Những bước chân tình nguyện

Tăng Ni cởi áo cà sa, khoác blouse xông pha vào tuyến đầu chống dịch. Tạm rời xa mái chùa bình yên, xếp gọn tấm cà sa tụng niệm mỗi ngày, nhiều Tăng Ni trẻ tình nguyện lên đường khi đợt dịch thứ tư bùng phát tại nhiều tỉnh thành phía Nam.

Sự dấn thân của chư vị là hưởng ứng lời kêu gọi từ cộng đồng nhưng sâu xa và thiêng liêng hơn cả là mệnh lệnh từ trái tim, là sự sống của muôn triệu người nơi tuyến đầu tâm dịch.

Họ là những tu sĩ đến từ vùng đất Thủ đô ngàn năm văn vật, là học Tăng học Ni xuất phát từ các trường Phật học miền Bắc, miền Trung; là Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, trường Trung cấp Phật học Thành phố Hồ Chí Minh, Trung cấp Bình Dương, Đồng Nai… Mỗi đoàn mỗi đợt đảm nhận nhiệm vụ mỗi nơi nhưng chung nhất vẫn là phụ giúp những công việc thiết yếu tại các Bệnh viện Dã chiến đang điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Tăng Ni cởi áo cà sa, khoác blouse xông pha vào tuyến đầu chống dịch.

Tăng Ni cởi áo cà sa, khoác blouse xông pha vào tuyến đầu chống dịch.

Khi những bài viết về đội ngũ tình nguyện viên đặc biệt này được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, tôi thường theo dõi tìm đọc, rất ấn tượng với việc làm ý nghĩa kịp thời này và rất cảm kích trước hạnh nguyện vị tha đầy nhiệt huyết của Tăng Ni trẻ thời nay. Cũng như bao người, tôi luôn tin tưởng vào năng lực làm việc cùng ý chí dõng mãnh của chư vị và cũng tin rằng, đây là một trong những nguồn lực hỗ trợ các địa phương nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.Cho đến một ngày tôi lại đưa tiễn Pháp lữ mình đi tham gia tuyến đầu chống dịch. Sau mùa hạ, bảy cô Ni trẻ làm đơn tình nguyện xung phong lên tuyến đầu các Bệnh viện Dã chiến. Trong nhóm có ba cô vừa trúng tuyển vào Học viện, một em học xong Trung cấp Y học cổ truyền, những vị còn lại đang học các chương trình nội ngoại khóa. Các em là chư Ni thuộc lớp thế hệ 9x “Chánh tín xuất gia, đồng chơn nhập đạo” có năng lực, có trình độ, không ngại khó khăn thử thách lại nhiệt tình năng nổ với công tác được giao. Dù có bất ngờ nhưng tôi luôn đồng cảm và tin tưởng những việc các em đang làm, những con đường mà các em sẽ bước tới.

Có chút bồi hồi trong giờ phút chia tay chị em đồng đạo… nhưng trong những bộ đồ bảo hộ, đội quân tình nguyện nữ tu vẫn toát lên vẻ cương nghị vững vàng, ẩn sau tấm kính che kín khuôn mặt là những tia nhìn sáng rực của lòng tự tin quả cảm. Ngoài kia có biết bao bệnh nhân nhiễm Covid đang cần được chăm sóc thuốc thang để giành lại từng hơi thở cuộc sống; bên trong các khu điều trị của Bệnh viện Dã chiến, có nhiều người đang chờ đợi quý Cô đến để cùng hỗ trợ công việc. Đó là điều các em quan tâm nghĩ đến hơn lúc nào hết.

