Mùa Vu Lan thứ 10 con vắng cha!
Ba ơi! Hôm nay ngày rằm tháng bảy, cái ngày mà tu sĩ chúng con hạnh phúc được thêm một tuổi, cũng là ngày mà chúng con suy niệm về hình ảnh của cha mẹ nhiều nhất!
Hôm nay, con vừa tạm ổn về bài thi cuối kì IV, gọi là tạm ổn vì còn chỉnh sửa chính tả đó Ba. Trong tâm con lại ùa về kí ức về hai đấng sanh thành, bao nhiêu cảm xúc cứ nghèn nghẹn, hối thúc con phải đặt bút viết ngay, con vội xếp lại trang sách đọc dỡ, vội lưu lại bài viết vừa xong, con vội vào mở file mới, rồi vội gõ thật nhanh hết những gì trong con đang suy nghĩ. Hiếm khi con viết về Ba về Mẹ, vì con sợ con không thể kiềm lòng mà òa khóc như một đứa trẻ, trở nên yếu lòng, nhưng có nỗi sợ hơn thế nữa là vì con sợ…, con sợ chậm một tí là những cảm xúc ấy không còn nguyên vẹn, chậm một chút là hình ảnh Ba lại nhạt nhòa trong tâm trí con…, như cái ngày ấy, chậm trể một chút của con năm ấy mà con không thể nhìn thấy Ba lần cuối, ngày mà Ba đi mãi… đi mãi không về. Bao nhiêu năm, dù 10, 20 hay 40-50 năm… đi nữa thì hình bóng Ba vẫn hằng sâu trong con.
Nếu ai đó bảo rằng “Tình Mẹ bao la như biển Thái Bình” thì “Công Cha cũng tựa núi Thái Sơn”. Nếu Mẹ chọn cách rầy la, đánh đồn để dạy con, thì Cha lại chọn cách im lặng, trầm ngâm nhưng khẽ tới gần con vỗ về.
Con vẫn nhớ mãi cái lúc mới lên 4 lên 5, hai chị em con theo ba ra rẫy, ba vừa thu đậu phộng vừa canh giữ chị em con, để mẹ tiện bề đi buôn bán lo cho gia đình. Thời gian đó, gia đình mình hơi khó khăn vì mới chuyển nhà và ba đang bị bệnh. Rồi sao con có thể quên, lúc con thi cuối cấp tiểu học, vẫn là ba, là người đèo con đến trường cho kịp giờ thi trên chiếc xe đạp cộc kệch, khi nghe tiếng trống báo hiệu vào phòng thi ánh mắt Ba lại lóe lên nỗi lo lắng nhưng vẫn ra dấu hiệu cho con rằng “cố lên con”. Trong khoảng thời gian đang trong giờ thi Ba cứ đứng ngoài cửa sổ ngó vào xem con làm bài thế nào. Hết giờ thì, con vừa bước ra khỏi phòng thi, dáng Ba đã đứng trước mặt. Ba cho con mấy đồng lẻ Ba chắt chiu được nói “con muốn ăn chi ra mua đi”, Ba sợ con không được như mấy đứa trẻ đồng trang lứa mag tủi thân. Trẻ con nào biết gì, cha cho tiền ăn bánh, con mừng nhảy chân sáo ra mua món đồ ăn mình thích nhưng không quên mua cho Ba gói Yaourt… thế rồi cái ngày tốt nghiệp cuối cấp cũng qua, con nhập học cấp hai.
Ngày bé con nghịch ngợm như một đứa con trai, trò gì của con trai chơi con chơi hết: leo cây, bắn ná… có khi leo cây té toét đầu chảy máu, cũng vừa khóc vừa chạy về kêu Ba chứ không dám gọi mẹ. Ba không một lời la mắng, gương mặt biến sắc hiện rõ vẻ lo lắng, rồi tìm đồ đắp để cầm máu cho con. Lúc con đau răng, khóc suốt ngày suốt đêm, đi khám Bác sĩ bảo phải nhổ, lại lần nữa Ba chở con đi trong lo lắng. Khi đi không kịp ăn sáng, tới bác sĩ bảo phải cho con uống sữa hay ăn gì lót dạ mới nhổ được, vậy là Ba vội đi mua cho con hộp sữa bảo “uống đi con, Uống rồi bác sĩ nhổ là về hết đau”, khi nói ba vẫn không quên lấy tay vút đầu con trẻ an ủi. Khi bác sĩ bắt đầu khám chuẩn bị nhổ, ba đứng bên nói “ráng chịu đau xíu thôi, không sao đâu con”. Khi đó, con nhìn thấy trong mắt Ba ứng đọng dòng nước mắt. Con cảm nhận được Ba đang xót cho con của Ba.
