Những lễ hội mừng Tết Nguyên đán trên thế giới

Không chỉ riêng châu Á, nhiều nơi trên thế giới còn tổ chức những lễ hội hoành tráng để tạm biệt năm Nhâm Dần và cầu mong điều tốt đẹp cho năm mới.

Lễ diễu hành Chingay ở Singapore: Hàng năm Singapore tổ chức một cuộc diễu hành đường phố vạn hoa gọi là Chingay, có nghĩa là “nghệ thuật trang phục và hóa trang”. Về cơ bản, đây là một lễ hội lớn với những chiếc xe diễu hành rực rỡ, trang phục sặc sỡ, các màn biểu diễn trực tiếp với đạo cụ phức tạp và pháo hoa. Ảnh: Travel Begins at 40.

Lễ hội đèn lồng Yuyuan ở Thượng Hải (Trung Quốc): Vườn Yuyuan hàng năm thu hút hàng triệu du khách đến Thượng Hải để trưng bày đèn lồng. Những đèn lồng này có đủ hình dạng, kích cỡ và màu sắc khác nhau. Những hình tượng đèn lồng như cá (tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng) đến rồng (tượng trưng cho sự may mắn) và thậm chí là thỏ hoặc mèo. Ngoài ra còn có một loạt đèn lồng viết nguệch ngoạc các câu đố và cách chơi chữ dành cho những người muốn vận dụng trí não để tìm ra đáp án. Ảnh: Shutterstock.

Lễ hội đốt pháo ở New York (Mỹ): Theo truyền thống, hàng năm, người dân New York đến công viên Sara D. Roosevelt để đốt pháo nhằm xua đuổi những điềm xấu trong năm qua. Ước tính có đến 600.000 quả pháo nổ trên bầu trời. Ngoài pháo hoa, lễ hội còn có múa lân, quà tặng trang trí và bạn có thể mua những món ngon truyền thống của những người bán hàng. Người ta còn cho rằng bạn ăn càng nhiều bánh bao thì càng kiếm được nhiều tiền trong năm mới. Ảnh: Joe Buglewicz.

Các trung tâm mua sắm ở Hong Kong (Trung Quốc): Để chuẩn bị cho năm mới, nhiều trung tâm mua sắm ở Hong Kong đã sửa sang toàn diện. Nội thất trang trí mang đến sự dễ thương và nhiều màu sắc. Từ Langham Place đến Tuen Mun Town Plaza, những khu phức hợp mua sắm nhiều tầng này là nơi để bạn có những bức hình đẹp. Ảnh: Courtesy Pacific Place.

Tiệc may mắn ở Seoul (Hàn Quốc): Trong dịp Tết Nguyên đán (hay Seollal theo cách gọi của người Hàn Quốc), thành phố Seoul nhộn nhịp trở nên tương đối yên tĩnh khi mọi người trở về nhà để ăn mừng cùng gia đình. Hàng năm, làng dân tộc Hàn Quốc ở Seoul tổ chức tiệc may mắn. Đây là nơi du khách tham gia các trò chơi dân gian, xem âm nhạc và nghệ thuật truyền thống. Các truyền thống bao gồm daljiptaeugi (nghi thức đốt lửa để mang lại mùa màng bội thu và hòa bình), võ thuật cưỡi ngựa và chia sẻ súp bánh gạo truyền thống – tteokguk. Ảnh: Time Out.

Diễu hành Rồng Vàng ở Los Angeles (Mỹ): Để kỷ niệm hơn 100 năm truyền thống, phòng Thương mại Trung Quốc tại Los Angeles mang đến lễ diễu hành Rồng Vàng thường niên lần thứ 124. Với hơn hàng nghìn người xếp hàng dọc tuyến đường diễu hành và người xem chương trình truyền hình mỗi năm, lễ kỷ niệm dọc theo North Broadway ở khu Chinatown đã trở thành sự kiện văn hóa hàng đầu trong cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Nam California. Ảnh: Shutterstock.

