Có lẽ trong cuộc đời này, ai cũng mong muốn bản thân mình sống được vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng vì sao mong muốn là vậy mà nhiều người sống hơn nửa cuộc đời đều là nỗi buồn, mệt mỏi và trắc trở? Rốt cuộc nguyên nhân gì khiến một người sống không được vui vẻ, hạnh phúc?
1. Không biết cảm động trước những sự việc tốt đẹp
Cuộc sống hiện đại, hầu hết mọi người đều bận rộn. Bận rộn khiến con người ngày nay gần như không còn thời gian rảnh rỗi để thưởng thức những điều tốt đẹp ở xung quanh mình. Những điều tốt đẹp về tâm hồn, về hoàn cảnh, con người… lại thường xuyên bị bỏ qua.
Khi chứng kiến những điều tốt đẹp mà lại không thấy cảm động thì chính là đã đánh mất đi sự rung động, nhạy cảm của tâm linh bản thân, bị cuốn trôi theo những lo toan của cuộc đời mà không cảm thấy hạnh phúc.
2. Truy cầu quá nhiều
Ngay từ nhỏ, chúng ta đã truy cầu rất nhiều thứ, khi đi học thì truy cầu đạt được thành tích tốt; khi đi làm lại muốn được lên chức cao, lương cao, mong công ty làm ăn càng ngày càng tốt; cha mẹ mong con cái hơn người; cầu được tiền tài, cầu được phúc báo, cầu cuộc sống hoàn mỹ…
Khi thất vọng, không đạt được những thứ mình mong muốn thì người ta sẽ sinh ra sự buồn bực, thấy mình làm gì cũng trắc trở, tinh thần sa sút, cuộc sống mệt mỏi. Như vậy, nếu muốn trở thành người khoái hoạt, vui vẻ thì trước tiên mỗi người cần giảm bớt dục vọng, ham muốn của bản thân mình, để mọi thứ thuận theo tự nhiên.
3. Không biết đủ
Người sống trên đời, thứ mà chúng ta thực sự cần không nhiều lắm nhưng thứ mà chúng ta muốn sở hữu lại vô cùng nhiều, như vậy sẽ rất khó thỏa mãn, giống như người ta vẫn gọi là “lòng tham không đáy”.
Người ta khi đã có một ngàn, lại muốn có một vạn, đã có nhà ở lại muốn có biệt thự… Vì vậy, khi chúng ta luôn truy cầu thì sẽ luôn không thấy đủ, không thấy thỏa mãn mà sinh ra chán nản. Chỉ cần lòng tham, ham muốn của một người không có điểm dừng thì người ấy sẽ mãi mãi không thể thực sự vui vẻ, hạnh phúc. Bởi vậy, chúng ta vẫn thường nghe câu triết lý nhân sinh rằng: “Người biết đủ thường vui.” Mỗi người cần học cách sống biết đủ, biết bằng lòng với những gì mình đang có.
4. Hay ganh ghét, đố kỵ
Người thường xuyên ganh ghét đố kỵ với người khác thì trong lòng sẽ luôn không được vui vẻ, bình yên. Khi thấy người khác có thứ mà mình không có, thấy người khác hơn mình thì tức tối khó chịu, người như thế sao có thể sống được vui vẻ, hạnh phúc?
Mỗi người cần hiểu được rằng: “Đời người có được thì phải mất, không mất thì không được”, đằng sau sự thành đạt của một người là sự đau khổ, nước mắt mà họ đã trải qua. Ganh ghét, đố kỵ không chỉ khiến bản thân sống mệt mỏi, hại mình mà còn hại người.
5. Tự ti
Người sống mà quá để ý đến ánh mắt của người khác, nghĩ xem người khác nghĩ về mình như thế nào, nhìn mình như thế nào, về lâu về dài sẽ không còn là bản thân mình nữa mà đang sống cuộc sống của người khác. Khi không được làm điều mình yêu thích, sống cho chính bản thân mình, con người sẽ không thể vui vẻ hạnh phúc được.
Trên thế gian này mỗi người đều là riêng biệt, đều có điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình, có ước mơ của mình. Cho nên, đừng để ánh mắt và quan niệm của người khác hạn chế bạn.
6. Ích kỷ, không biết cho đi
Người không bao giờ biết cho đi sẽ không thể có được hạnh phúc. Người ta nói rằng, cho đi sẽ khiến niềm vui được nhân đôi. Cho đi là hạnh phúc, là thể hiện tấm lòng biết ơn. Một người luôn lo sợ mình bị tổn thất lợi ích, luôn không muốn mất mà lại muốn được lợi thì làm sao có thể sống được hạnh phúc được?
7. Không mở lòng
Người khép kín tâm linh sẽ sống không được khoái hoạt. Con người khi đối diện với nỗi buồn, thất vọng thì thường có xu hướng nghĩ tiêu cực, càng nghĩ càng thấy sự việc đi xuống, xấu đi. Lâu dần sẽ khiến người đó tự ti, suy sụp tinh thần mà sống mệt mỏi, khép kín, không mở lòng với người khác, nghĩ mình kém cỏi mà thấy cuộc sống không vui, cuộc đời không may mắn. Hãy mở rộng tấm lòng, để tâm linh được thoải mái, chia sẻ với mọi người xung quanh để tình cảnh ấy nhanh chóng qua đi.
8. Không biết ý nghĩa của cuộc đời
Nếu như trong cuộc đời, một người tìm được ý nghĩa nhân sinh đích thực để bản thân theo đuổi, biết bản thân mình sống là vì điều gì, thì khi ấy cuộc sống của người đó sẽ từng ngày đều trôi qua trong vui vẻ, hạnh phúc và tràn đầy ý nghĩa.
Kỳ thực, niềm vui hay nỗi buồn đôi khi cũng không phải có nguyên nhân từ sự việc của bản thân chúng ta mà là do thái độ cùng quan niệm nhìn nhận vấn đề của chúng ta tạo thành. Chỉ cần chúng ta có tâm thái bình tĩnh, làm tốt những việc nên làm, thuận theo tự nhiên, thì niềm vui, niềm hạnh phúc sẽ tự đến.
Tham khảo từ bộ sách Cho & Nhận
Nguồn: Thích Tánh Tuệ
Phản hồi