Ấy vậy thời gian cứ trôi đi, đến lứa tuổi trưởng thành đủ hiểu biết, con lại chọn cho mình hướng đi riêng không giống ai trong dòng họ nhà mình. Con chọn rời xa gia đình, rời xa Ba mẹ và các em đi về chốn Thiền môn. Chẳng Ba mẹ nào đồng ý cho con mình xuất gia cả, ba mẹ con cũng không ngoại lệ. Vậy rồi chí xuất trần quá mạnh con trốn Ba mẹ vào chùa với một bộ đồ vạt khách trên người, trên tay cầm một bó hoa. Từ ngày ấy, con tu học cho đến bây giờ. Ngày Ba mẹ biết con vào chùa ba mẹ buồn vô kể. Mỗi khi con nhớ nhà, con gọi về Ba mẹ cho vơi bớt nỗi nhớ, vừa khóc nghẹn vừa nói với Ba “con nhớ nhà, con nhớ Ba”. Ba nói “nhớ nhà thì về với ba nè, Ba có biểu con đi đâu, về đi con”. Nhưng khi đó sao lạ… nhớ nhà, nhớ ba mẹ nhiều lắm nhưng lại không muốn về, chỉ muốn ở chùa.
Vậy rồi thời gian cứ thế trôi đi, con xuất gia, giới pháp vuông tròn, là lúc tuổi cha mẹ cũng không còn trẻ, khỏe nữa. Rồi duyên gì đến cũng đã đến, cái ngày Ba đi mãi mãi không về. Ngày xưa, ba đi đâu cũng có chị em con hoặc mẹ đi cùng, những chuyến đi này ba đi một mình, và cứ thế ba đi mãi… Lòng con lịm đi, bâng quơ với câu gọi của Sư cô ngay sau khi con đi học về tới chùa tầm 15 phút “Lộc ơi, sắp xếp đồ về nhà con, Ba con mất rồi”. Chén cơm con bưng trên tay, muỗng cơm còn chưa trọn, con tưởng chừng không gian xung quanh như sập xuống, hai tai ù hết cả, cảm giác trống trải, hụt hẫng vô cùng, con không tin đó là thật. Lúc đó, con không biết mình phải làm gì lúc đó nữa, cứ đi tới đi lui, chạy đi tìm sư phụ, khóc không thành tiếng. Quý sư huynh phải sắp xếp đồ để con về kịp giờ tiễn Ba. Bây giờ ngồi nhớ lại, con vẫn không dám tin, không dám nhớ nghĩ về cảm giác của ngày ấy…
Con vẫn con nhớ mãi, cái ngày con về thăm Ba đó, cũng là lần cuối con được nhìn thấy ba. Ngày con về thăm Ba hơn hai tháng trước khi Ba mất. Ngày ấy, con đang là chú tiểu, tuổi hành điệu nên Sư phụ không cho dùng điện thoại, gia đình có gì thì liên lạc qua số điện thoại của chùa. Hôm ấy, con nhận được cuộc gọi của mẹ, đầu tiên mẹ hỏi thăm sức khỏe, việc học hành… rồi mẹ nói “lâu rồi con không về thăm nhà, hay con xin về thăm nhà đi”. Nhưng ngày đó mới xuất gia, Sư phụ sợ tuổi nhỏ mới xuất gia quyến luyến gia đình, Người không cho về, ai xuất gia cũng phải 2-3 năm mới được về thăm nhà và con cũng như thế. Nghe má nói nỗi nhớ nhà trong con lại sống dậy. Con chưa kịp nói gì, má lại nói tiếp “Ba con bữa giờ bệnh không ăn uống chi được, ông nói ông nhớ Mi đó bé!”. Nghe đến đây con không tài nào cầm được nước mắt, thế là những giọt nước mắt lớn nhỏ, ngắn dài cứ thế mà tuôn chảy, con lại khóc như chưa từng được khóc. Điều gì đó hối thúc con phải thưa Sư Phụ và xin Sư Phụ về liền; vậy rồi, Sư phụ cho con về Ba ngày, cả ngày đi cả ngày về.
