Lời Phật dạy để gìn giữ giới hạnh
Giới luật của Phật giáo còn là nền tảng của một thế giới hòa hợp. Giữ gìn giới luật còn là trọng điểm trong sự tu hành của những người xuất gia. Người Phật tử chỉ cần giữ năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng chất kích thích làm mất chánh niệm.
Một thời, đức Phật ở nước Xá Vệ, tại tịnh xá Kỳ Hoàn, thuyết pháp cho chư Thiên nghe. Lúc bấy giờ, ở nước La Duyệt Kỳ có hai vị tân Tỳ kheo muốn yết kiến đức Phật.
Giữa hai nước ấy có một khoảng đồng rộng, không có người ở, lại gặp thời hạn nên suối hồ đều khô cạn. Hai người đi ngang qua bị khát nước, chỉ gặp được vũng nước nhỏ song thấy toàn loài trùng, không thể uống được. Hai người mới bàn nhau: “Chúng ta từ xa lại cốt trông mong chiêm ngưỡng đức Phật, không ngờ ngày nay bị chết khát giữa đường”. Một người nói: “Thôi, ta hãy tạm uống cho khỏi chết, có vậy mới gặp được Phật. Vả lại, ta uống cũng không ai biết cả”.
Người kia đáp: “Giới luật Phật chế cấm không được uống nước có trùng, chính là lấy nhân từ làm gốc. Nếu giết hại chúng sinh để tự sống thì dầu thấy Phật cũng không ích gì. Thà rằng giữ giới chịu chết, chớ không phạm giới mà sống”.
Người đầu tiên theo ý riêng mình uống nước cho hết khát và đi đến chỗ Phật ở. Người thứ hai không chịu uống nên phải chết vì khát nhưng lại được sinh vào cõi trời Đao Lợi. Nhờ suy nghĩ nên tự biết ở kiếp trước giữ giới không phạm nên được sinh Thiên, thật là do lòng tin mạnh nên phước báu chẳng xa vậy. Nghĩ đoạn, bèn đem hương hoa đến lễ Phật và đứng hầu một bên. Còn người uống nước phải cực khổ trải qua nhiều ngày mới đến chỗ Phật ở. Thấy đấng chí tôn oai nghiêm, người kia liền cúi đầu đảnh lễ khóc lóc bạch rằng: “Con còn có người bạn cũng muốn đến yết kiến Phật, chẳng may giữa đường bị mệnh chung, dám mong đức Thế Tôn biết cho”.
Đức Phật trả lời: “Ta đã rõ rồi”, bèn lấy tay chỉ vị tiên nhơn đứng kế bên mà nói: “Tiên nhơn này chính là bạn của ngươi đó, người này vì giữ trọn giới luật nên được sinh lên cõi trời và được gặp ta trước ngươi”.
Bấy giờ, Thế Tôn chỉ vào người kia và bảo: “Ngươi tuy thấy ta mà không giữ giới luật của ta, thời tuy ngươi thấy ta mà ta không thấy ngươi. Người kia tuy cách xa ta ngàn dặm nhưng vẫn giữ được giới luật, thời người ấy đứng trước mặt ta” .
Lời bàn:
Trong kinh Di Giáo, đức Phật đã từng khẳng định: “Giới là bậc Đạo sư của các thầy, nếu Ta có ở đời, cũng không khác gì giới vậy”.
Vai trò của giới luật trong đạo Phật rất quan trọng và là nền tảng của các pháp lành, nên người Phật tử cần phải hiểu rõ tầm quan trọng này để khỏi phải sai phạm. Giới có ý nghĩa như sau: Giới (Sila) “phòng phi chỉ ác”, nghĩa là đề phòng đều trái quấy, dừng chỉ mọi điều ác, làm mọi điều thiện. Giới là do đức Phật chế ra, Ngài căn cứ vào hoàn cảnh thực tiễn của xã hội và bổn phận của con người mà quy định giới luật. Do đó, giới luật có tính chất nhân bản tiêu biểu cho nền đạo lý toàn diện và giúp cho con người hành trì tiến nhanh trên con đường giải thoát.
Vì tính chất quan trọng và lợi ích thiết thực rộng lớn của giới nên lúc còn tại thế, đức Phật mỗi khi nghe vị đệ tử nào sống sai tinh thần giới luật, Ngài thường hay cho gọi đến để tìm hiểu, rồi giải thích và trách phạt một cách nghiêm khắc.
Ngoài ra, giới luật của Phật giáo còn là nền tảng của một thế giới hòa hợp mà trong đó, con người thật sự sống như một con người, không phải loài cầm thú. Giữ gìn giới luật còn là trọng điểm trong sự tu hành của những người xuất gia. Người Phật tử chỉ cần giữ năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng chất kích thích làm mất chánh niệm. Cho nên, là người Phật tử, cần phải giữ gìn năm giới trên để làm của cải và để cải thiện đời sống của mình giản dị và trong sạch hơn, để rồi từ đó, tâm hồn ta sẽ được tịnh hóa trở nên hiền hòa, trong sáng và an lạc hơn.
Phản hồi