Những sai lầm tâm linh phổ biến đi ngược lời Phật dạy
Có không ít người hướng Phật, làm theo điều Phật dạy nhưng lại phạm những sai lầm tâm linh đáng tiếc, tưởng làm chuyện tốt mà hóa ra sai lầm.
1. Phóng sinh sai cách
Phóng sinh là cứu mạng những con vật sắp bị giết, là một việc làm thiện, có phước báo rất lớn theo giáo lý nhà Phật. Nhưng ngày nay, việc tốt đẹp này đã bị biến tướng thành tục lệ xấu xí.
Ý nghĩa của phóng sinh là giải phóng sinh vật bị giam hãm, tạo nghiệp lành, chứ không phải là đua nhau ra chợ mua về rồi thả bừa bãi, tạo nên cảnh vây bắt hỗn loạn, phóng thả bừa bãi. Phóng sinh phải thành tâm, và thực là việc giải thoát cho sinh vật ấy, chứ đừng xuất phát từ tâm muốn được báo đáp của mình.
2. Đốt vàng mã
Từ xa xưa, theo tín ngưỡng của người Trung Quốc, người ta đốt vàng mã để cho người thân đã chết có tiền tiêu, có đồ dùng. Đây là theo quan niệm của người Trung Quốc, không phải của Đạo Phật, vì ở Ấn Độ – xuất xứ Đạo Phật không hề có lệ này.
Phật giáo trọng sự tiết kiệm, đốt vàng mã gây lãng phí tiền của, công sức, ô nhiễm môi trường thì là việc trái ngược với tinh thần của Phật. Phật là tu tâm, muốn khi chết được thanh thản thì khi sống hãy tạo nhiều nghiệp lành. Khi sống chỉ gây oan trái thì thác đi rồi, sao có thể hòng mong điều tốt.
Những sai lầm tâm linh phổ biến đi ngược lời Phật dạy
3. Coi Phật Di Lặc là Thần Tài
Trong Phật giáo, Phật Di Lặc là vị Đại Bồ Tát, nhưng vì có dáng vẻ tươi cười, viên mãn, đầy đủ nên nhiều người thờ như Thần Tài để mong may mắn, tài lộc đến với gia đình. Nguyện vọng tuy tốt, nhưng lại là sai lầm tâm linh đáng tiếc, báng bổ Phật.
Phật Di Lặc cũng giống như các vị Phật tôn kính khác, phải thờ ở nơi cao, trang nghiêm nhưng ban thờ Thần Tài lại thường ở gần cửa ra vào nhộn nhạo, ở dưới thấp. Hơn nữa, nhiều người coi Phật Di Lặc là Thần Tài thông thường, đúc tượng có cầm hai thỏi vàng trên tay. Phật nào mà lại coi trọng tiền tài, vật chất như vậy? Quả là đi ngược lại giáo lý nhà Phật.
4. Thần thánh hóa đức Phật
Phật Giáo không phải là tôn giáo bản địa của người Việt, đó là một tôn giáo ngoại lai có nguồn gốc từ Ấn Độ. Phật Giáo được du nhập vào Việt Nam không hoàn toàn trực tiếp mà thông qua một vài nước thứ ba. Vì vậy Phật Giáo tại Việt Nam đã có ít nhiều sự thay đổi và không còn nguyên bản như chính nơi xuất phát của nó. Vì vậy Phật Giáo ở Việt Nam có rất nhiều dòng khác nhau.
Nhưng nguy hại ở chỗ, một số bộ phận người dân đã bị nhận thức không đúng về Đức Phật so với giá trị nguyên bản. Lối tiếp nhận đơn giản kiểu quan niệm của nhiều người Việt cho rằng Đức Phật trở thành một vị thần thánh có nhiều phép thần thông. Họ cho rằng Đức Phật càng gần gũi với họ càng tốt để dễ dàng ban phát, phù hộ cho mình. Điều này dẫn đến tình trạng họ tìm đến Đức Phật để cầu xin cho mình những giá trị thực tiễn như tiền tài, may mắn, địa vị,… trong cuộc sống mà quên đi rằng Đức Phật chỉ là là một nhà tư tưởng và họ mới chính là chủ thể quyết định chính cuộc sống của mình.
Phật Giáo là một tư tưởng triết học lớn, do đức Thích Ca Mâu Ni là người khởi xướng. Chính vì vậy hình tượng Đức Phật là đại diện Phật Giáo chính là đại diện cho những tư tưởng triết học và giáo lý mà bản thân Phật Giáo muốn quảng bá. Đó là những lời khuyên răn về việc hướng thiện, về luật nhân quả tức là tự mình làm việc thiện sẽ nhận lại cho mình những điều tốt đẹp.
Chính vì vậy người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát những điều tốt cho mình mà để tìm đến những giáo lý của Phật Giáo để phải tự xuất phát từ bản thân mình làm những việc thiện thì mới mong tự nhận lại cho mình những điều tốt đẹp. Vì vậy Đức Phật ở đây chỉ mang ý nghĩa như một nhà tư tưởng chứ không phải là một vị thần thánh.
-ST-
Phản hồi