Một ngôi chùa cổ được phát hiện tại Pakistan
Các nhà khảo cổ học người Ý và một nhóm người Pakistan mới đây đã phát hiện và khai quật được một ngôi chùa cổ có niên đại khoảng 2.300 năm ở quận Swat, thuộc miền Tây bắc của Pakistan.
Cuộc khai quật này được thực hiện tại Bazira, một khu vực được mệnh danh là Thế giới Cổ đại và Truyền thống nằm trong thị trấn Barikot ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Những tàn tích còn lại của ngôi cổ tự này thậm chí còn lâu đời hơn những cổ vật trước đó được phát hiện ở Taxila, một khu vực chứa nhiều di tích Phật giáo nổi tiếng ở Pakistan. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một tượng Phật cao 4 mét và được bảo quản khá tốt. Ngoài ra, họ còn tìm thấy một đại lộ, dường như đây là một con đường của phố cổ Bazira dẫn đến cánh cổng ra vào của thành phố.
Di tích này đã được khám phá bởi các nhà khảo cổ học đến từ Đại học Ca’Foscari và Phái đoàn Khảo cổ học người Ý tại Pakistan (MAIP), phối hợp với Sở Khảo cổ và Bảo tàng của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Được thành lập bởi Giuseppe Tucci, một học giả nổi tiếng chuyên về Phật học, MAIP đã khai quật các di tích cổ của thị trấn Bazira từ năm 1984. Ngoài ra, MAIP đã khởi động “mùa khai quật” vào tháng 11-2021 và sẽ tiếp tục cho đến cuối của tháng 12-2021.
Giáo sư Luca M. Olivier, giám đốc của phái đoàn MAIP, cho biết niên đại của các nền móng của ngôi chùa trùng khớp với thời kỳ Mauryan (322-185 trước Tây lịch). “Đây thực sự là một phát hiện rất quan trọng, vì nó chứng tỏ sự tồn tại của một dạng kỹ thuật mới trong công trình kiến trúc Phật giáo Gandhara. Với dạng kiến trúc như thế này, chúng tôi chỉ biết đến một ngôi đền thờ tại thành phố Sirkap ở Taxila. Tuy nhiên, ngôi chùa cổ ở Bazira vừa được khai quật là một di tích cổ nhất và điển hình cho lối kiến trúc này tại Pakistan”, ông chia sẻ.
Đã từng là một phần của nền văn minh Gandhara, khu vực Bazira đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo đến khắp Trung Á, cũng như sự ươm mầm cho nghệ thuật và các biểu tượng của Phật giáo.
Những tàn tích vừa được khai quật không chỉ cho thấy rằng Bazira đã tiếp đón những người gốc Ấn – Hy Lạp muộn nhất là vào thời của vua Menander I Soter (165/155-130 trước Tây lịch), một vị lãnh đạo đất nước rất nổi tiếng với việc ủng hộ Phật giáo, mà còn chứng minh rằng các tín đồ của Phật giáo đã tạo nên một sức ảnh hưởng lớn tại Bazira kể từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Đây có lẽ là thời kỳ mà Phật giáo Bazira bước vào thời kỳ thịnh hành và phát triển thực sự.
Theo các nhà khảo cổ học, cho đến thứ kỷ thứ III – IV sau Tây lịch, trung tâm Phật giáo Bazira đã phát triển rất mạnh mẽ cho đến khi trở nên hoang tàn sau một trận động đất dữ dội dưới thời trị vì của các vị vua Kushans, một triều đại Trung Á có nhiều vị hoàng đế nổi tiếng ủng hộ và thực hành theo Phật giáo như vua Kanishka (78-144 sau Tây lịch) và Huvishka (150-180 sau Tây lịch).
Thật không may, các nhóm khai quật bất hợp pháp đã cướp phá địa điểm từ năm 2008 đến năm 2010. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học như Tiến sĩ Abdul Samad Khan, trưởng nhóm khảo cổ học Pakistan, tin rằng chỉ mới 5% địa điểm bị ảnh hưởng do các hoạt động bất hợp pháp này, phần lớn khu phức hợp Gandhara vẫn còn đang được khám phá và có khả năng sẽ lưu giữ những bí mật quan trọng hơn về thời kỳ Ấn – Hy Lạp ở Pakistan.
Phản hồi