Vì đi xe đêm nên sáng về đến nhà, sáng ra, Ba đã đi làm, trưa trưa Ba về đang đi xa xa ngoài cổng, nhưng thấy con Ba vội đưa tay lên vẫy, con cũng vội đi gần tới ôm ba, ba không nói câu nào, Ba chỉ cười thật tươi, nhìn Ba vui lòng con cũng vui lây. Niềm vui chưa thấm thoát rồi thì cũng hết hạn phép, con lại sắp xếp để về lại chùa. Ánh mắt đượm buồn của Ba khi tiễn con lên xe, con nhìn mà thắt lòng. Ngày con về Ba cũng không nói câu nào, ngày con đi Ba cũng không nói câu nào, Ba chỉ đứng đó nhìn con bước lên xe, nhìn dáng dóc của Ba, đôi chân con nặng trĩu không thể nhấc được lên thành xe. Con vội quay người chạy lại ôm Ba và nói “con đi nghe, ba ở nhà khỏe, vài bữa còn về thăm ba nữa, chừ thì Ba vô nhà đi, con đi nha”, vẫn là cái xoa đầu và ba chỉ nói “ừ”. Vậy rồi con phải lên xe, trong lòng vẫn còn nghẹn vội mở điện thoại gọi về để nghe tiếng Ba xí nữa, đâu ngờ bất giác con nghe Ba đang khóc, nhưng Ba giấu con rằng “Ba không khóc”, “con đi vô đó tu học tốt nghe, tết về thăm ba”… rồi đâu ai biết được đây là lần cuối cùng còn nhìn thấy Ba, là cái xoa đầu cuối cùng, là cái ôm cuối cùng mà con không còn có được nữa…
Sau này, lễ 21 ngày của Ba có vài người bạn và các cậu họ hàng xa về thắp nhang cho Ba. Mọi người gặp con hỏi thăm, rồi lồng vào đó là câu chuyện về Ba, cậu nói “Ba con thương con lắm bé, ông nhớ con đi uống rượu suốt. Bữa hổm, ông xỉn có mượn điện thoại Cậu để gọi cho con, cậu đưa điện thoại cho ông mà ông cầm hoài, không gọi, rồi cậu hỏi sao ông không gọi cho con bé đi”, ông nói “tui không biết số của nó”, “Tội… thương ông lắm!!!” nghe đến đây, lòng con tan nát, đau như xé ruột xé gan… nhưng giờ có muốn không thể thay đổi gì được nữa rồi, bắt buộc con phải tin rằng “Ba đã đi rồi, đi về thế giới bên kia rồi…”.
Từ bé đến lớn Ba chưa bao giờ đánh con một đồn roi nào hay rầy la con lần nào, nếu con có bị Mẹ la rầy quở trách, đanh đồn, con lại hướng mắt về phía Ba, chỉ cần nhìn ánh mắt và cử chỉ của Ba là con cảm nhận Ba đang an ủi con, cái xoa đầu của cha cũng khiến con yên lòng hạnh phúc đến lạ. Khi trong người có vài ba đồng bạc lẻ, Ba cũng vội vàng dúi vào tay con cho con ăn quà bánh. Bởi vậy chẳng sai khi đâu đó người ta nói “Con gái là người tình kiếp trước của Cha”. Ba tôi là thế, chẳng nói nhiều, chẳng đánh đòn con cái, cũng chẳng thổ lộ yêu thương. Nhưng Ba luôn là người âm thầm lo lắng, yêu thương con vô điều kiện.
Vậy là 11 năm con xuất gia cửa Phật, 10 năm Ba bỏ con đi mãi… 10 mùa Vu lan con vắng Ba, con cũng không còn được gọi hai tiếng “Ba ơi!” nữa, hay mỗi lần gọi về cho mẹ lại hỏi “Ba đâu má?” nữa. Chăng có còn cũng chỉ vài câu bâng quơ, tự mình con tâm sự với Ba trong khoảng không vậy thôi!!!
Một bất hạnh trong những bất hạnh lớn nhất đời con là “hơn hai mươi năm con không có một tấm ảnh chung nào với với Ba cả”. Nhưng Ba ơi! Tận trong tâm khảm con, gương mặt hiền hiền của Ba, nụ cười hiền của Ba, dáng vóc hao gầy, đầu tóc vài sợi bạc lưa thưa của Ba… chưa hề phai nhòa đi trong con. Con gái Ba nay đã lớn rồi! té có thể tự đứng lên được rồi, đau cũng tự xoa dịu được rồi, khóc cũng tự lau nước mắt được rồi, không để tèm nhem như lúc bé đợi Ba lau nữa…
Hai tiếng “Ba ơi!” thấy đơn giản, dễ gọi nhưng sao đối với những đứa con mất Cha như con lại khó đến vậy, thèm khát hai tiếng “Ba ơi” đến đau lòng Ba ơi! Vu Lan này con vắng Ba, và những Vu Lan sau này cũng thế!!!
Con đường con chọn, con đang đi bình an lắm Ba à! Và con đang sống cuộc đời có Ba nữa, Ba à! Ba ở bên đó an lòng Ba nhé! Các con của Ba nay đã lớn rồi.
Con thương và nhớ Ba nhiều lắm!
Con Gái của Ba.
SG, 15/07/ Tân Sửu.
Mặc Tử
Phản hồi