Mình tới chùa mà còn để bụng giận hờn làm chi
Khi hiểu được hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm tôi mới nhận ra cơn phiền giận thế gian càng lúc càng giống một cái bình đầy ứ, điều cần làm ngay là tìm chỗ trút bớt để nó khỏi bị tràn lung tung.
Gần mười lăm năm kể từ lúc học xong phổ thông cho đến khi trở thành phóng viên rồi thư ký tòa soạn báo…, trên đường tìm cầu học hỏi của tôi luôn có sự đồng hành thầm lặng của má.
Tôi đi học nơi này nơi kia và tuổi trẻ nhiệt tình làm Phật sự, nhiều khi không nhờ được người coi ngó thì tôi đóng cửa Niệm Phật Đường mà đi công việc luôn.
Mỗi lần từ quê lên thành phố thăm con, thấy cảnh tôi một mình, xay lúa thì không bồng em mà bồng em thì không thể xay lúa, má thương tôi nên thường ở lại vài ba tháng để phụ giúp. Niệm Phật Đường nhỏ hẹp nên việc cơm nước lau dọn hàng ngày không mất công lắm, nhưng nhờ có sự có mặt của má mà Niệm Phật Đường được tươm tất sáng sủa và thường xuyên mở cửa chào đón Phật tử gần xa, khách đến thăm luôn có bình trà gừng ấm nóng chào mời và có má thắp sẵn cây nhang đưa cho khách lễ Phật.
Má còn kiêm luôn công việc “quản lý”. Phật tử tới, không thấy trụ trì đâu mà có cụ già giữ chùa tiếp đón thì họ cũng vui lòng, đã có người để mà hỏi han trò chuyện. Má giải thích rõ ràng là tôi bận việc Phật sự ở chỗ này, chỗ kia để Phật tử biết mà thông cảm chứ không phải nghe người này nói này người khác nói khác, suy diễn lung tung để rồi giận mà bỏ chùa không thèm tới nữa, vì chùa mà không có tăng thì tới làm chi! Ngược lại, khi biết tôi nhiệt tình tham gia Phật sự, họ thương mến mà càng năng lui tới và còn hỗ trợ cho tôi được thuận tiện công việc hơn.
Có những người nhiệt tình công quả nhưng tính cách hơi khó chịu nên thường gây hờn giận lục đục trách móc nhau, người này méc má chuyện này, người kia méc má chuyện kia, ai cũng cho mình đúng! Với má tôi thì ai cũng như nhau, khi xảy chuyện giận dỗi cãi cọ má không khen bên này không chê bên kia, không nghiêng về bên nào không phán xét ai đúng ai sai, má lắng nghe họ xổ ra cho nhẹ rồi má nói: “Mình tới chùa mà còn để bụng giận hờn làm chi.” Câu nói xuề xòa giảng hòa của má như một lời nhắc nhở nhẹ mà thấm thía, ờ, tới chùa mà còn sân si thì đâu phải là…
Khi hiểu được hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm tôi mới nhận ra cơn phiền giận thế gian càng lúc càng giống một cái bình đầy ứ, điều cần làm ngay là tìm chỗ trút bớt để nó khỏi bị tràn lung tung. Trong tâm trạng phiền muộn bực tức ai cũng cần có chỗ để xả, vậy nên điều quan trọng là có người lắng nghe cơn giận nói thì cũng đã giúp cho nỗi phiền muộn bực tức vơi đi rất nhiều.
Má tôi chỉ vì thương con mà có mặt để giúp đỡ con mình, vì thương tôi mà má có mặt ở Niệm Phật Đường Nguyên Hương, rồi thì má thành ra là nơi để mọi người trút xả nỗi niềm! Má kiên nhẫn lắng nghe. Má chỉ lắng nghe thôi, như lời giảng của thầy Nhất Hạnh trong Sám Địa Xúc: “Lắng nghe với tâm không phân biệt và không phán xét.”
Riết rồi mấy bà mấy cô ai cũng thủ thỉ tâm sự với má chuyện này chuyện kia, cả chuyện gia đình chuyện riêng tư… Niềm đau nỗi khổ, có một nơi để thổ lộ thì cũng giúp người ta nhẹ lòng, phải không vậy? Có những khi tôi đi công việc về, thấy má và một cô ngồi bên nhau, cô ấy đứng lên cúi đầu chào tôi rồi thì lại ngồi xuống với má, tiếp tục thì thầm, còn má thì thỉnh thoảng gật đầu, tay má ngoáy trầu. Có khi cô ấy khóc, má đứng lên đi lấy cái khăn vò ướt đem tới và nói: “Lau nước mắt đi con”.
Sự có mặt của má giúp cho không khí an hòa hơn rất nhiều, mọi người ứng xử với nhau ít gút mắc hơn, nhẹ nhàng hơn… Tôi đi công việc về thì mọi điều đã đâu vào đó, tôi không rơi vào tình cảnh phải phân tâm vì việc này việc kia, tôi toàn tâm đọc kinh sách và làm công việc của mình là viết tin viết bài cho báo. Những buổi tối tôi đọc tới khuya buồn ngủ quá nên kinh sách còn bày bừa bộn trên bàn, sáng ra đã thấy những cuốn sách được xếp gọn gàng ngăn nắp trên kệ.
Má tôi, một bà già nhà quê mù chữ, chỉ có tình thương con vô bến bờ…
Trích từ tác phẩm “Quăng đời mình vào chốn thiền môn”
Hoà thượng Thích Thiện Bảo
Phản hồi