biết xấu hổ và sợ hãi đối với sự quyết tâm không vi phạm điều sai trái xấu ác gây thương tổn cho mình và cho người khác. Đức Phật nói cho chúng ta biết cách thức nuôi dưỡng tâm tàm quý và nêu rõ diễn tiến tốt đẹp của lòng tâm thức này:
” Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người suy xét: ‘nếu thân ta làm ác, lời ta nói ác ý ta nghĩ ác thời tự ngã có thể trách ta về phương diện giới đức. ” Sao lại làm nghiệp ấy ?” Người ấy do sợ hãi tự trách, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm lành, đoạn tận ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ lành, sống tự ngã trong sạch. Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người suy xét: ‘Nếu thân ta làm ác, lời ta nói ác, ý ta nghĩ ác, thời các người khác có thể trách ta về phương diện giới đức: ” Sao ta lại làm nghiệp ấy?”. Người ấy do sợ hãi người khác trách, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm lành; đoạn tận lời nói ác, tu tập lời nói lành; đoạn tận ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ lành; sống tự ngã trong sạch”(3).
Nhìn chung, tàm quý hay tâm lý xấu hổ và sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là tâm thức tích cực hiền thiện đưa đến nhận thức đúng đắn, suy tư chính chắn và cách hành xử tốt đẹp, lợi mình, lợi người. Nó là tâm thức khơi nguồn cho nếp sống hiểu biết và hành xử mang tính nhân bản, có tinh thần trách nhiệm đối với cuộc sống thiện lương của mọi người. Nó là sức mạnh tự nội, có công năng nhận diện và ngăn chặn cái xấu ác ở ngay trong tâm thức.
Chính vì thế mà đạo Phật rất quan tâm khuyến khích việc nuôi dưỡng và phát huy tâm tàm quý, xem đó nguồn lực thiết yếu mở đường cho tiến trình giải thoát giác ngộ của con người hay nếp sống phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức hướng đến mục đích hoàn thiện nhân tính, chứng đắc giải thoát an lạc cho mỗi cá nhân. Những lời Phật dạy sau đây cho thấy ở đâu có tàm quý thì ở đó có giới đức, có tâm đức, có tuệ đức, có giải thoát và giải thoát tri kiến đức. Nói ngắn hơn, ở đâu có tàm quý thì ở đó có đạo đức và hạnh phúc.
” Khi tàm quý có mặt, này các Tỳ-kheo, với người đầy đủ tàm quý, chế ngự các căn đi đến đầy đủ. Khi chế ngự các căn có mặt, với người đầy đủ chế ngự các căn, giới đức đi đến đầy đủ. Khi giới đức có mặt với người đầy đủ giới đức, chánh định đi đến đầy đủ. Khi chánh định có mặt với người chánh định, tri kiến như thật đi đến đầy đủ. Khi tri kiến như thật có mặt, với người đầy đủ tri kiến như thật, nhàm chán ly tham đến đầy đủ. Khi nhàm chán ly tham có mặt, đồi với người đầy đủ nhàm chán ly tham, giải thoát đi đến đầy đủ. Khi giải thoát có mặt, với người đầy đủ giải thoát, giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ. Ví như, này các Tỳ-kheo, một cây có cành và lá, các mầm non của cây đi đến thành mãn, vỏ trong, lõi cây, giác cây đi đến thành mãn. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, khi tàm quý có mặt, với người đầy đủ tàm quý … giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ”. (4.
Chú Thích
1- Kinh Hai loại tội, Tăng Chi Bộ
2- Kinh Hữu học, Trung Bộ
3- Kinh Tự trách, Tăng Chi Bộ
4- Kinh Xấu hổ, Tăng Chi Bộ
Phản hồi