Pháo hoa ở hồ Hoàn Kiếm: Hà Nội chào đón Tết Nguyên đán với màn trình diễn pháo hoa trên khắp thủ đô cả nước. Sự kiện trải dài từ vườn hoa Lạc Long Quân đến hồ Văn Quán, nhưng lớn nhất và sáng nhất trong số những màn pháo hoa này luôn ở trung tâm hồ Hoàn Kiếm. Bắt đầu vào lúc nửa đêm, màn trình diễn sẽ kéo dài khoảng 15 phút. Trước đó bạn sẽ được thưởng thức những buổi biểu diễn âm nhạc và nghệ thuật. Ảnh: Shutterstock.

Diễu hành mừng năm mới ở Manchester (Anh): Manchester là quê hương của một trong những cộng đồng người Hoa lớn nhất và lâu đời nhất của Vương quốc Anh. Tết Nguyên đán có thể được xem là một trong những lễ kỷ niệm ý nghĩa ở châu Âu. Năm ngoái, quảng trường St Ann ở trung tâm thành phố là nơi có tác phẩm điêu khắc rồng vàng cao khoảng 15 m, trong khi con rồng nổi tiếng cao 53 m diễu hành trên các đường phố về phía khu Chinatown. Ảnh: Shutterstock.

Diễu hành lễ hội mùa xuân ở Vancouver (Canada): Lễ hội chào mừng Tết Nguyên đán bằng sự tham gia của 3.000 đám rước lớn, bao gồm đại diện từ nhiều cộng đồng của thành phố. Với nổ lực tôn vinh đa dạng văn hóa của Vancouver, cuộc diễu hành có tuổi đời nửa thế kỷ này luôn thu hút nhiều người đến tham quan. Bắt đầu từ cổng Millennium đến khu Chinatown, cuộc diễu hành còn có những điệu múa sư tử truyền thống, các đoàn múa văn hóa và biểu diễn võ thuật. Ảnh: Time Out.

Chùa Thean Hou ở Kuala Lumpur (Malaysia): Chùa Thean Hou là một trong những ngôi chùa lớn nhất và lâu đời nhất của quốc gia này. Được trang trí bởi hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ rực rỡ, ngôi đền 6 tầng uy nghi này thu hút hàng nghìn người tham gia lễ hội hàng năm để chào mừng năm mới. Ngoài ra, ở đây có các màn trình diễn theo chủ đề và lời chúc về sự giàu có, ấm no cho năm tới. Ảnh: Fazli Zainordin.

Lễ hội mùa xuân Trung Quốc ở Tokyo (Nhật Bản): Mặc dù Tết Nguyên đán không được coi như một lễ hội truyền thống ở Nhật Bản, thành phố Yokohama vẫn nhộn nhịp vì đây là khu Chinatown lớn nhất ở quốc gia này. Lễ hội tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, các cuộc diễu hành truyền thống và múa lân Cai Qing. Bạn có thể đưa những phong bì lì xì màu đỏ (còn được gọi là hongbao) cho lân để mang lại may mắn trong năm mới. Ảnh: Time Out.

Diễu hành Tết Nguyên đán ở Chicago (Mỹ): Diễn ra ở giữa khu Chinatown của Chicago, cuộc diễu hành Tết Nguyên đán hàng năm thường đưa những người diễu hành đi qua quãng đường dài gần 805 m đến đường Cermak. Hàng loạt khán giả đi theo đoàn nhạc diễu hành, những chiếc xe diễu hành đầy màu sắc và những điệu múa lân truyền thống được biểu diễn trên khắp khu vực để đón năm mới. Ảnh: Time Out.

Lễ hội trên quảng trường Trafalgar ở London (Anh): Thông thường, lễ đón Tết Nguyên đán ở London là một trong những lễ lớn nhất bên ngoài châu Á. Lễ hội kéo dài cả ngày, diễn ra khắp West End và khu Chinatown trước khi kết thúc tại quảng trường Trafalgar. Lễ hội sẽ bắt đầu với việc vẽ các chấm trên khuôn mặt của trang phục sư tử để tượng trưng cho sự sống. Sau đó sẽ là màn trình diễn múa lân truyền thống, các buổi biểu diễn âm nhạc và khiêu vũ Trung Quốc, biểu diễn võ thuật và cả món ăn đường phố. Ảnh: Lalitphat Phunchuang.

Minh Vũ/ Zing

Bài viết liên quan

Phản hồi