Nam Định: Lễ Hội đền Trần tại chùa Quần Lạc
PGĐS – “Tháng tám hội Cha, tháng ba hội Mẹ” là câu ca mà những người có tín ngưỡng Tứ Phủ nói chung và người dân Nam Định nói riêng đều biết đến. Nơi đây là vùng đất Địa Linh Nhân Kiệt hội tụ cả đền thờ Đức Thánh Trần và Phủ Thánh Mẫu, nổi tiếng là Đền Trần ở đất Thành Nam, Tp Nam Định và Mẫu Liễu Hạnh ở đất Phủ Dầy huyện Vụ Bản.
Theo tín ngưỡng đó cho nên hầu hết các đền, chùa ở khắp cả tỉnh Nam Định đều thờ bóng vọng hai bậc Thánh nhân đây. Khu quần thể Đình, Đền, Chùa Quần Lạc xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cũng không ngoài khuôn khổ tín ngưỡng đó. Hôm nay ngày 16 tháng 8 năm Quý Mão, tại đền Trần thôn Quần Lạc xã Nghĩa Phong long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 723 năm ngày mất của vị anh hùng Dân tộc Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với các nghi thức dâng hương tưởng niệm của các ban ngành đoàn thể lãnh đạo Chính quyền địa phương, các đoàn hội, các tập thể cá nhân, đồng thời có lễ Tế Thánh và lễ rước kiệu quanh nội tự.
Đoàn rước bao gồm các đoàn hội: đi đầu là đoàn nhạc rước, tiếp theo là Phật tử kéo Cầu Kiều, đoàn Chấp Kích Bát Biểu của đội tế Đạo quan, tiếp theo là Phương trượng trụ trì, kiệu Phật, kiệu Bát Cống, kiệu Long Đình (kiệu Thánh) và kiệu Mẫu cuối cùng là các đoàn hội các Phật tử và nhân dân. Một điều hết sức thiêng liêng ở chỗ là khi đi rước các kiệu đều giáng và quay như khi ra trận với khí thế hào hùng bất khuất như “Hào Khí Đông A” vang danh sử sách xưa mà nay được tái hiện lại. Có người lại nghĩ đó là do có sự sắp xếp nên vào khiêng thử xem sao nhưng khi vào rồi cũng đều bị quay như chong chóng, có lúc còn bị văng ra khỏi kiệu hoặc bay xuống sông, xuống ruộng, nhưng người không bị thương tích gì. Đó mới là hiện tượng kỳ lạ không ai có thể lý giải được.
Việc duy trì tín ngưỡng Thánh – Mẫu và tổ chức các lễ hội truyền thống chính là sự kết nối tâm linh trong cộng đồng đời sống con người, giúp con người trở về với lịch sử hào hùng của Dân tộc để tiếp bước cha ông, đồng thời quay về với thiện lương. Nếu như ai đã có lòng mộ Đạo thì lại càng tin tưởng và nâng cao đời sống tâm linh của mình để tu tập theo lời dạy của Phật, còn ai đó tính tình còn đang ngang ngược thì được ông bà cha mẹ đưa về cửa Thánh, ở đó họ như được bảo hộ, họ như được trở về với từ tâm, giúp họ có ân có đức và dần dần thay đổi tâm tính của mình. Chính vì sự hài hoà trong tín ngưỡng thờ Thánh mà trước đây Phật giáo chỉ dành cho các cụ bà cao tuổi thì nay Phật giáo nơi đây lại được sự sùng tín của cả các cụ, các ông, các chú bác, cô dì và cả các cháu thanh thiếu niên đều biết đến chùa để tu tập nhân các khoá lễ và khoá tu mùa hè. Đây mới chính là đời sống đạo của một con người đang bước dần vào ngôi nhà Phật Pháp để tăng trưởng thiện lương một cách tốt đẹp nhất.
Một số hình ảnh tại lễ hội:
Huệ Từ
Phản hồi