Nói Về Tâm Nguyện Chích Máu Viết Kinh
Về hạnh nguyện “Chích Máu Viết Kinh” hiện nay có lắm người bài xích, cho rằng đó là việc làm phi pháp của ngoại đạo Bà La Môn, cho rằng kinh Đại Thừa là ngụy tạo. Vì họ căn cứ theo Luật Tỳ Kheo hoặc Kinh tạng Nam Truyền đều không đề cập đến vấn đề này. Không những vậy, còn miệt thị hành giả chích máu viết kinh là cầu danh chấp tướng, không hợp thời. Trong khi kinh sách hiện nay được in ấn tràn lan, sao không lo hiến máu cứu người? Với họ, việc chích máu viết kinh chỉ phù hợp với thời xưa, do khan hiếm kinh điển. Thậm chí, còn phủ nhận công đức của việc chích máu viết kinh, vì máu là vật bất tịnh sao có thể dùng để cúng dường?
Chính vì nghi hoặc nổi lên tà kiến như vậy nên sanh điên đảo mê lầm dèm pha lẫn nhau. Tự làm tổn phước báo của mình, lại gây họa phỉ báng Đại Thừa. Thậm chí còn hý luận “Ngũ Uẩn Giai Không” thì đâu cần tu các công hạnh như thế, bởi trong mắt họ là cực đoan vô bổ. Để chấm dứt sự tranh cãi, giúp cho người sơ cơ thêm tín tâm đối với Đại Thừa, thiết nghĩ, cần phải làm sáng tỏ vấn đề này.
Trước hết phải khẳng định, hạnh nguyện “chích máu viết kinh” hoàn toàn y cứ theo kinh Luật Đại Thừa. Trong Kinh Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: “Thường học tập theo Phật là thế này: Như đấng Tỳ Lô Giá Na Phật ở cõi Ta Bà đây, từ khi mới phát tâm tinh tấn không trễ lui, đem bất khả thuyết bất khả thuyết thân mạng ra mà bố thí. Lột da làm giấy, chẻ xương làm viết, chích máu làm mực, dùng biên chép kinh điển chất cao như núi Tu Di, vì tôn trọng chánh pháp nên Phật không tiếc thân mạng,… Cả thảy hạnh đức như thế tôi đều học tập theo.”
Trong Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới dạy: “Nếu Phật Tử phải thường nhất tâm thọ trì đọc tụng Kinh Luật Đại thừa, dùng giấy, vải, hàng, lụa, thẻ tre, vỏ cây, cho đến lột da làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết, để biên chép Kinh Luật, dùng vàng bạc làm hộp, rương, đựng những quyển Kinh Luật. Nếu không y theo Pháp mà cúng dường Kinh Luật, Phật Tử này phạm Khinh cấu tội”.
Năm 1319, Đại Việt gặp lũ lụt, đói kém. Thiền Sư Pháp Loa kêu gọi Tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại tạng kinh hơn 5000 quyển, lưu hành tại viện Quỳnh Lâm. Thượng hoàng Trần Anh Tông cũng tự chích máu mình viết Đại Tạng Kinh cỡ nhỏ, tổng cộng 20 hộp. Các hậu, phi đều tham dự, để cầu nguyện cho Quốc Thái Dân An.
Cho nên, hạnh nguyện chích máu viết kinh là biểu hiện tinh thần vô ngã của Phật giáo Đại Thừa, hoàn toàn có y cứ Kinh Luật Sử, tuỳ theo công hạnh hành giả mà ứng dụng. Những ai phỉ báng tức là bài xích kinh điển Đại Thừa và phủ nhận lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Hiện nay, Phật giáo được chia ra làm hai truyền thống chính, đó là Phật giáo Nguyên Thuỷ và Phật giáo Đại Thừa, nhưng thật chất đều là Phật giáo bộ phái. Tuỳ theo quan điểm lập tông mà khởi xướng truyền thừa hệ thống kinh tạng khác nhau, không thể lấy kinh điển của bộ phái này làm quy chuẩn nhất định để bài xích bộ phái khác. Vì đặc tính truyền thừa Phật giáo còn phụ thuộc vào văn hoá của từng quốc độ, tuy nhiên về bản chất giác ngộ, giải thoát vẫn là thuần nhất.
Do đó, chẳng thể lấy tạng kinh Nikaya tương đương với hệ A Hàm, chỉ xếp vào Tạng Thanh Văn trong Ngũ Thừa của Phật giáo Đại Thừa làm chuẩn mực, rồi bài xích Bồ Tát Tạng. Vì phạm vi lợi sanh của quả vị A La Hán không thể sâu rộng bằng con đường đi đến Phật quả của Bồ Tát đạo.
