Một ý kiến về nội dung thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang
Mạng xã hội đang “nóng” về những nội dung thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang, Phó trưởng ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN, trụ trì chùa Phật Quang (BR-VT).
Nội dung của chia sẻ này là tuyên bố về quả xấu của hát karaoke, tuổi trẻ đi du lịch, hay nằm võng… cùng nhiều nội dung gây ra phản ứng trái chiều. Đây không phải lần đầu Thượng tọa Thích Chân Quang vấp phải những phản ứng gay gắt như vậy.
Nhiều fanpage, hội nhóm liên tục chia sẻ về phát ngôn về nhân-quả trong các bài giảng kèm hình ảnh của Thượng tọa Thích Chân Quang, nhận về lượt tương tác lớn. Bên cạnh đó, cũng có những hội, nhóm và cá nhân khác có các bài viết bảo vệ Thượng tọa Thích Chân Quang, cho rằng “truyền thông bẩn” đã ác ý cắt ghép bài giảng, tấn công “bậc chân tu”.
Ngay trên Fanpage của Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng bị hàng trăm nickname nhắn tin, bình luận yêu cầu gỡ bài đăng “Những tranh cãi liên quan đến một số nội dung thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang”.
Như Phatgiao.org.vn thông tin, để rộng đường dư luận, sẽ tiếp tục đăng tải các ý kiến xoay quanh tranh cãi nói trên. Sau đây là trò chuyện của CTV Phatgiao.org.vn với Đại đức Thích Tuệ Minh, Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư GHPGVN.
* Quan điểm của thầy như thế nào về những bài thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang xoay quanh luật nhân quả, lý giải một cách dễ gây hiểu nhầm mà những ngày qua nhiều cá nhân chia sẻ trên các trang mạng xã hội?
– Đại đức Thích Tuệ Minh: Mỗi người tiếp cận với Phật pháp một cách khác nhau, nhưng điều quý giá hơn cả là trong sâu thẳm mỗi người học Phật đều nặng tình yêu thương con người và mong muốn làm cho các thế hệ Phật tử, đặc biệt là luôn mong cho thế hệ tương lai là giới trẻ sẽ sống tử tế hơn, khôn lớn hơn, trưởng thành hơn để chung tay làm cho xã hội văn minh hơn, đất nước giàu đẹp hơn, đạo pháp ngày càng hưng vượng hơn.
Đó chính là điều mà người xuất gia tu Phật tự hào nhất về việc làm của mình. Tôi nghĩ, đó cũng chính là điều mà Thượng toạ Thích Chân Quang tâm niệm, vì thầy cũng là tu sĩ. Về những điều mà mọi người chia sẻ trên mạng xã hội, xung quanh các kiến giải của Thượng toạ về Luật Nhân quả, cá nhân tôi có một vài suy nghĩ như sau:
Trước tiên cần phải nói, biển Phật pháp mênh mông, nhưng kiến giải của mỗi người lại mang tính tương đối, không bất biến, không đồng nhất nên hệ giá trị sẽ tồn tại ở nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau. Có giá trị mang tính chung, tính phổ quát, có giá trị mang tính riêng, tính đặc thù theo cá nhân. Có giá trị tồn tại trong một không gian rộng, một thời gian dài với số đông người lựa chọn nhưng cũng có giá trị lại chỉ tồn tại trong một không gian hẹp, một thời gian ngắn với chỉ một nhóm người lựa chọn.
Quan điểm về Luật Nhân quả theo Thượng toạ Thích Chân Quang đưa ra cũng giống như thế. Theo đó, sẽ có người cảm thấy phù hợp và người cảm thấy chưa phù hợp. Khi chưa phù hợp thì chắc chắn sẽ có những phản biện gây ra những ý kiến trái chiều và tạo thành drama kiểu như bị sốc vì không giống cái mình hiểu trước đây! Còn phù hợp thì ra sức bảo vệ như bạn thấy trên mạng cũng như phản hồi về Phatgiao.org.vn.
Thứ nữa, mỗi cá nhân có thể lựa chọn giá trị hay chính là lựa chọn phương châm sống, triết lý sống cho mình hoàn toàn khác với cá nhân khác hoặc khác với số đông. Do vậy, những cái ta biết chưa phải là người khác đã biết và biết đúng và ngược lại. Bởi vì mọi thứ đều mang tính tương đối nên sẽ có giá trị riêng. Vì thế, khi nhìn nhận, đánh giá về bất cứ một giá trị nào cũng cần đặt nó trong bối cảnh được trả lời mà trong nhà Phật gọi là Khế Lý, Khế Cơ, Khê Thời, Khế Xứ.
Tôi được biết một vài quan điểm của Thượng toạ Thích Chân Quang về việc hát karaoke, nằm võng, thờ Phật ở chung cư, đeo Phật trên người, đi du lịch… là những điều mà mọi người quan tâm nhiều nhất. Quan điểm của tôi, nếu đã quan tâm thì hãy nên một lần nghe trọn buổi nói chuyện đó để biết được rằng Thượng toạ đang hướng đến đối tượng nào? Đa phần cộng đồng chỉ được xem qua một vài hình ảnh, video được cắt ra trong vài phút ngắn ngủi qua mạng xã hội thì thật khó có thể hiểu được dụng tâm của người muốn truyền đạt.
