Lễ hội truyền thống kỷ niệm 29 năm và Lễ khánh thành các hạng mục công trình tâm linh trong quần thể khu Di tích LSVH Chùa Đền Xã Hạ

Ngày 13/ 04/ 2024 (nhằm ngày 04/ 03/ Giáp Thìn), tại khu Di tích lịch sử Chùa Đền Xã Hạ, xã Hải Bắc, được sự nhất trí của Huyện uỷ, UBND huyện Hải Hậu, Đảng uỷ, HĐND – UBND xã Hải Bắc, Ban quản lí Di tích lịch sử long trọng tổ chức lễ hội truyền thống kỉ niệm 29 năm ngày đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia và dự lễ khánh thành các hạng mục công trình tâm linh trong quần thể khu Di tích LSVH ngày chùa Đền Xã Hạ xã Hải Bắc năm 2014.

Buổi lễ có sự chứng minh và tham dự: HT. Thích Thanh Huỳnh – UV Ban nghi lễ TƯ, Uỷ viên Ban trị sự, Trưởng ban Nghi lễ tỉnh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Hải Hậu; TT. Thích Thanh Cần – Uỷ viên Ban trị sự Phật giáo huyện Hải Hậu; ĐĐ. Thích Minh Hoàn trụ trì chùa Xã Hạ, Phó trưởng ban quản lí Di tích lịch sử Văn hoá Chùa Đền Xã Hạ xã Hải Hậu, cùng Chư tôn đức Tăng ni huyện Hải Hậu.

Về quan khách chính quyền có: Ông Phạm Văn Hiến – Nguyên Bí Thư Huyện uỷ, Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu; Ông Nguyễn Văn Tìm – Nguyên Bí thư huyện uỷ, Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu; Ông Lê Văn Sơn – TT phòng VHTT; Ông Nguyễn Văn Hoá – Phó Chủ tịch MTTQ huyện Hải Hậu; Ông Trần Quang Nhuệ – Phó TT phòng Văn hoá huyện Hải Hậu; Ông Nguyễn Bá Trường – Chủ tịch Hội chữ Thập đỏ huyện Hải Hậu; Ông Trần Văn Đồng – Phó TT CA huyện Hải Hậu; Ông Phạm Hải Đăng – Phó Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện Hải Hậu và quan khách các dòng họ Xóm 10, Xóm 12 về tham dự.

Chùa và Đền Xã Hạ (thuộc xã Hải Bắc) là di tích lịch sử – văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng  năm 1995. Theo một số văn bia còn lưu giữ được tại di tích, thì từ triều vua Minh Mệnh năm thứ 4 (1823) chùa xã Hạ được xây dựng với tên chữ là “Anh Quang tự” (chùa Anh Quang). Chùa Anh Quang là một công trình kiến trúc quy mô, tuy đã sửa nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được đường nét, phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Phía trước sân chùa có hệ thống tam quan 3 tầng với kiểu kiến trúc chồng diêm, mái cong, trang trí đề tài tứ linh, tứ quý và nhiều họa tiết truyền thống. Từ hệ thống tam quan vào tòa bái đường là một sân rộng, lát gạch phẳng phiu, phía bên trái có tháp mộ được xây bằng gạch Bát Tràng với những đường nét trang trí đẹp, nghệ thuật. Khu vực thờ chính của chùa Anh Quang được thiết kế kiểu chữ công, có tất cả 15 gian bao gồm bái đường, tam bảo và thượng điện. Ngoài ra ở phía sau còn có gác chuông, nhà tổ, tăng phòng và hai dãy nhà hành lang hai bên tạo thành kết cấu nội công, ngoại quốc hài hòa, kín đáo. Nổi bật, độc đáo hơn cả là tòa bái đường 5 gian ở phía trước. Công trình với kiểu kiến thiết chồng diêm, 2 tầng mái cong lợp ngói nam mang đậm phong cách nghệ thuật của thời Hậu Lê thế kỷ XVIII. Các cấu kiện kiến trúc bên trong làm bằng gỗ lim, chạm khắc lá lật cách điệu, soi ống tơ, chỉ nổi nên mặc dù kích thước khá lớn nhưng vẫn có đường nét mềm mại, thanh thoát. Tuy không đục chạm cầu kỳ, chi tiết nhưng nhìn chung tòa bái đường vẫn gây được cảm xúc cho mọi người khi đến thăm chùa.

Ngoài vẻ đẹp và quy mô kiến trúc, chùa Anh Quang còn lưu giữ được nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị. Đó là hệ thống tượng pháp khá phong phú, chạm khắc nghệ thuật, sơn thếp lộng lẫy, tiêu biểu là các pho Tam thế, Phật bà, Thích Ca, Cửu Long v.v… Các câu đối, đại tự, cửa võng cũng được chạm khắc công phu, nội dung phong phú ca ngợi cảnh đẹp chốn cửa thiền. Đặc biệt trên gác chuông còn giữ được quả chuông đúc từ đời vua Minh Mệnh năm thứ 8 (1827). Chuông có đường kính 0,60m; cao 0,90m với dáng đẹp, chạm khắc đề tài tứ linh và trang trí nhiều họa tiết với đường nét nhấn tỉa mạch lạc.

Để tỏ lòng biết ơn các liệt tổ khai sáng và khai thác vốn văn hóa truyền thống của quê hương, hàng năm nhân dân Hải Bắc tổ chức mở lễ hội vào ngày mùng 4,5,6 tháng 3 âm lịch. Lễ hội tổ chức vào ngày này cũng là dịp để con cháu các họ gần, xa về quê hương thăm viếng mồ mả tổ tiên, ra chùa lễ Phật. Ngoài việc tế lễ, rước kiệu, ngày hội còn tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu bóng chuyền hơi vv… Trong những ngày diễn ra lễ hội, địa phương còn tổ chức rước kiệu phụng nghinh thánh mang đậm màu sắc văn hóa quê hương và tinh thần thượng võ của dân tộc.

Khu di tích Chùa Đền Xã Hạ được xây dựng khá lâu, trải qua nhiều lần trùng tu. Năm 2010 Ban Quản lý di tích đã từng bước xây dựng tôn tạo trong và ngoài khu di tích, năm 2019 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép xây dựng chính điện Đền chính, năm 2023 trùng tu các hạng mục còn lại như Hội trường – Giảng đường, tháp chuông, Đền mẫu Tống Hậu, tổng trị giá các công trình là trên 12 tỷ đồng. Tại buổi lễ Ban tổ chức đã cắt băng khánh thành các hạng mục công trình tâm linh trong khu Di tích khang trang, bề thế, chính thức đưa vào sử dụng phục vụ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con Nhân dân trong và ngoài địa phương.

 Lễ hội Chùa, Đền Xã Hạ là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Hải Bắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của con cháu đối với công lao Tổ tiên.

Nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, được sự quan tâm của các cấp Giáo hội, các cấp Chính quyền, cùng sự trợ lực của nhân dân địa phương và Phật tử xa gần. Sau những năm khởi công xây dựng trùng tu các hạng mục công trình trong khu Di tích lịch sử đã được hoàn thiện. Nhân kỉ niệm 29 năm ngày Chùa Đền Xã Hạ được thẩm định công nhận Di tích lịch sử Văn hoá cấp Nhà nước,  tổ chức lễ cắt băng khánh thành các hạng mục công trình Chùa Đền Xã Hạ xã Hải Bắc.

Một số hình ảnh ghi nhận:

Thanh Nghĩa

Bài viết liên quan

Phản hồi