Những bài pháp ngắn

Khéo trang bị

Nếu phân loại các pháp đưa đến giác ngộ (bodhipakkhiyā dhammā), như vẫn thường thấy trong các kinh tạng, ta thấy chúng bao gồm: Tứ chánh cần, tứ niệm xứ, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.

Nếu ta muốn gom tất cả các yếu tố này vào chỉ một, chắc chắn đó phải là yếu tố chánh niệm.

1463200423.jpgThiền tọa là một cách giúp thân chánh niệm

Tất cả chúng ta đều đã được trang bị đầy đủ với bốn yếu tố căn bản của chánh niệm – thân, thọ, tâm và pháp – bằng cách này hay cách khác. Chúng ta thực sự có thân và có các cảm thọ, dầu đó là thọ khổ hay lạc, hài lòng hay bất mãn. Trí nhớ và sự tỉnh thức của ta hoạt động tốt. Ta trải nghiệm các hành, các phát triển của tâm, dầu là các đặc tính tốt hay xấu, và ta sở hữu ý thức, bộ phận tiếp nhận tín hiệu từ các căn. Vì thế, ta cần thực sự đem giáo lý về chánh niệm vào ứng dụng.

Chánh niệm cần được thiết lập tương ưng với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống và trong từng giây phút ta trải nghiệm điều đó. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy ta phải sống trong tỉnh thức với sự hiểu biết rõ ràng, chú tâm chánh niệm, quán sát và tìm tòi.

Điều chúng ta cần làm trước hết là cố gắng giữ tâm trong giây phút hiện tại, không lo lắng về quá khứ hay tương lai, phát triển giây phút hiện tại (trong tâm ta), trụ vững chãi ở nơi này với tất cả sự hoàn hảo. Giây phút hiện tại vừa là nhân vừa là quả, vì trong giây phút hiện tại này ta tạo ra các nhân và quả (cho tương lai) tốt hay xấu. Vi lý do này Đức Phật đã dạy rằng ta phải sống một cuộc đời đầy tỉnh thức và ý thức.

Tóm lại, các pháp dẫn tới giác ngộ là những thứ ta đã sở hữu. Đến với nhau và cùng hỗ trợ nhau trong sự tu hành, nhất là khi cùng sống ở những nơi như là tu viện, ta không cần phải trải nghiệm các mối liên hệ với thế giới bên ngoài với bao xáo trộn, nhốn nháo trong xã hội.

Tất cả những gì còn lại mà ta phải làm là tự quán xét bản thân, theo dõi bản thân một cách cẩn thận và trọn vẹn. Sự cẩn trọng và quán sát tròn đầy sẽ giúp ta có chánh kiến (sammā diṭṭhi). Chánh kiến tự nó thực sự giống như sự bình an.

Ta thấy gì khi có chánh kiến? Ta thấy khổ là thứ ta cần nhận biết. Ta nhìn nhân của khổ là cái ta cần dứt bỏ. Ta thấy sự dừng bặt của – vô thường, khổ, vô ngã – là cái ta cần chứng ngộ, và ta liên hệ với cuộc sống một cách tự chủ, có kiềm chế. Đó là Tứ diệu đế: khổ, nguồn gốc của khổ, sự diệt khổ, và con đường diệt khổ. Sống một cuộc đời theo đúng với các sự thật này, ta có thể nói, đó là các phẩm trợ đạo (bodhipakkhiya dhamma), các pháp đưa đến sự giác ngộ. Chánh kiến đưa ta đến sự hiểu biết rõ ràng, đến hạnh phúc, đến tĩnh lặng. Đưa ta đến tâm thuần khiết.

Các pháp này là những đặc tính thích hợp cho ta phát triển và tận dụng chúng. Ai cũng có khả năng đó nếu có cố gắng, nếu để tâm vào đó, coi đó là điều quan trọng phải làm, không ngừng nghỉ, không bỏ cuộc. Đây được gọi là đi từng bước cho đến khi ta đạt đến cuối đường, cho đến khi ta thành công.

Nỗ lực có thể chế ngự khổ (Viriyena dukkham accenti) 

Đây là những lời dạy rất rõ ràng của Đức Phật, nên chúng ta cần phải tu tập và hành động đúng theo đó. Đừng để sự lười biếng hay dễ duôi ảnh hưởng đến ta.  Sự dễ duôi, buông thả sói mòn năng lực, làm tiêu tan sức mạnh, dễ khiến ta hôn trầm. Chúng ta cần sự quyết tâm. Các bạn có nghe Bồ-tát lúc chưa thành Phật hạ quyết tâm như thế nào không:

“Ta thà chỉ còn da, gân và xương, dầu cho máu thịt ta có cạn, ta sẽ không đứng dậy và buông xuôi năng lực, cũng không dừng nỗ lực cho đến khi đạt được giác ngộ”.

Lời thệ nguyện này của Bồ-tát chứng tỏ Ngài có quyết tâm rất mạnh mẽ, vững chắc. Ngài thực sự là người cao quý.  Chúng ta có thể gọi Ngài là người hoàn hảo, người lý tưởng, hay “anh hùng”, người có tâm vững chãi không ai có thể sánh bằng. Ngài không hề nghĩ đến việc: “Ta không thể thực hiện điều này”, vì Pháp là cái mà mọi chúng sanh đều có khả năng thực hiện, ứng dụng. Tất cả chúng ta đều là chúng sanh, nên bấy nhiêu lời dạy đó cũng đủ để ta nhận thức rằng ít nhất ta cũng biết phương cách để áp dụng những gì thực sự hữu ích.

Không xung đột

Khi được gọi là “bước vào dòng chảy – nhập lưu” (sotāpatti), theo kinh điển có nghĩa là sự giảm thiểu các gánh nặng trong cách sống của ta. Ta trở nên người sở hữu sự bình an.  Vị nhập lưu đã từ bỏ được tham, dục ái, sân hận và si mê, vô minh. Có nghĩa là cuộc sống của vị đó bình lặng hơn, ít xao động hơn. Tất cả mọi xung đột, chướng ngại dần dần giảm bớt và cuối cùng sẽ được giải quyết.

Một cuộc sống không còn xung đột, chướng ngại là cuộc sống của người thực sự hạnh phúc. Thứ hạnh phúc đến từ việc người đó không còn các bất thiện.  Không có gì có thể làm phát sinh sự bức bối dưới bất cứ hình thức gì. Đó thực sự là một hiện hữu, một sự có mặt tuyệt vời.

Trong thời Đức Phật còn tại thế, ta có thể thấy nhiều tấm gương như thế, vì các vị đệ tử của Đức Phật thường sống chánh niệm, đầy giới hạnh và tỉnh thức. Người sở hữu các đặc tính này trong tâm, thì cuộc sống tâm linh, tình cảm của họ thường được tốt lành. Đó là cảm giác của người hành giả đang bước đi trên con đường đạo mà không có bất kỳ chướng ngại và hiểm nguy nào.

Để sống được như thế không chỉ là bổn phận của một tu sĩ. Mà bất cứ ai còn có mặt trên thế gian này cũng có bổn phận phải sống với một tâm thái không đưa đến các xung đột.

Luang Por Liem
(Diệu Liên Lý Thu Linh trích dịch theo No Worries,
Nguồn: “Luang Por Liem NoWorrries”, HolyBooks.com

Bài viết liên quan

Phản hồi