Làm sao có thể sửa lỗi lầm trong kiếp này?


Chúng ta hay thấy giận một người đôi lúc ta giận dai, giận lâu. Nhưng khi ta nghe tin người đó chết rồi, thì ta sẽ bỏ qua cho họ. “Nghĩa tử Nghĩa tận”, “Máu từ chối không chảy về tim nữa thì những hận thù xin tha thứ cho nhau”. Cái ngày mà ta nghe tin người đó chết rồi thì thật sự ta không còn muốn giận người đó nữa.
Trước những người sai lầm cũng vậy, ta thấy rằng người đó sai lầm và chính bản thân của ta cũng có hoàn hảo tốt đẹp gì đâu, nên ta có thể chia sẻ, giúp đỡ, chuyển hóa được thì tốt, còn không được thì ít nhất chúng ta cũng đừng thêm mắm dặm muối cho người ta thêm đau khổ.
Là một người Phật tử, khi thấy một người họ đi chùa, nếu ta biết được quá khứ của người đó có những sai lầm thì ta phải thấy cuộc đời ” đa phần người ta thấy điểm xấu mà bỏ qua điểm tốt của mình, nếu ai đó thấy cái điểm tốt của mình mà bỏ qua được điểm xấu thì người đó là ân nhân, thiện tri thức của mình”.
Tại vì tập nghiệp của chúng sanh thường là thấy cái xấu, rồi thì dính vào cái xấu đó luôn, người đó có làm một trăm điều tốt, một nghìn việc thiện đi chăng nữa là chuyện của vị đó, nhưng nếu vị đó có vết nhơ hay một hai cái xấu nào đó thì ta chỉ soi xét vào cái xấu, mà bỏ luôn mấy cái tốt kia.
Cho nên muốn sửa được sai lầm thì ta phải thấy là ai cũng có sai lầm hết, và ta biết dừng lại và sám hối. Sám hối ở đây có hai ý nghĩa chính:
Lâu nay ta phạm sai lầm gì đó thì đầu tiên là ta dừng lại cái đã.
Thứ hai là cố gắng đừng phạm vào lỗi lầm đó nữa, đấy là ta đã làm trọn ý nghĩa của việc sám hối.
Có những lỗi lầm chỉ dừng lại một thời gian, bữa sau phạm lại tiếp thì vẫn chưa trọn nghĩa của sám hối. Khi được làm thân người, cũng là đôi tay này lúc trước đánh người, hại người, bao nhiêu cái tội lỗi thì bây giờ ta đâu có thể bỏ đôi tay đó đi. Vậy cũng chính đôi tay này, ta làm đẹp cho cuộc đời, bây giờ ta biết lật từng trang Kinh, biết giúp người qua đường, biết đi bố thí, làm từ thiện cũng với đôi tay này thôi.
Trước kia cũng với đôi tay này ta cũng đã từng làm lỗi mà chẳng lẽ dừng lại Sám Hối cái ta chặt tay này sao? – Không có! Cũng từ đôi tay này mà ta hãy làm đẹp cho cuộc đời. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
“Như từ một đống hoa
Những tràng hoa được kết
Cũng vậy thân sanh tử
Làm được nhiều thiện sự“
Từ một đống hoa mà để đó nó đâu có đẹp đâu, nhưng nếu ta biết cách, thì từ một đống hoa đó ta lựa ra, kết lại thành một đĩa hoa, một tràng hoa rất là đẹp. Đức Phật dạy cũng vậy, từ cái thân sinh tử đau khổ này, cái thân tứ đại, bất tịnh mà ta có thể làm bao nhiêu điều thiện sự tốt đẹp cho cuộc đời.
Lỗi lầm mà đã có rồi thì trước hết phải dừng lại. Cái thân, cái miệng nói lời nói có giá trị, đừng nói những lời vô ích, đừng nói những lời mang khẩu nghiệp hay ác nghiệp. Đừng nói những từ vun vãi làm cho người ta đau khổ, ta làm sao cũng lời nói này thôi, thì hãy nói sao cho có ích.
Cũng cái não, giờ ta sinh ra đầu óc này thông minh, ta đem cái thông minh đó giúp cho đời cho Đạo thì hay biết mấy, cũng có cái não này mà ta chuyên đi tìm cách hại người thì cũng chỉ cùng một cái não đó thôi, quan trọng là ở cái cách ta đem dùng vào việc gì.
Suy cho cùng, cách tốt nhất để sửa lỗi lầm trong kiếp này là phải dừng lại rồi sau đó đem lời nói, cái thân, cái tâm này làm nên nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời.
Phản hồi