Nhớ Ơn Quốc Tổ Hùng Vương: Biểu tượng của ý chí đoàn kết dân tộc
Dù ở nơi đâu, cứ đến ngày Giỗ tổ, hàng chục triệu người con trên khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, lại cùng nhau hướng về Ngày Quốc Tổ tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên.
Sáng 29/4/2023 (Mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng, Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc (phường Long Bình, TP Thủ Đức), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Quý Mão 2023.
Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Chủ HCM Nguyễn Văn Nên; tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Trần Thị Kim Yến và đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang TPHCM; TP Thủ Đức, các quận, huyện; nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc, cựu chiến binh, công dân, nông nhân, thanh niên, phụ nữ, doanh nhân và kiều bào về tham dự Lễ Giỗ Tổ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Thị Kim Yến cho biết, hằng năm, vào dịp Mùng 10 tháng 3 âm lịch, những người con Lạc Việt trên khắp mọi miền đất nước đều thành kính hướng về Quốc Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Tổ tiên và những bậc hiền nhân đã khai sinh, tạo dựng nên non nước Việt Nam giàu đẹp, đắp bồi và gìn giữ mảnh đất thiêng của cha ông suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Để tiếp tục “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Chúng ta luôn ghi nhớ cội nguồn, biết ơn công lao của những người đi trước và luôn phải nhớ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Học tập tiền nhân, noi gương từ Đức Quốc Tổ, đời đời nhớ ơn tông tổ cội nguồn, mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ của Thành phố mang tên Bác nguyện nỗ lực phấn đấu hết sức mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Cùng với toàn thể đồng bào cả nước, đồng bào ở xa Tổ quốc, Nhân dân Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt triệu đôi tay, triệu tấm lòng xưa -nay:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Trong không khí trang nghiêm, thành kính và tiếng nhạc lễ âm vang, đoàn dâng hương, đoàn cờ phướn, đội nhạc hành lễ, đội rước kiệu lễ vật bắt đầu khởi hành từ sân trung tâm lễ hội để lên Đền Âm bản Trống đồng. Đi đầu đoàn hành lễ là các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ”Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Theo sau là các thiếu nữ và 100 con cháu Lạc Hồng trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng cùng đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với truyền thuyết về vị hoàng tử Lang Liêu.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng,tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên đã có công dựng nước,
Với tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Đền dâng hương, hoa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc để ngày nay con cháu các Vua Hùng tiếp tục xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Gắn kết cộng đồng
Trong những ngày tháng 3 đặc biệt này, tại không gian đậm giá trị văn hóa, di sản. Khai hội gói nấu bánh chưng, tổ chức hội trại truyền thống, tổ chức trưng bày hình ảnh hoạt động của công viên, hội sách, biểu diễn võ thuật, múa rồng, trống hội, chương trình ẩm thực chay… cùng tỏa sáng, đã không chỉ nhân lên niềm tự hào ở mỗi nghệ nhân, chủ thể di sản, mà còn khẳng định sức hút, giá trị của nguồn lực bất tận cho sự phát triển bền vững được tạo nên từ những “kho báu” vô giá này. Mỗi loại hình di sản đều là sản phẩm tinh thần được hun đúc và định hình qua thời gian, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó góp phần làm nên bản sắc văn hóa riêng của người Việt và khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào mang tên “Việt Nam”. Hàng năm, những cuộc hành hương về quá khứ, giao tiếp với tổ tiên của dân tộc và gia đình là những hình thức kết nối, phương thức gặp gỡ có tác dụng tiếp thêm sức mạnh để mọi người vượt qua thách thức của cuộc sống hiện tại. Những ý nghĩa sâu sắc này vẫn còn đậm nét và đang được phát huy trong đời sống cộng đồng hôm nay…
Lan tỏa tinh thần dân tộc
Người Việt đi đến đâu cũng mang theo tâm thức về Quốc tổ, nơi nào có người Việt sinh sống, nơi đó có đền thờ các Vua Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội, khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là sức mạnh củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Hiện cả nước có hơn 1.400 di tích, các nhân vật thời Hùng Vương. Từ đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Người Việt Nam ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài sáng tạo những không gian thờ cúng Hùng Vương riêng, xin chân nhang, đất, nước từ Đền Hùng về thờ cúng ông Tổ của dân tộc. Đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.
Quí Nguyễn
PV-PGĐS tại TPHCM
Phản hồi