Nét đẹp của người tu tại gia
Đạo Phật không đòi hỏi mọi người đều phải lên chùa để tu, cầu kinh sớm hôm và hàng ngày phải ăn chay khổ hạnh hay buộc phải hoàn toàn cắt đứt tất cả tình thương với người thân, mới gọi là biết tu.
Ý nghĩa của chữ Tu là tu tâm sửa tánh.
Đức Phật dạy: “Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng tâm mình là điều cao quý nhất”.
Khi những vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm đã dứt sạch thì sẽ chế ngự được tham lam, sân hận, si mê. Kết quả thực tế, cũng là phần thưởng cho những cố gắng, nỗ lực không ngừng của người tu tại gia, trước mắt là những chuỗi ngày hạnh phúc, vui vẻ, đầy an lạc.
Một người yếu đuối sợ khó khăn, tâm tánh ích kỷ, thích mơ mộng danh lợi, đòi hỏi nhiều về thú vui vật chất riêng bản thân, muốn “tu tại gia” không dễ dàng thực hiện được. Như làm cha mẹ muốn tu tại gia, vừa trách nhiệm lo miếng cơm manh áo cho gia đình, lại còn phải hộ trì Tam bảo, tu học Phật pháp, niệm Phật, ngồi thiền, tụng kinh, tự soi rọi thanh lọc tâm, không phải ai cũng làm được. Nếu thực hành vẹn toàn được công phu “tu tại gia”, người tu luôn chịu hy sinh rất nhiều cho riêng mình, tâm ý cao thượng khó làm khó thực hiện, nhưng đó chính là môi trường tu tâm dưỡng tánh tuyệt vời nhất.
Người muốn tu, ở hoàn cảnh nào cũng tu được, nếu hiểu được cách tu theo lời Phật dạy, nghĩa là áp dụng từ, bi, hỷ, xả, khoan dung rộng lượng trong đối xử, biết tự kiềm chế thú vui ham muốn vật chất, mạnh dạn hy sinh lợi ích cá nhân, biết xả bỏ ích kỷ nhỏ nhen. Người tu tại gia tự độ và còn có thể độ được cho những người thân trong gia đình và làm tấm gương cho con cháu noi theo. Sống biết đủ, không đòi hỏi nhiều, không bận rộn vào cuộc vui vô nghĩa, người tu tại gia sẽ có rất nhiều thời gian cho việc nghiên tầm kinh điển, tu học để khai sáng trí tuệ, trưởng dưỡng từ bi.
Nét đẹp của người tu tại gia là cuộc sống chân thật hồn nhiên, một nhân cách trong sạch và một tâm Bồ-tát tại gia vô chấp vô phân biệt, không mang hình tướng xuất gia nhưng vẫn có thể thành tựu đạo nghiệp.
Người tu tại gia có thể đem lại cho mình, cho những người thân sự bình yên tuyệt đối trong tâm hồn, sự thoải mái vô cùng qua cung cách cư xử trong từng lời nói, việc làm cũng như ý nghĩ. Đó là ý nghĩa vi diệu tuyệt vời “Xuân trong nét đẹp của người tu tại gia”, ngay từ những điều vô cùng giản dị trong cuộc sống hàng ngày.
Tóm lại, mùa Xuân trong nét đẹp của người tu xuất gia hay tại gia là ở tâm hạnh của Bồ-tát, nhân cách nghiêm tịnh, giới đức khiêm cung. Được gần các “bậc thiện nhân” con người sẽ cảm nhận vô lượng an lạc hạnh phúc, như được hưởng gió mát và ánh nắng ấm áp, đầy đạo vị của những cánh hoa xuân tươi đẹp.
– Trang nghiêm giới hạnh, đó là thân đẹp.
– Ăn ở hiền hòa, thủy chung, đó là nết đẹp.
– Cư xử khiêm hạ, từ tốn, đó là cử chỉ đẹp.
– Giúp đỡ người bị nạn hay đói nghèo, đó là tấm lòng đẹp.
– Hiếu với cha mẹ, kính bậc hiền thánh, đó là tâm hồn đẹp.
– Gặp người đau khổ, sợ hãi, nói lời an ủi, đó là ngôn ngữ đẹp.
– Không khởi tà niệm, luôn chánh trực, đó là ý đẹp.
– Biết độ lượng, bao dung, đó là đức hạnh đẹp.
– Khai mở tâm trí, phá trừ vô minh, đó là trí tuệ đẹp.
– Đạt được giác ngộ và giải thoát, đó là nét đẹp tối thắng.
Mùa xuân tuyệt đẹp với một tâm thức an bình tự tại, người biết tu hãy quay trở về nội tâm, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, trưởng dưỡng tâm từ bi, thấy được Phật tánh không sanh, không diệt của mình, để ngộ ra “ý Xuân vi diệu” này.
Có như vậy, ta mới có thể thanh thản sống ở đời, không tự ti cũng không tự tôn, với cái nhìn tự tại, vô úy giữa muôn sự có không, đúng sai, hơn thua, được mất, vinh nhục.
Ở thế gian tất cả các pháp sanh diệt đều là vô thường.
“Mùa xuân trong nét đẹp người tu” mới thật sự đem lại thân tâm an lạc, phước trí trang nghiêm, tùy tâm mãn nguyện, vạn sự cát tường.
Phản hồi