Những việc làm cụ thể hướng về đón mừng Đại lễ Phật đản

Ngày Phật Đản đến, lòng ta háo hức hướng về, gắng làm những việc thiện dù là nhỏ nhất để cúng dường lên Đức Phật. Nhưng có khi ta bị cuốn theo niềm hạnh phúc đó mà quên quan sát xung quanh ta, mọi người có giống như ta không? Liệu mọi người có nhớ ngày Phật Đản không?

Nếu người chung quanh ta quên mất ngày Đức Phật đến với trần gian thì đó là lỗi của ta. Vì ta vô tâm, tâm ta hời hợt nên không làm gì đó để những điều tốt nơi mình lan đến mọi người xung quanh. Hay cũng có khi chính ta đang ích kỷ chỉ nghĩ đến niềm hạnh phúc trong tâm mình mà ta không biết. Hay cũng có khi lòng kính Phật trong lòng mình chỉ dừng lại nơi mình mà mình nghĩ đó là đủ rồi,…

Vì vậy, để sửa những lỗi lầm mà bấy lâu nay ta hờ hững, ta cần thay đổi nơi chính tâm hồn mình trước. Lòng mình thiết tha mong mọi người hiểu được ngày Phật Đản là ngày thiêng liêng của đất trời bởi nhờ có Đức Phật xuất hiện giữa đời mà thế giới dần dần thay đổi, con người biết tập mở lòng thương yêu nhau, bớt đi lầm lỗi và hướng về lý tưởng giải thoát cao siêu. Từ tâm thiện đó, ta bắt đầu biến thành những việc làm cụ thể:

– Lựa những tấm thiệp thật đẹp và ghi vào những lời ân tình nhắc cha mẹ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp… hiểu rằng có một sự kiện trọng đại sắp đến với đất nước, cuộc đời ta. Được nhắc vài lần như vậy bỗng nhiên mọi người cũng sẽ phải làm điều gì đó, công đức gì đó cho ngày Phật Đản.

– Trang hoàng lại nhà cửa, để một vài dòng chữ vui vui trong nhà cũng như ngoài cổng nhắc mọi người biết sắp có đại lễ Phật đản. Nếu có khả năng, ta có thể làm một lễ đài Phật đản mini hay vườn Lâm Tỳ Ni trước sân nhà mình.

– Lựa một bộ đồ thật đẹp, tay trái cầm giỏ, tay phải cầm gắp, đi khắp làng xóm lượm rác vào giỏ. Vừa dọn dẹp đường phố sạch sẽ để chuẩn bị đón mừng tuần lễ Phật Đản, vừa để mọi người hiểu được một điều: Người Việt Nam không xả rác!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

– Mua vài món quà tặng cho cha mẹ – người đã sinh thành ra ta, người nghèo nhất trong xóm ta để bày tỏ lòng thương với người có hoàn cảnh không may mắn như mình, người có đạo đức đáng kính nhất trong làng xóm như thầy giáo già đã về hưu nhưng cả đời tận tụy vì học sinh; ông cán bộ liêm khiết, lo cho dân; thầy trụ trì một ngôi chùa đã bao năm tôn vinh đạo đức kèm những lời chúc và một số Kinh sách Phật giáo.

– Gặp ai ở làng xóm, cơ quan,… cũng chắp tay nhau chào, nói một lời chúc tốt đẹp như: chúc người hạnh phúc, chúc người tìm thấy lý tưởng sống, chúc người sống có đạo đức, chúc người đem lại niềm vui cho cộng đồng,… để nhắc cho mọi người rằng tình thương, đạo lý của Đức Phật đã soi sáng vào trong lòng của ta.

– Ta tổ chức những buổi tiệc chay nho nhỏ mời mọi người tới ăn với lý do nhân ngày Phật Đản.

– Gặp những người tôn giáo bạn, trong lòng cầu mong những người của tôn giáo bạn được hưởng lây một chút niềm vui trong những ngày Phật Đản. Nếu có duyên hơn thì tới nhà thăm, nói về niềm vui trong lòng mình khi ngày Phật Đản đến.

– Tổ chức sáng tác thơ, nhạc, vẽ tranh, viết bài về chủ đề “Mừng ngày Phật Đản”. Kể cho nhau nghe những mẩu chuyện ngắn cảm động ca ngợi Đức Phật, những mẩu chuyện đời xung quanh việc nhờ được gặp Phật pháp mà đã thay đổi cuộc sống, tâm hồn, số phận,…

– Những ai tham gia Đạo tràng tu tập thì Đạo tràng phải đứng ra tổ chức sinh hoạt gì đó để đón mừng Phật đản như: tổ chức viết bài tham luận về Đạo Phật, về Đức Phật, về đời sống tu hành, sự ứng dụng của giáo lý Đạo Phật trong cuộc sống ta, cộng đồng ta, gia đình ta, kinh nghiệm trừ diệt tính xấu trong tâm chúng ta, kinh nghiệm Phật hóa gia đình, cộng đồng, kinh nghiệm giới thiệu Đạo Phật cho tôn giáo bạn,… đọc trong các Hội thảo của Đạo tràng rồi ta sẽ chọn những bài hay để phát thưởng; tổ chức nguyên một ngày tĩnh tu nghiêm chỉnh, mời mọi người tới cùng tu, hướng dẫn để họ đừng tu sai.

– Ai ở những vùng có các buôn làng dân tộc thì vào buôn làng thăm, nói cho đồng bào dân tộc biết về Phật Pháp, hiểu về Luật Nhân quả, về lòng từ bi, về việc bảo vệ môi trường rừng vì những người anh em của ta sống rất gần rừng núi nên họ phải yêu thương rừng núi nhiều hơn nữa.

– Luôn cảnh giác coi chừng có kẻ xấu muốn phá hoại để bảo vệ niềm vui của mọi người trong suốt đại lễ…

– Với những người ít duyên không thích hay có hiềm khích với ta, ta âm thầm quỳ trước Phật, cầu nguyện cho người đó chuyển đổi tâm hồn sống đạo đức hơn, đời đời gặp được Chánh Pháp tu hành, làm phước.

Có thể khi ta làm như vậy mọi người chưa đủ cảm xúc thành kính như một người đệ tử Phật, nhưng lòng mình luôn mong rằng mọi người phải hiểu đó là một ngày thiêng liêng của thế giới và ta cứ duy trì những việc làm này nhiều năm sau nữa. Bằng cả tấm lòng chân thành và hết lòng cầu Phật gia hộ, ta tin rằng mọi người đều biết và nhớ về sự kiện vi diệu này.

TTPQ

Bài viết liên quan

Phản hồi