Những bài kinh hóa giải dịch bệnh

Đức Phật là đấng Vô Thượng Y Vương, thương xót chúng sanh như mẹ thương con, cho nên trong suốt 49 năm thuyết pháp, Ngài đã để lại cho hậu thế cả một kho tàng Kinh điển quý báu và đồ sộ. Bởi giáo pháp của Ngài là lương dược hay trừ bệnh thân tâm cho tất cả chúng sanh.

Tuy nhiên, chúng ta là những đứa con can cường, nên dù Đức Thích Tôn nhập Niết Bàn, vẫn không lấy làm hối tiếc. Mãi trôi lăn trong sanh tử mà quên mất gia tài của Đức Từ Phụ giao phó. Vì thiếu trí tuệ, không đủ niềm tin, nên chẳng vâng thuận lời dạy của đấng Từ Nghiêm.

Đứng trước nạn dịch bệnh hoành hành như hiện nay, người Phật tử muốn tìm một pháp môn thích hợp để hoá giải, đó là nhu cầu thiết yếu. Bởi dịch bệnh, theo Kinh Phật từ Nguyên Thuỷ đến Đại Thừa, cũng không ngoài ác nghiệp của loài người chiêu cảm các loài phi nhân gieo tai họa. Vì vậy, đây là cơ hội để chúng ta thức tỉnh tu tập, sửa đổi chính mình.

Trong Phật giáo Nguyên Thuỷ, Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) thuộc Tiểu Bộ Kinh, có khả năng tiêu trừ dịch bệnh. Nguyên nhân Phật thuyết kinh này là do thành Tỳ Xá Ly, kinh đô xứ Bạt Kỳ chịu ba tai ương: Nạn đói, ma quỷ quấy phá và dịch bệnh. Bộ tộc Ly Xa cai trị xứ này, gửi một phái đoàn đến thành Vương Xá, xứ Ma Kiệt Đà của vua Bình Sa Vương, gặp đức Phật lúc bấy giờ ngài đang ngự tại Tinh xá Trúc Lâm. Họ thỉnh cầu Đức Phật đến Tỳ Xá Ly để giải trừ tai ách.

Khi Đức Phật tới nơi, Ngài quan sát dịch bệnh chủ yếu do loài phi nhơn làm ra, nên Đức Phật liền dạy Kinh Châu Báu cho ngài A Nan ghi nhớ. Sau đó, thầy A Nan và 500 vị A La Hán vừa đi quanh thành phố vừa tụng vừa rải nước. Do oai lực của Đức Phật, vua trời Đế Thích và chư Thiên Long theo thủ hộ, làm trời đổ mưa xuống, rửa sạch trược khí, các ác quỷ bỏ trốn. Trả lại sự yên ổn cho người dân. Đây là bản kinh ca ngợi về ân đức của Tam bảo mà các Phật tử Nam Tông thường thọ trì.

Trong các Kinh Đoạn Ôn, Kinh Phật Thuyết Khước Ôn Hoàng Thần Chú, của Phật giáo Bắc Truyền, Đức Phật đều chỉ ra nguyên nhân của dịch bệnh là do bảy vị quỷ thần, phun khí độc, để hại nhân dân. Nếu ai mắc phải dịch độc, thì nhức đầu, thân thể nóng lạnh, trăm khớp xương muốn rã rời, đau đớn khó tả. Khi ngài A Nan thỉnh cầu Đức Phật cách hoá giải ôn dịch tại nước Duy Da Ly thì dịch khí đã lan rộng, giống như lửa cháy, khiến con người tử vong vô số, không có chỗ bám víu, không có cách cứu chữa. Tên của bảy vị đó là: Mộng Đa Nan Quỷ, A Khư Ni Quỷ, Ni Khư Thi Quỷ, A Già Na Quỷ, Ba La Ni Quỷ, A Tì La Quỷ, Bà Đề Lê Quỷ. Nếu như chúng sanh biết được danh tự của bảy vị Thần ôn dịch này, khởi lòng cung kính, chuyên niệm Phật, Pháp, Tăng và Bồ Tát Quán Âm thì khỏi nạn.

Thần Chú Đoạn Ôn là: “Nam Mô Phật Đà Da, Nam Mô Đạt Ma Da, Nam Mô Tăng Già Da, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát, Dịch Bệnh Tiêu Trừ, Sa Bà Ha”.

Tuy nhiên, theo tinh thần kinh Phổ Môn, chỉ cần nhất tâm niệm danh hiệu Bồ tát Quán Âm là khỏi nạn. Vì theo phẩm phương tiện, kinh Pháp Hoa là thuốc hay chữa lành tất cả bệnh khổ của chúng sanh.

Trong Phật giáo Đại Thừa, các kinh chú có năng lực hoá giải dịch bệnh điển hình là Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Dược Sư và Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni. Tuỳ theo, căn cơ của chúng sanh mà Đức Phật chỉ bày nhiều phương tiện khác nhau. Nhưng quan trọng nhất là chú Lăng Nghiêm, vì Kinh nói: “Nếu chỗ nào có thần chú này, thì tất cả tai nạn do các ác tinh biến hoá thảy đều tiêu diệt”.

Kinh Lăng Nghiêm, quyển 7 nói : “Nếu các quốc độ, các châu, huyện, làng, xóm có những tai nạn, như đói khát, dịch lệ, … nên viết thần chú này để nơi bốn cửa thành và các tháp hoặc trên các đài cao để cho các chúng sinh hiện có trong cõi nước kính thờ chú này lễ bái, cung kính nhất tâm cúng dường, lại khiến trong nhân dân mỗi người đều đeo chú trên thân, hoặc mỗi người đều để nơi chỗ mình ở, thì tất cả những tai ách thảy đều tiêu diệt.