Do đó, Phật giáo Nam Truyền tuy công nhận đức Phật là bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác, nhưng phủ nhận tư tưởng Bồ Tát đạo là một nghịch lý. Điều ấy chẳng khác nào con cá ở dưới nước chẳng tin con rùa nói chuyện trên bờ có xe cộ, nhà cửa. Hoặc Tô Đông Pha ngộ nhận tri kiến của mình mà sửa thơ Vương An Thạch.
Sở dĩ trong Luật Tỳ Kheo Đức Phật cấm chư Tăng không được hủy hoại thân thể là vì để giữ gìn pháp tướng của Tăng đoàn. Sâu xa hơn giới Tỳ Kheo chỉ dừng lại ở Nhiếp Luật Nghi Giới trong Tam Tụ Tịnh Giới, nghĩa là chỉ ngăn ngừa tội lỗi do phòng phi chỉ ác mà chưa tiến đến Nhiếp Thiện Pháp Giới và Nhiêu Ích Hữu Tình Giới như Kinh Luật Đại Thừa.
Những hạnh nguyện chích máu viết kinh, thiêu thân cúng dường, nội thí được đề cập trong các kinh Hoa Nghiêm, Phạm Võng, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Dược Sư …. Đều vì mục đích hoàn thiện Bố Thí Ba La Mật, được kiến lập trên nền tảng Bồ Đề Tâm, đó là tinh tuý của lòng đại bi, biểu hiện trọn vẹn của tánh không.
Chính tinh thần ấy, đã viết lên những trang sử vàng son của Phật giáo, hun đúc nên bao bậc pháp khí khiến cho Tổ Ấn Trùng Quang, như Nhị Tổ Huệ Khả chặt tay cầu đạo, Lục Tổ Huệ Năng đeo đá giã gạo, Ngẫu Ích Đại Sư đốt liều cúng dường, Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân… thì tại sao lại cho rằng việc chích máu viết kinh là không hợp thời?
Trong khi Phật Pháp luôn cần sản sinh ra các bậc long tượng để duy trì mạng mạch. Việc hiến máu nhân đạo và chích máu viết kinh tuy cùng là nội thí, nhưng có nhân quả khác nhau. Bồ Tát cần tu lục độ vạn hạnh, sao lại sanh tà kiến đem hạnh này đạp đổ hạnh kia? Nếu nói chích máu viết kinh là cầu danh chấp tướng chỉ cần liễu ngộ “ngũ uẩn duyên sanh vô ngã” thì phải chăng là chấp lý bỏ sự, rơi vào tà kiến chấp không của duy vật đoạn diệt? Còn nói máu là vật bất tịnh, chẳng xứng biên chép kinh điển thì tại sao kinh luật Đại Thừa đều khuyến khích cúng dường? Đó là chú trọng ở hạnh xả ly, chứ chẳng trụ nơi vật thí. Bởi Tam Luân Không Tịch, nên việc chích máu viết kinh là biểu dương tinh thần tôn trọng Chánh Pháp của chư Phật, đó chính là hạnh nguyện “xả thân cầu đạo”.
Trong Phật Thuyết Kinh Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni, tiền thân Bồ Tát Phổ Hiền vì thống hối tội lỗi phá thai nhi mà nguyện chặt tay làm bút, lấy máu làm mực biên chép kinh điển. Đức Thế Tôn khi còn làm Bồ Tát vì cầu bốn câu kệ kinh điển Đại Thừa mà cam nhảy vào hố lửa, hy sinh cả quốc thành thê tử, chịu ngàn kim châm, không tiếc thân mạng. Huống chi kẻ hậu lại ám độn như chúng ta ngày nay, không thể kham lãnh giáo pháp Đại Thừa, làm sao đủ trí tuệ để quán sát lĩnh vực lợi sanh của Bồ Tát Đạo?
Cho nên, đã chẳng thể xả thân vì đạo, còn ưa tiếc thân mạng, thiếu lòng trắc ẩn với nỗi khổ của chúng sanh, thì không thể phỉ báng việc lành của người. Bởi khác nào “búa ở trong miệng, sở dĩ chém thân, do lời nói ác”, huống chi đây là một trong mười nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền?
Nếu chẳng xả thân như Đức Phật Thích Ca, trong mảy trần cõi Ta bà này, không đâu chẳng là chỗ xả thân của Ngài, thì đến khi nào thành Phật? Phỉ báng kinh luật Đại Thừa tức là tự đóng cửa phương tiện lợi sanh của Bồ Tát và mở con đường thẳng tắt nhất rơi vào địa ngục. Rất mong người học Phật ngày nay phải nên cẩn trọng !
Thiện Vô Úy
Phản hồi