… Khi tôi viết mấy dòng này thì đội tình nguyện vừa xong một tuần tập huấn trước khi lãnh nhiệm vụ chính thức tại khoa “Hồi sức cấp cứu”. Khoa này nằm trong khu “Bệnh viện Dã chiến thu dung số 11, thuộc khối chung cư R4 Phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức”, tại đây hiện đang điều trị cho hơn ba ngàn bệnh nhân nhiễm Virus – SARS – CoV-2. Khoa “Hồi sức cấp cứu” vừa được sửa sang tăng cường để đón bệnh nhân F0 trở nặng. Sư cô (8 vị) là những nữ tu sĩ đầu tiên phục vụ ở đây. Dù bận rộn nhưng các em vẫn tranh thủ gởi hình và nhắn tin về: “… Cả tuần nay nhóm tình nguyện được tập huấn các kỹ năng chăm sóc người bệnh và cũng gấp rút sửa soạn phòng ốc để đón bệnh nhân nặng. Vì là khoa mới có nhiều quy trình mới nên cần đảm bảo an toàn và phải chuẩn bị kỹ lưỡng cẩn thận…Ở khoa này y bác sĩ rất tin đạo Phật. Họ tín tâm cung kính, thường thăm hỏi động viên quý Cô… ”

Trước khi bắt tay vào công việc của một tình nguyện viên, các em lại có dịp thể hiện tinh thần nhập thế của người con Phật ở mọi lúc mọi nơi. Khoa “Hồi sức cấp cứu” dọn dẹp tu bổ vừa xong, ban lãnh đạo khoa liền mời chư Ni tụng kinh khai trương. Thế là quý Sư cô trang nghiêm trong chiếc áo tràng truyền thống cùng bước vào tòa nhà bắt đầu nghi thức tụng niệm trì chú. Không chuông mõ gia trì, chỉ có tâm thành chí thiết nguyện cầu. Cầu cho đội ngũ y bác sĩ và mọi người luôn được thân an – tâm lạc, cầu cho dịch bệnh dứt trừ, cho bệnh nhân các khu điều trị sớm lành bệnh để trở về với gia đình, người thân…

Vận chuyển máy HFNC – máy thở oxy dòng cao.

Vận chuyển máy HFNC – máy thở oxy dòng cao.

Những gì tôi biết về đội tình nguyện này cũng chỉ có bấy nhiêu, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn là thời gian họ ở lại phục vụ sẽ lâu hơn một tháng theo quy định. Bởi trong tâm niệm các em thì công sức thời gian mình đóng góp thật quá nhỏ bé trước sự dấn thân vô thời hạn của hàng trăm, hàng ngàn người nơi tuyến đầu chống dịch. Với những ai khi đã tình nguyện vào đây thì không còn nghĩ đến sự an toàn cho bản thân và mỗi người cũng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình. Trách nhiệm của một tình nguyện viên là cùng hợp sức đỡ đần công việc với đội ngũ nhân viên y tế, là cùng hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, giúp họ chống chọi với cơn đau hành hạ thể xác, an ủi động viên họ vượt qua nỗi buồn trong sự mất mát tuyệt vọng.

Đại dịch rồi sẽ chấm dứt. Mọi người sẽ bình yên trở về trong môi trường học tập, trở về với ngôi chùa thân quen, tiếp nối lại những Phật sự đã làm và nhịp sống tu tập sẽ trở lại như xưa. Đây là điều mà chúng ta luôn cầu

nguyện chờ đợi. Mai này những người hùng thầm lặng trở về sẽ mang theo ít nhiều kỷ niệm một thời dấn thân nơi trận tuyến sống còn mùa Covid. Đó là những bài học đời thường quý giá, là những trải nghiệm khó quên, là nơi phải luôn chiến đấu để chiến thắng mọi kẻ thù vô hình nguy hiểm, là nơi mà ai cũng sợ hãi khi nghĩ đến nhưng vẫn có những trái tim quả cảm dám xông pha, vì sự an nguy, lợi lạc của muôn người.

Đại dịch đi qua nhưng sự mất mát đau thương thời hậu Covid vẫn còn đó. Cần lắm những đôi tay gánh vác sẻ chia, cần lắm những bước đi mạnh mẽ quên mình… những người luôn sẵn sàng tìm đến những nơi cần đến với tâm nguyện lợi tha, với lòng từ bi luôn chắp cánh rộng mở.

Bài viết liên quan

Phản hồi