Người học Phật nên hiểu về chữ duyên trong cuộc sống hàng ngày

PGĐS – Trong nhà Phật, khi nói đến nhân quả thường đề cập đến chữ duyên hoặc nhân duyên. Nhân tức là hạt giống để từ đó sinh ra quả. Duyên là một điều kiện để nhân tạo quả.

Trong nhà Phật, khi nói đến nhân quả thường đề cập đến chữ duyên hoặc nhân duyên. Nhân tức là hạt giống để từ đó sinh ra quả. Duyên là một điều kiện để nhân tạo quả. Quả tốt hay quả xấu, hoa có thơm, trái có ngọt, không chỉ vì người trồng hoa lựa giống tốt, phân tốt, gieo hạt đúng lịch, mà còn cái duyên của thiên thời địa lợi. Ông trời mà ghét, nắng nóng kéo dài, nước mặn chan chát thì “nhân” có tốt mấy, “quả” vụ mùa năm đó cũng xấu. Bác nông dân có giỏi mấy, vụ đó bác cũng thua. Nhà Phật gọi đó là duyên xấu.

Trong tình cảm đôi lứa cũng vậy. Có khi người vợ, người chồng cố vun vén hạnh phúc gia đình, nhưng duyên xấu, họ phải chia tay, dù chia tay đường ai nấy đi là việc chẳng đặng đừng. “Còn duyên thì còn kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngược lại, nếu có duyên tốt thì dù bác nông dân chưa thạo nghề, thiếu kinh nghiệm nhưng bởi thiên thời địa lợi nên hoa, trái có thể “mười phân vẹn mười”. Bác nông dân có thể thắng vụ đó. Đó là nhờ duyên tốt.

Trong hóa học, mình biết Sodium có tên hóa học là Natri (Na) là một chắc rắn, và Chloride (Cl2) là một khí độc. Nhưng khi kết hợp hai cái với nhau thì tạo thành cái hữu ích đó là muối ăn. Sự kết hợp đó là sự kết hợp tốt làm cho Chloride từ chất độc hại trở thành chất có ích.

Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy. Đại chúng nếu có ý cùng nhau xây dựng đạo tràng tu tập để tiến bộ thì chắc chắn sẽ tiến bộ. Ngược lại, trong đạo tràng có nhiều người luôn làm mình đau khổ thì mình chỉ muốn bỏ cuộc.

Đi chùa, lạy Phật, bạch thầy, “Thầy ơi con khổ”, “Con khổ là do duyên con xấu”. Xấu có nghĩa là dù mình cố tu hành, mình cố làm việc thiện nhưng cái hay, điều tốt vẫn chưa đến với mình.

Ở ngoài đời, chữ duyên và vô duyên lại hiểu một chút hơi khác. Hiểu hời hợt một chút, mình hay nói: “Cô kia có duyên chưa?” Tức là cái cách cô ấy đi, cách cô ấy đứng, cách cô ấy ngồi, cách cô ấy nói chuyện có toát ra cái đẹp của người phụ nữ chưa. Đẹp đây là đẹp nết, chứ không hẳn là đẹp người.

Xưa mình nhỏ, mạ mình hay la mình: “Thằng ni, vô duyên!”, ý là mình cười, mình nói, mình làm này làm kia không thích hợp. Cái không thích hợp, theo nhà Phật, chính là cái nghịch cảnh, cái không thuận.

Người học Phật muốn được cái duyên tốt để khi gieo nhân tốt tạo được quả tốt thì ngoài việc nghe học, cần phải thực hành (văn, tư, tu), thân miệng ý muốn chân chánh thì đi đứng uy nghi cũng phải luôn chánh niệm.

Ði đứng nằm ngồi trong chánh niệm

Vào ra cười nói tướng đoan nghiêm

Người con trai, người con gái học Phật, cười nói đoan nghiêm, đi đứng chánh niệm thì người con trai, con gái đó ai nhìn cũng khen có duyên. Đẹp vì duyên, duyên do chánh niệm, chánh kiến, hành trì giới mà có.

Đồng An

Bài viết liên quan

Phản hồi