Nhìn Đời Bằng Cặp Mắt “Như Thị” Trong Mùa Thu Đặc Biệt
Lại một mùa thu nữa lại về, mùa thu là mùa của những chiếc lá vàng rơi để bắt đầu một sự sống mới. Vì thế, mùa thu còn được tượng trưng cho sự già nua hay sự vô thường biến đổi sanh diệt của một kiếp người.
Nhưng mùa thu thu năm nay lại khá đặc biệt, thay vì cả nước náo nức rước đèn ông sao đủ các loại và nhiều màu sắc thì mọi người lại nắm chặt tay nhau, chung sức, chung lòng cùng chống dịch, chữa bệnh cho nhau lúc khốn khó, nguy nàn và rước chú Cụi, chị Hằng trong tịch tĩnh và lặng yên. Có phải chăng đây là lúc để những người con Phật cảm nhận sâu sắc về định luật vô thường đổi thay?
Trải qua hai mươi mấy mùa lá đổ, người viết cũng đã quen dần với sự náo nhiệt thị thành, của những con người luôn tấp nập, buôn ba, vất vả hay những hình ảnh các chú chiến sĩ oai phong cầm súng chỉ có ở trong Tivi và chưa từng nghĩ rằng cả nước lặng im đến lạ thường như thế. Giờ đây, bước chân ra đường trên mảng đất mang tên Bác – từng là mơ ước của nhiều người lại vắng vẻ, xe cộ cũng ít đi, nhưng đâu đó lại nghe tiếng xe cứu thương cứ văng vẳng bên tai càng nhiều. Người viết mới bất giác giật mình, rung động và cảm nhận sâu sắc về sự vô thường như trong Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Đức Phật dạy:
“Này Ananda, các pháp hữu vi, vô thường là như vậy, không kiên cố là như vậy, không đáng tin tưởng là như vậy; vì rằng, này Ananda, tất cả các pháp hữu vi cần phải nhàm chán, cần phải thoát ly, cần phải giải thoát.”[1]
Thật vậy, vô thường đến đi nào có hẹn cùng người, vật chất xa hoa có gì thật sự là kiên cố và đáng tin tưởng? Nếu có chăng, đó là sự vững tin vào ý chí, nghị lực của chính mình như lời Đức Phật dạy:
“Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình… hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa.”[2]
Vì thế, thay vì bị dịch bệnh Covid 19 hoành hành, rồi bi quan, buồn bã và đặt nhiều câu hỏi tại sao lại như thế, rồi đổ thừa do người này, người kia hay bất kỳ một lý do nào? Chúng ta đã không thể thay đổi được người khác, thế giới và mọi thứ xung quanh, vậy cớ gì chúng ta phải bị chúng chi phối. Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus cũng từng cảm thán rằng: “Mọi thứ đều tuôn chảy theo quy luật… và chúng ta không thể lội xuống hai lần trên một dòng sông”[3].
Tất cả đều có quy luật của nó, vô thường cũng vậy, không ai trong chúng ta có thể tránh khỏi việc sanh-lão-bệnh-tử, vậy cớ gì chúng ta lại bị nó làm cho xáo trộn cuộc sống của chính mình. Hay nói rõ hơn, chúng ta muốn thay đổi cũng không thể được, bởi mỗi người đều có một nghiệp lực riêng. Trong Kinh Sa Môn Qủa, Đức Phật từng dạy rằng:
“Chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người mai mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng.”[4]
Có phải chăng dịch bệnh Covid 19 đang hoành hành trên toàn thế giới nói chung và nhiều tỉnh thành của nước Việt Nam nói riêng trong thời điểm này là do Nghiệp lực của chúng ta cộng hưởng mà ra? Thấu hiểu như thế, chúng ta sẽ an định tự tâm, không oán người hay đổ thừa do vận mệnh. Bởi vận mệnh cũng sẽ thay đổi theo tâm thức của chính mình.
Vì thế, nếu chúng ta cho rằng : Mùa thu năm nay là biểu tượng của sự vô thường, thì chúng sẽ không ngừng thay đổi. Nếu cho rằng đó là biểu tượng của sự già nua thì chúng cũng sẽ cằn cỗi và hoại diệt. Còn cho rằng: Thời đại công nghệ kỹ thuật phát triển, con người phải uyển chuyển và thích nghi vô tình đã đẩy con người xa nhau hơn, bước quá nhanh thì mùa thu năm nay là trải nghiệm mới về sống chậm lại và lắng nghe
cõi lòng. Nếu nghĩ: Rất hiếm có cơ hội như thế để chúng ta chiêm nghiệm lại chính mình và tiến bộ hơn thì chúng sẽ đi theo chiều hướng của sự tốt đẹp. Bởi vạn pháp đều do tâm sanh.
