Nghệ An: Đại lễ Lạc thành Chùa Lam Sơn, xã Quỳnh Yên
PGĐS – Sáng ngày 11/01/2025 (tức ngày 12 tháng 12 năm Giáp Thìn), chùa Lam Sơn, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu long trọng tổ chức Đại lễ Lạc thành tổng thể khuôn viên chùa.
Quang lâm chứng minh và tham dự có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An; Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An cùng đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni trong ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, trụ trì các tự viện trong và ngoài tỉnh, quý Phật tử thập phương đồng tham dự.
Về phía các cấp lãnh đạo ban ngành và đoàn thể tới tham dự và chúc mừng Đại lễ có các đồng chí: Nguyễn Như Khôi, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Sỹ Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Hoàng Văn Bộ, Bí thư Huyện ủy; Trần Việt Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo thị xã Hoàng Mai, UBMTTQ huyện cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã.
Chùa Lam Sơn với tên xưa là chùa Làng Thượng Yên tọa lạc xóm Thượng Yên, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu. Theo các cụ cao niên tại địa phương, chùa Lam Sơn được xây dựng từ năm 1712 thời Lê Trung Hưng. Trải qua biến thiên của thời gian và thăng trầm lịch sử, ngôi chùa đã bị phá bỏ, các đồ tế khí, tượng Phật cũng mai một dần. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của bà con nhân dân và Phật tử, ngày 8/11/2012, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định chấp thuận phục hồi cơ sở Phật giáo chùa Lam Sơn với tổng diện tích đất chùa được quy hoạch 5.482,37m2, trong đó diện tích xây dựng chùa 1.961.38m2.
Vào cuối năm 2013, công tác khôi phục, trùng tu, xây dựng chùa Lam Sơn được triển khai. Theo thiết kế, chùa được xây dưng theo lối kiến trúc chùa cổ phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ. Cũng như nhiều ngôi chùa Việt truyền thống khác, chùa Lam Sơn được xây dựng với nhiều hạng mục như Đại hùng bảo điện, nhà thờ Tổ, tả hữu hành lang, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan và các công trình phụ trợ khác. Các hạng mục đều làm bằng gỗ lim và gỗ sến với tổng khối lượng khoảng 1.200m3. Riêng khu nhà thờ Tổ được làm hoàn toàn bằng gỗ kiền kiền, trong đó cột gỗ cao tới 7,58m.
Đặc biệt, tại ngôi chùa có tượng Tổ Bồ-đề-đạt-ma, được chế tác từ gỗ nu nghiến nguyên khối. Pho tượng này đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là bức tượng Bồ-đề đạt-ma bằng gỗ nu nghiến nguyên khối lớn nhất Việt Nam vào tháng 12/2016. Bên cạnh những hạng mục bằng gỗ, một trong những điểm nhấn của ngôi chùa là bức tượng đá Phật Di Lặc khổng lồ, được chế tác từ một khối đá nguyên khối nặng hơn 120 tấn. Bức tượng nặng hơn 60 tấn, cao 3,2 mét. Ngoài hai pho tượng tiêu biểu là Phật Di Lặc và Tổ Bồ-đề-đạt-ma thì chùa Lam Sơn còn có bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tọa lạc ngay cạnh hồ nước trong xanh trước cổng chùa. Tất cả tạo nên nét đặc biệt của chùa Lam Sơn.
Nay ngôi phạm vũ chùa Lam Sơn không chỉ phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân Phật tử thập phương mà còn trở thành một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình tâm linh của du khách khắp muôn nơi hội tụ về mỗi khi có dịp ghé thăm vùng đất xứ Nghệ, từ đó góp phần phát triển kinh tế và du lịch địa phương; đồng thời, góp thêm một bông hoa tươi thắm trong vườn hoa đầy hương sắc của Phật giáo Việt Nam.
Nhân duyên đủ đầy được hội tụ, ngôi chùa Lam Sơn được hình thành bằng sự hỗ trợ nhiệt tình từ lãnh đạo chính quyền các cấp, từ sự tin yêu của bà con nhân dân Phật tử xa gần và đặc biệt hơn chính là sự phát tâm của con em tại địa phương đang làm ăn xa quê hương một lòng hướng về nguồn cội. Phật tử thập phương đều biết đến chùa Lam Sơn là ngôi chùa được làm từ chất liệu thuần gỗ lớn nhất Nghệ An và Bắc Trung Bộ thời bấy giờ nay đã được trùng tu bảo tồn ngày một khang trang, sạch sẽ và cũng nhằm kỷ niệm 12 năm kể từ ngày bắt đầu được trùng tu, tôn tạo và phục dựng.
Hôm nay, trong không khí hân hoan vi diệu ánh sáng từ bi của đạo, Phật Chùa đã làm lễ Khánh Thành trong niềm vui mừng phấn khởi của bá tính nhân dân.
Với mong muốn bảo tồn, trung tu, tôn tạo và phát huy những giá trị văn hóa đình chùa của dân Việt, cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo tín đồ Phật giáo trong và ngoài tỉnh, Ban Tổ chức cũng như lãnh đạo chính quyền các cấp có thẩm quyền, các chức vị chức sắc trong Giáo hội PGVN tỉnh nhà có trách nhiệm gìn giữ kiến trúc truyền thống, tiếp nhận một số kiến trúc khác để tạo sự mới lạ trong phong cách nhưng không được pha tạp làm thiếu đi bản sắc văn hóa, làm mất đi giá trị của di sản của một ngôi chùa có bề dày lịch sử. Ngoài việc tô đậm vẻ đẹp mỹ thuật Phật giáo bên ngoài nhưng vẫn phải chú trọng nghi lễ và chân truyền Phật pháp tu dưỡng tâm đức, sao cho đời sống tâm hồn chúng sinh được trong sáng hơn, thư thái hơn khi bước vào cổng chùa.
Chùa Lam Sơn đã trải qua bao thăng trầm cùng thời gian, là nhân chứng lịch sử hùng cường với nhiều giai thoại huy hoàng, là nơi gìn giữ bao giá trị thiêng liêng được bảo tổn, nơi ghi dấu ấn vàng son của lịch sử hào hùng, cùng với làng khoa bảng Quỳnh Đôi – quê hương của bà chúa thơ Nôm và những vẻ đẹp của biển Quỳnh thơ mộng vẫn hiên ngang, vững vàng tồn tại và hiện hữu nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Trong bầu không khí hỷ lạc của buổi lễ Lạc thành, đại diện cho nhà chùa đã trân trọng gửi lời cảm ơn lãnh đạo Đảng, Chính quyền, MTTQ các cấp đã giúp đỡ về mọi mặt; cảm ơn tới nhân dân, các nhà hảo tâm, tín đồ Phật tử, cùng các nghệ nhân, các kiến trúc sư, các đội thợ… đã phát tâm công đức và công sức vào công việc kiến tạo, xây dựng thành công các hạng mục công trình trong tổng thể khuôn viên ngôi chùa. Buổi lễ đã thành tựu viên mãn trong niềm hoan hỷ của toàn thể đại chúng.
Xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh của buổi lễ:
Tin/Ảnh: Hồng Nga
Phản hồi