Nghĩa là Phật tử chỉ cần đeo chú Lăng Nghiêm, hoặc dán chú trước nhà, hay tôn trí vào trong bảo tháp, để cúng dường, thì các tai nạn đều tiêu diệt. Huống chi nhất tâm thọ trì đọc tụng. Thậm chí chỉ cần lưu chú Lăng Nghiêm vào điện thoại, đăng lên Facebook, gửi qua tin nhắn, Zalo, cũng có sự hộ trì của Hộ Pháp Long Thiên. Nhờ vậy tất cả tội lỗi đều tiêu trừ.

Kinh nói: “Người nào đeo chú Lăng Nghiêm, khi mạng chung sẽ vãng sanh về cõi Phật A Di Đà”. Do đó, đây là cách hộ niệm tốt nhất hiện nay cho kẻ còn, lẫn người mất. Dù vậy, Phật tử chỉ cần thọ trì tâm chú, nếu đọc đủ năm đệ Lăng Nghiêm càng tốt.

Theo HT. Tuyên Hoá, nếu nhân gian còn một người trì tụng chú Lăng Nghiêm thì ma vương không dám xuất hiện. Huống chi đang lúc dịch khí lưu hành, rất cần chư Tăng Ni Phật tử thọ trì chú Lăng Nghiêm để bổ sung chánh khí trong trời đất, nhằm chuyển họa thành phước.

Trong Kinh Đại Bi, Bồ tát Quán Âm dạy cách lập đàn để tiêu trừ dịch bệnh, như sau:

“Lại trong một xứ, nếu gặp những tai ương dồn dập như: bịnh dịch lưu hành, v.v… Muốn diệt các thứ tai nạn như thế, vị quốc vương phải lập đàn tràng, tạo tượng Thiên Nhãn Đại Bi để day mặt về phương Tây, sắm các thứ hương, hoa, tràng phan, bảo cái, hoặc trăm thức ăn uống mà cúng dường, rồi dùng thân tâm tinh tấn, đọc tụng chương cú thần diệu. Hành trì như thế đúng 7 ngày thì… các Thiên, Long, Quỷ Thần đều ủng hộ trong nước khiến cho mưa gió thuận hòa, hoa quả tốt, nhân dân vui đẹp”.

Bên cạnh đó, kinh Dược Sư nói: “.. gặp lúc có nạn, nhân dân bị bịnh dịch, …, thì lúc ấy các vị quốc vương kia phải đem lòng từ bi thương xót tất cả chúng hữu tình, ân xá cho tội nhơn bị giam cầm, rồi y theo pháp cúng dường đã nói trước mà cúng dường Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì do căn lành này và nhờ sức bổn nguyện của đức Dược Sư khiến trong nước liền được an ổn, mưa hoà gió thuận, lúa thóc được mùa, tất cả chúng hữu tình đều vui vẻ, không bịnh hoạn, không có thần Dược Xoa bạo ác não hại lê dân”.

Tuy nhiên, nếu không đủ duyên lập đàn Đại Bi hay Dược Sư như pháp, thì mỗi người có thể tự tụng trì chú Đại Bi, hoặc Kinh chú Dược Sư để thoát khỏi dịch bệnh.

Kinh Đại Bi nói: “Chí thành xưng tụng chú Đại Bi.

Bệnh dịch tiêu trừ, mạng trường cữu”.

Tuy nhiên hành giả Đại Thừa khi trì kinh chú tốt nhất là nên phát nguyện ăn chay trường hoặc chay kỳ và cử Ngũ Vị Tân, trong các ngày chay, trừ khi cần dùng để làm thuốc trị bệnh. Vì theo các Kinh Phạm Võng, Lăng Nghiêm, Niết Bàn, Lăng Già, Đức Phật đều cấm ăn thịt và sử dụng Ngũ Vị Tân. Do đây là nguyên nhân chướng ngăn Thánh đạo. Nếu như ăn thịt tổn lòng từ bi, thì ngũ vị tân ăn sống sanh dâm, còn ăn chín sanh sân, hấp dẫn ma quỷ liếm mép, chư Thiên lánh xa, không thể hộ trì. Người tu học theo truyền thống Bắc Tông, đã thọ Bồ Tát Giới thì không nên dùng. Huống chi sát sanh là nguyên trổ quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh triền miên, mà hiện tại sao chúng ta không thức tỉnh để trường chay, niệm Phật?

Như vậy, từ kinh Nguyên Thủy đến Đại Thừa, Đức Phật đều chỉ dạy các bản Kinh Chú Hoá Giải Dịch Bệnh khác nhau mà quý Phật tử tuỳ theo truyền thống có thể ứng dụng cho phù hợp. Tất nhiên trong Mật giáo còn nhiều pháp môn khác, tuy nhiên trong khả năng hạn hẹp của mình, chúng tôi chỉ dám đề cập đến những gì phổ biến nhất trong hiển giáo đang phổ biến tại nước ta hiện nay. Rất mong quý Phật tử chuyên tâm tu tập, để cầu nguyện cho dịch bệnh tiêu trừ, chúng sanh an lạc.

Nam Mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật.

Thích Như Dũng

Bài viết liên quan

Phản hồi