Nếu đã do tâm tạo nên, vậy chỉ cần chúng ta thay đổi suy nghĩ là có thể chuyển hóa. Vì thế, thay vì chúng ta lo lắng, ưu tư về dịch bệnh cũng không ích gì. Chúng ta hãy nhìn chúng bằng cặp mắt “Như thị”, hãy chấp nhận nó, sống cùng với nó, xem nó như động lực để tiến về phía trước. Nếu nhìn theo hướng tích cực, đôi lúc chúng lại là cơ hội để chúng ta tiến gần nhau hơn, thấu hiểu, thông cảm nhau hơn. Bởi xung quanh những mảng đời bất hạnh do nhiễm bệnh, đâu đó có rất nhiều người đang cống hiến, hi sinh thầm lặng để hỗ trợ cho chúng ta từng bữa cơm, từng hạt gạo… qua cơn đói rét. Mỗi món quà trao tặng đến tay người dân là ngàn yêu thương đong đầy gởi đến họ.
Thử hỏi, một trận đại dịch đi qua còn gì ở lại? Có phải chăng tất cả đều mất đi, duy chỉ có cho đi là còn mãi và chỉ có tình người là ở lại? Phải chăng khi tối lửa tắt đèn có nhau mới giúp chúng ta thấy được chân tình? Chúng ta rồi cũng sẽ già nua như mùa thu vậy. Nhưng mỗi lần nhớ lại kỹ niệm của những tháng năm chống dịch, chúng ta có thể tự hào kể lại cho đời sau những cống hiến vĩ đại và có thể chạm khẽ tay nhau, nở một nụ cười.
Thiết nghĩ, chính nhờ một cơn Đại dịch bất chợt ùa về làm bao người ngỡ ngàng, tuổi phận đơn côi, sầu bi khổ não, chúng ta mới thấy được tình yêu thương đồng loại tuyệt vời biết bao nhiêu và mới thấy được giá trị của những ngày thái bình, hạnh phúc. Trong kiếp sống nhân sinh biến đổi này, chúng ta lại có dịp nhìn lại chính mình, nhìn lại thực tại và đúc kết lại bài học, kinh nghiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của cuộc sống qua những chuỗi ngày rong ruổi đó đây. Chúng ta sẽ có dịp trân trọng những giây phút hiện tại quý báu này mà không lãng phí chạy theo những buộc ràng vọng tưởng, thế nên, không chần chừ và sống hết lòng cho ngày hôm nay bởi ngày mai có thể là ngày cuối cùng của cuộc đời bạn.
Nhân dịp mùa Trung thu không quên trong thời đại dịch của đất nước và cả thế giới như trăng khuyết lại tròn, người viết hi vọng rằng: Chúng ta hãy cùng nhau gởi những từ trường tích cực vào thế giới này. Chính sự tu tập và cái tâm chân thành, chắc hẳn rằng: Chỉ cần chúng ta vững tâm và có niềm tin mãnh liệt vào chính mình, vào các vị lãnh đạo, Ban chỉ huy chống dịch, thì ngày “viên minh trung nguyệt” – ngày mà vầng trăng tròn đầy, mọi khốn khó sẽ qua, chỉ còn tình người ở lại sẽ không xa.
Thông qua bài viết này, người viết muốn gởi thông điệp rằng: Điểm khác nhau giữa người với người không phải ở vật chất xa hoa mà chúng được thể hiện ở suy nghĩ, nhận thức, ở tấm lòng và cái tâm của họ.
“Ai tâm không an trú,
Không biết chân diệu pháp,
Tịnh tín bị rúng động
Trí tuệ không viên thành.”[5]
Thế nên, nếu đã thấy không thể đi ngược lại. Vậy chúng ta hãy vươn lên nhưng không chờ đợi, chấp nhận nhưng không bi quan. Đối với thế thái nhân tình, không có gì là bất ngờ, bởi: Vốn dĩ mỗi người sinh ra phần đông theo duyên nghiệp của chính mình. Người không hiểu, họ lăng xăng, bất ổn, lẽ nào ta cũng chạy theo! Vạn vật bản chất vốn sinh diệt khôn lường, đó là quy luật tất yếu, vậy cớ sao nhìn thấy lá thu rơi lại mang mát buồn! Con người trước sau cũng phải theo quy luật của sinh-lão-bệnh-tử, hà tất phải lo âu!
Nhưng nếu trong khó khăn, hoạn nạn, chúng ta có thể tìm thấy sự an ổn, tự tại, vui vẻ trong đó và chấp nhận nó. Cuộc đời sẽ tự khắc được an lành, đây cũng là hành trang để chúng ta có thể sanh về cảnh giới cao hơn! Vì thế, việc thực hành nhìn đời bằng cặp mắt “đúng Như thị, Như thị” sẽ là thông điệp quý giá giúp cho những ai mong muốn cuộc sống hạnh phúc và an lành trong mùa mùa Trung thu đặc biệt này.
Tác giả bài viết: Thích nữ Hạnh Liên
Ghi chú:
[1] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Thiện Kiến vương, NXB Tôn Giáo, 2018,
tr 371.
[2] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ I, Phẩm Tự Mình Làm Hòn Đảo, NXB Tôn Giáo, 2018,
tr 673.
[3] Nguyễn Tiến Dũng, Lịch sử Triết học phương Tây, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr 29.
[4] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Sa Môn Quả, NXB Tôn Giáo, 2018, tr 85.
[5] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ, Kinh Pháp Cú, kệ 38, NXB Tôn Giáo, 2018, tr 46.
Phản hồi