Mai Đưa Ông Táo Về Trời
Mai là Tết ông Táo, nó mừng lắm. Vì mỗi lần cúng ở bếp xong mẹ lại cho chị em nó ăn món “ Thèo Lèo – Cứt chuột”, là món mức Tết mà vào mỗi dịp ngày 23 tháng chạp, chị em nó mới được ăn. Nhà nó ít khi gói bánh. Mẹ chỉ nấu một nồi thịt kho hột vịt, để dành cho cả nhà ăn Tết, còn mùng một phải ăn chay. Rảnh thì bày Lô Tô ra chơi trong nhà. Cứ thua là nó lại khóc đòi tiền. Đó là bài tủ của nó. Chẳng biết ông Táo có bỏ qua chuyện này!
Nên Tết ông Táo trong tuổi thơ của nó vừa vui vừa sợ. Cứ cầm cây nhang khấn ông Táo đừng méc tội con nhé. Bởi mẹ nói:” Bây làm gì ông Táo về trời tâu hết”. Nhưng vui là biết mẹ sắp mua đồ Tết cho mình.
Hồi đó, nhà nó làm bằng gỗ sơn màu xanh da trời. Trong xóm chỉ được vài cái nhà xây. Tết đến là nhà nào cũng đi mua giấy dán vách nhà trang trí cho đẹp. Mỗi lần như thế, mẹ lại mua bột năng về quậy hồ. Thế là chị em nó lại lui cui dọn dẹp, trét hồ dán giấy lên tường. Tết ở quê thật êm đềm, trong một khu xóm nghèo. Giao thừa thức dậy lễ Phật xong, lại rủ nhau đi coi người ta đốt pháo. Rồi tụi nhỏ cứ mặc đồ mới đi lòng vòng trong xóm. Xa lắm là theo gia đình leo lên núi đá Ông Phật ngay trung tâm thị trấn Định Quán.
Thế là nó lại trông Tết!
Không biết mai ông Táo về trời tâu gì, nhưng mà có bánh mứt ăn. Chị tư lại rủ nó ra sàn nước chà dép cho sạch, để chuẩn bị ăn Tết. Bởi gia đình nào khá lắm mới mua nổi cây mai về trưng. Riêng nhà nó thì năm nào mẹ cũng mua vài quả dưa hấu, ít hoa Vạn Thọ và mâm ngũ quả:” Cầu Dừa Đủ Xoài”, đọc trại theo tiếng miền nam là “ Cầu vừa đủ xài”. Nhưng dù thế nào vẫn vui, vì những năm tháng còn vô tư lự. Đó là những gì còn đọng lại trong tâm tôi về Tết của những ngày thơ ấu.
Đi hơn nữa đời người! Đã chứng kiến bao mùa mai nở, đào khai. Thắm thoát mà gã về núi đã hơn mười năm. Mới thấy cành mai của Thiền sư Mãn Giác trao cho hậu lai quả là mùa Xuân bất diệt. Bởi hoa nở không bao giờ muộn, chỉ đợi đúng thời mà thôi.
Cho nên, đứng trước những mất mát tang thương giữa trần thế liệu ta còn giữ được tâm hồn trẻ thơ đón Tết như ngày nào? Hay tất bật, bộn bề lo toan và hối hả. Để rồi than Tết không còn vui nữa. Bởi chúng ta đang bị cuốn vào dòng xoáy của thời gian, đến bạc đầu. Quên dừng lại ngắm nụ mai vàng vừa hé nở.
Ông Táo có về trời không, việc ấy không còn quan trọng nữa. Trách nhiệm chúng ta là tiếp nối dòng chảy văn hoá của tổ tiên. Món “thèo lèo – cứt chuột” dù không còn hấp dẫn nữa, nhưng có lẽ không thể nào quên.
Mai đưa ông Táo về trời, tôi chuẩn bị làm một mâm cơm chay để cúng, mục đích là để tri ân. Bởi hạt cơm nuôi sống chúng ta là do trùng trùng duyên khởi. Có hạt mồ hôi của bác nông phu, sự hy sinh rải từ tâm của người nấu bếp. Không chỉ cho ta sự sống mà còn nuôi dưỡng tâm hồn mình. Nên ngày 23 tháng chạp là ngày ta thực tập nhìn lại chính mình và tri ân người nấu bếp. Người đó có thể là bà vãi trong chùa, người mẹ, người vợ, chị em của mình trong gia đình hay bất kì ai đã ban cho ta sự sống.
Mai đưa ông Táo về trời có lẽ ta không còn sợ ông Táo tâu gì nữa. Nhưng liệu ta còn biết sợ cái ác của chính mình?
Buông xuống, mùa Xuân sẽ mỉm cười.
Chí Ngu
Phản hồi