Lễ tưởng niệm 31 năm ngày Đức đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN viên tịch

Sáng ngày 11/12/2024, tại Tổ đình Kim Liên – chùa Đồng Đắc (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Trung ương Giáo hội cùng BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình và sơn môn Pháp phái Tổ đình Kim Liên đã trang nghiêm tưởng niệm 31 năm ngày Đức đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN viên tịch.

Quang lâm chứng minh buổi lễ tưởng niệm có sự hiện diện của: Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên thường trực HĐCM, Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; cùng chư Tôn đức Phó chủ tịch HĐTS; chư Tôn đức thường trực HĐTS, chư Tôn đức đại diện các tỉnh thành trong cả nước, BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình và chư Tôn đức Tăng, Ni thuộc sơn môn Pháp phái Tổ đình Kim Liên đồng tham dự.

Đại diện chính quyền có ông Vũ Hoài Bắc – Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính Phủ, cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan ban ngành trung ương; ông Lê Văn Kiên – Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình cùng quý vị đại diện cho các cơ quan ban ngành sở tại.
Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng thượng Đức hạ Nhuận (1897 – 1993), pháp hiệu Thanh Thiệu, pháp danh Đức Huy, thế danh Phạm Đức Hạp, Ngài viên tịch đến nay vừa tròn 31 năm. Trụ thế 96 năm, nhập Thiền lâm 81 xuân thu, trải qua 77 hạ lạp, Ngài từ bỏ sắc thân tứ đại, giác linh nương thần lực Tam bảo mà về nơi tịch tĩnh miên trường. Dư hương hoa Đàm, vầng trí, biển đức, núi công vẫn lừng lững, làm tiêu bảng, gương sáng cho hàng hậu thế. Ngài là thạch trụ của Thiền môn, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đức Đệ Nhất Pháp chủ GHPGVN

Bài học lớn nhất Ngài để lại cho hàng hậu học đó là niềm tin vào Phật pháp, tin tưởng vào tiền đồ của Phật giáo Việt Nam, đã thể hiện tấm lòng tha thiết, đức khiêm tốn, trí tuệ nhìn xa trông rộng của ngài. Trong Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất họp vào ngày 7/11/1981, Ngài đã ba lần từ chối ngôi vị Pháp chủ do Đại hội cung thỉnh. Cuối cùng, nể vì tấm lòng chân thành thiết tha của toàn thể Đại biểu, Ngài đành chấp nhận với ba đề nghị được Giáo hội và Nhà nước chấp thuận:

  1. Các trường Phật học được mở khắp cả ba miền của đất nước: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh có đại học Phật giáo; mỗi tỉnh đều được thành lập Phật học viện.
  2. Người thừa kế và làm việc trong chùa cần được hợp pháp hóa.
  3. Tất cả tín đồ từ thành thị đến thôn quê đều được tự do đến chùa lễ Phật và nghe giảng pháp.

Ngài luôn quan tâm đến các hoạt động của Giáo hội, đến việc đào tạo Tăng tài. Ngài cũng luôn nhắc nhở đến tinh thần yêu nước, quyết tâm phụng sự đất nước. Đạo Phật và đất nước, nhân dân luôn là một khối; phát triển Phật giáo cũng là phát triển đất nước: “… hãy đóng góp tích cực và thiết thực cho sự phồn vinh thịnh vượng của đất nước, cho sự an lạc và hạnh phúc của nhân dân, vì sự hưng thịnh và phát triển của Phật giáo Việt Nam” (Thư Chúc Tết, ngày 1/1/1993). “Cho nên, cần phải được tu tập đức hạnh để thực sự là người kế thừa xứng đáng của Phật pháp và là người hữu ích trong xã hội” (Đạo từ, 1985, nhân Lễ Bế giảng Khóa I Trường Cao cấp Phật học tại chùa Quán Sứ).
Vẫn nêu cao sự đoàn kết trong Giáo hội, lưu tâm thiết tha đến việc đào tạo thế hệ Tăng ni trẻ, Ngài ân cần dặn dò: “Cùng với việc hoằng dương Phật pháp cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giữ đúng tinh thần Lục hòa của đạo Phật, phải quan tâm bồi dưỡng giáo dục Tăng ni, đào tạo Tăng tài cho Đạo pháp ngày càng xương thịnh, đồng thời phải nỗ lực đóng góp tinh thần, trí tuệ, công sức, tài vật vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước” (Đạo từ nhân Lễ Bế mạc Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ II, ngày 29/10/1987).
Tuy đất nước và Giáo hội vẫn còn nhiều khó khăn trong việc ổn định và phát triển, Ngài đã nhìn thấy được tương lai xán lạn, truyền niềm hân hoan, lạc quan cho Tăng ni, Phật tử toàn quốc: “Chúng ta vui mừng vì đất nước đã trải qua những khó khăn và đang từng bước phát triển. Phật giáo ta từ ngày đại nguyện của chư liệt vị tiền tổ được thực hiện, Tăng ni Phật tử trong cả nước ngày càng sống hòa hợp trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đã làm nhiều điều lợi đạo ích đời, có uy tín ở trong nước và thế giới” (Thông điệp nhân lễ Phật đản Phật lịch 2537 – dương lịch 1993).
Lời giáo huấn thâm thiết nhất của Đức Đệ nhất Pháp chủ về pháp môn tu tập cho hàng hậu học được Ngài ân cần nêu dặn, như lời lão bà thương con cháu, mong cho con cháu được thành tựu trong việc thực hiện hoài bão.

Dù bóng nhạn qua đầm không còn nhưng dư hương hoa Đàm không mất khi đã rụng. Đã ba mươi mốt năm qua kể từ ngày 4 tháng 11 năm Quý Dậu tức ngày 23/12/1993, Ngài không còn trực tiếp giáo huấn chư Tăng ni, Phật tử, nhưng di huấn của Ngài còn mãi không phai trong lòng môn đồ, pháp quyến và tất cả Tăng ni, Phật tử Việt Nam.

Chư Tôn đức dâng hương tưởng niệm

Để tỏ tấm lòng muôn vàn tôn kính, tại buổi lễ, chư tôn đức cùng toàn thể đại chúng đã thành kính dâng hương tụng Bát Nhã và niệm Phật trước di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận – Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, đồng cầu nguyện Giác linh Ngài cao đăng Phật quốc.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:

 

Tịnh Minh/ Ban Văn hoá Trung ương

Bài viết liên quan

Phản hồi