PGĐS – Có những bất an và sợ hãi không đến từ nghiệp quá khứ mà đến từ thói quen cuộc sống hằng ngày tạo ra. Là người Phật tử chân chánh, chúng ta nên học cách phòng hộ để các giác quan của mình xa rời bớt những bất thiện pháp và cho thân khẩu ý được nuôi dưỡng bằng những năng lượng tích cực hơn.
Khi 6 giác quan ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý) tiếp xúc với 6 trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà thiếu sự tỉnh giác, thiếu sự phòng hộ, thì dễ dàng mở cửa cho các bất thiện pháp nảy sinh. Đồng thời những bất an, lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ…cũng từ đó mà phát triển.
Nếu chúng ta dành nhiều thời gian cho các trang mạng, các thông tin, hình ảnh…mà không có sự phòng hộ, chọn lọc…thì đôi khi chính chúng ta đã mở cửa cho các năng lượng tiêu cực tràn vào trong tâm mình.
Những tin tức không rõ thực hư ở phương nào, những hình ảnh chứa những bất an, tiêu cực, những bài viết khơi dậy tham, sân ,si…tất cả, nếu không có sự chọn lọc, tỉnh giác, định tĩnh, thì chúng cũng là duyên cho mỗi người huân tập thêm những ô nhiễm vào tâm.
Khi có thời gian rảnh, thay vì quay về để phòng hộ những giác quan, thanh lọc tâm ý của mình một cách tích cực bằng việc quán chiếu hay tịnh tâm, phần lớn mỗi người lại bị kéo vào các bài viết, tin tức, hình ảnh bên ngoài để thỏa mãn trí tò mò của tư duy và cảm xúc. Và đó cũng là những tác nhân, tác duyên tạo ra sự rối rắm, bất an, lo lắng cho mình mà không hay biết.
Tu tập, không chỉ là khi đến chùa, bố thí, cúng dường, nghe giảng hay tìm hiểu giáo lý từ các trang mạng mà còn là sự quán chiếu hằng ngày nơi đời sống, quay về bên trong thân tâm mình để thấy rõ những điều thiện hay bất thiện khởi sanh từ ý nghĩ, lời nói, hành động để phát huy hay ngăn ngừa.
Mỗi người, nếu biết phòng hộ mình bằng sự tự thực tập, tự quán chiếu, khi có những bất an, lo lắng, buồn phiền, suy tư khởi sanh từ việc tiếp xúc với ngoại cảnh, thì sẽ góp phần làm cho cuộc sống của mình tự cân bằng và nhẹ nhàng hơn.
Những thông tin bên ngoài chỉ cho chúng ta sự hiểu biết tạm thời nhưng đôi khi lại lấy đi những năng lượng tích cực bên trong. Nhưng khi chúng ta biết nhìn lại để chăm sóc thân tâm mình, thì chúng ta sẽ có trí tuệ và tạo ra bình an cho mình trước những biến thiên của cuộc sống.
Mỗi người, chỉ cần biết cách ngồi yên, cũng đã phần nào mang đến bình an cho cuộc sống.
Ngồi yên để hiểu lòng mình
Ngồi yên để thấy an bình trong tâm
Ngồi yên để bớt mê lầm
Ngồi yên để thấy pháp âm hiển bày
Chạy theo duyên cảnh hằng ngày
Chỉ vì sợ hãi lòng này lặng yên
Thích với kết nối ngoại duyên
Rồi đem bao thứ muộn phiền vào tâm.
Nào hình , nào sắc, nào âm
Dệt nên ảo tưởng, gieo mầm bất an
Thử ngồi soi lại dung nhan
Nhìn xem mặt mũi tâm phàm ra sao
Đã bao nhiêu bận hư hao
Mà sao vẫn muốn buộc vào ngoại duyên
Quay về tìm tánh thiện hiền.
Cho lòng nối lại bình yên vốn là!
Sư cô Trúc Lan Nhã
Phản hồi