Muôn vẻ phong tục đón Tết Nguyên đán của các nước châu Á
Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch) là ngày lễ vô cùng quan trọng của dân châu Á với nhiều truyền thống khác nhau ở các nước.
Dù có điểm tương tự hay không thì mỗi quốc gia châu Á đều có cách mừng năm mới mang đậm bản sắc dân tộc.
Trung Quốc
Từ ngày 8 – 12 âm lịch, những người con của đất nước tỷ dân nô nức về quê ăn Tết, mãi cho đến hết ngày 15/1 Âm lịch mới được xem là hết lễ. Đỏ là màu sắc chủ đạo trong kỳ nghỉ lễ dài nhất năm của người Trung Quốc.
Tết đến, họ trang trí nhà cửa bằng những biểu tượng may mắn màu đỏ như câu đối, đèn lồng và pháo. Cũng tương tự Việt Nam, các gia đình Trung Quốc thường quây quần bên nhau để làm mâm cơm cúng tổ tiên. Ngày đầu năm mới, trẻ em và người chưa lập gia đình trong nhà sẽ được lì xì.
Hàn Quốc
Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc còn được gọi là Seollal, kéo dài 3 ngày. Ngoài tỏ lòng hiếu kính tổ tiên, người Hàn Quốc còn giữ nét đẹp mặc hanbok, ăn các món truyền thống và chơi trò chơi dân gian.
Hong Kong (Trung Quốc)
Vốn mang vẻ đẹp hoà trộn Đông – Tây, cách người Hong Kong đón Tết cũng mang đậm bản sắc ấy. Hội chợ hoa mừng năm mới của họ kéo dài từ ngày 25 đến 30 Tết âm lịch. Cảng Tsim Sha Tsui là địa điểm tụ hội được yêu thích dịp đầu năm với nhiều màn trình diễn độc đáo. Mùng 2 Tết là dịp người Hong Kong đến thăm cảng Victoria để xem màn biểu diễn pháo hoa hoành tráng dài 20 phút.
Singapore
Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay là 3 sự kiện làm nên “thương hiệu” có một không hai của Tết Nguyên đán ở Singapore. Lễ hội Đường phố Chingay, bắt đầu ở khu vực Vịnh Marina, là hoạt động nổi bật nhất với đoàn diễu hành trên phố.
Các nước khác
Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng có sự tương đồng trong phong tục đón Tết, chẳng hạn như dọn dẹp nhà cửa (Mông Cổ, Bhutan), đi chùa (Indonesia, Philippines).
Song Long
Nguồn: https://saostar.vn/the-gioi/muon-ve-phong-tuc-don-tet-nguyen-dan-cua-cac-nuoc-chau-a-202201310949171786.html
Phản hồi