* Có ý kiến cho rằng, những nội dung trong các bài giảng của Thượng tọa Chân Quang về nhân quả không đúng với giáo lý nhà Phật?
– Giáo lý nhà Phật hay còn gọi là Pháp, được ví như thuốc trị bệnh cho chúng sinh, nên không phải thuần có một loại mà ngôn ngữ nhà Phật thường đề cập gọi là 84.000 pháp môn. Cho nên nói đúng hay chưa đúng thì bản thân tôi chưa dám bàn tới. Nhưng tôi chắc chắn một điều, trong ngần ấy năm trời hoằng pháp, trong vai trò một vị giảng sư của Phật giáo, Thượng toạ Thích Chân Quang đã vận dụng thiện xảo phù hợp, chí ít là một trong 84.000 pháp môn để dẫn dắt mọi người vào Đạo.
Đây là lý do Thượng toạ Thích Chân Quang và chùa Thiền Tôn Phật Quang quy tụ nhân tâm vô cùng đông đảo như vậy!
* Đại đức có nghe và cảm nhận như thế nào về những bài thuyết giảng của Thượng tọa Chân Quang?
– Thượng toạ Thích Chân Quang là bậc tôn túc mà bản thân tôi luôn có một vị trí rất đặc biệt trong sự quý kính kể từ khi bước chân vào cửa Phật. Nhưng thực tình, bản thân tôi lại rất ít nghe những bài thuyết giảng của Thượng toạ. Chỉ là những lần tham dự các sự kiện của Phật giáo mà trong đó cũng có sự chứng minh của Thượng toạ, tôi được nghe phát biểu, chia sẻ của Thượng toạ trong khuôn khổ buổi lễ đó.
Dù ít ỏi, nhưng tôi hiểu được rằng, đây là một trong số rất ít vị thầy có sự đau đáu trước sự tồn vong của Phật pháp. Có lẽ vì tâm niệm đó mà thầy rất hay định hướng cho Tăng Ni, Phật tử hữu duyên với mình dù trên con đường tu hành, hoằng pháp dẫu gặp nhiều thử thách khó khăn cũng phải quyết một lòng với Đạo, không thối chuyển, đoàn kết lại mới tạo thành sức mạnh để vượt qua các chướng ngại đó. Theo chúng tôi, đây chính là một tư duy chân chính, một lý tưởng cao đẹp mà trên từ Đức Phật, xuống đến các bậc Tổ sư tiền bối trong Phật giáo cũng đều đề cao.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta đang đổi mới theo hướng hiện đại và hội nhập sâu rộng, phấn đấu trở thành nước phát triển, thì chắc chắn Phật giáo cũng không thể nằm ngoài sự vận động này. Mặc dù trong tự thân của Phật giáo đã vốn bao hàm nguyên lý “tuỳ duyên bất biến – bất biến tuỳ duyên”, nhưng trong quá trình tương tác với xã hội, tự nhiên sẽ có những đổi thay nhất định. Theo đó, cũng cần đội ngũ giảng sư chuẩn mực về nền tảng các giá trị văn hoá, tâm linh, đạo đức để hướng dẫn tín đồ Phật tử ngày càng đồng bộ hơn trong nhận thức và sự tu tập của mình!
* Theo Đại đức các chùa mời giảng sư thuyết giảng tại khóa tu thì những bài giảng đó có cần được Ban Hoằng pháp Trung ương hoặc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương… kiểm duyệt trước khi phát hành rộng rãi trên mạng?
– Điều mà mọi người quan tâm, chắc chắn các bậc lãnh đạo trong Giáo hội và lãnh đạo Ban Hoằng pháp T.Ư cũng rất ưu tư.
Tôi nhớ trong buổi tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM) vào cuối năm 2023, Hòa thượng Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư Thích Bảo Nghiêm đã nhắc lại một cách nhấn mạnh đến 5 nguyên tắc hoằng pháp mà trước đó Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã dành cho Ban Hoằng pháp để làm kim chỉ nam ứng dụng cho Phật sự hoằng pháp, gồm: “Thân tâm hoằng pháp, phương tiện hoằng pháp, đối tượng hoằng pháp, môi trường hoằng pháp, thời đại hoằng pháp”.
Cho nên đã là thành viên của Ban Hoằng pháp T.Ư và là giảng sư được đào tạo qua các khoá học bài bản thì chắc chắn sẽ là những vị có đầy đủ các yếu tố cương lĩnh để có thể truyền đạt và làm lan toả những giá trị của nhà Phật đến quần chúng nhân dân, Phật tử. Tôi nghĩ, các bậc trụ trì của các ngôi chùa trên cả nước cũng sẽ ý thức rất rõ điều này mỗi khi cần thỉnh giảng sư về bản tự để giảng pháp.
Xin cảm ơn Đại đức!
Hữu Tình thực hiện
Phản hồi