Khất thực là gì?
Khất thực từ lâu được xem là một truyền thống tốt đẹp, là pháp hành cao quý của mười phương chư Phật và của chư vị Tăng Ni.
Khất thực là một pháp môn phương tiện để giúp cho những giáo đoàn Sa môn hay những cá nhân Sa môn du hành trong xứ Ấn Độ thời cổ đại có được một đời sống giải thoát, tạo nên tiền đề cho việc tìm cầu chân lý từ thời bình minh của hạnh tha phương cầu đạo hay tha phương hóa đạo.
Đối với một người có một chút suy tư sâu xa thì khái niệm ‘xin’ không tách rời khỏi khái niệm ‘cho’, khái niệm ‘học tách rời khỏi khái niệm ‘dạy’. Người Khất sĩ vừa xin vừa cho, vừa học vừa dạy, theo chủ trương: Xin vật chất cho lại tinh thần; học từ nơi tất cả chúng sanh, dạy lại tất cả chúng sanh, tùy theo nhân duyên cảnh ngộ.
Chữ Khất sĩ được phân tích một cách chính thức bởi vị tổ sư khai sơn của hệ phái Khất sĩ thành ra hai vế: Khất là xin, Sĩ là học. Bài viết này hướng về ý nghĩa của “khất thực”, nên sẽ không phân tích xa hơn về mối quan hệ “học-dạy” của người Khất sĩ mà phân tích ý nghĩa việc “xin cho” của người Khất sĩ.
Người Khất sĩ vừa xin vừa cho, vừa học vừa dạy, theo chủ trương: Xin vật chất cho lại tinh thần. Chí ít thì cũng tạo điều kiện giúp có cơ hội để gieo một duyên lành nào đó, cơ hội để mài mòn bớt lòng bỏn sẻn, ích kỷ; và cũng tự cho mình một cơ hội để mài mòn ‘cái ta’. ‘Cái ta’ này bình thường thì nó tự động to lớn ra, vì vậy người có ‘cái ta’ ít khi được điều phục, chế ngự thì thường gây nên hầu hết tất cả những bi kịch trong gia đình và trong các tổ chức, xã hội mà người đó có mặt. Có thể nói rằng ‘cái ta’ ở đâu thì tai nạn, khổ đau có mặt ở đó nếu ‘cái ta’ đó không được chế ngự; và ‘cái ta này thường được sự giàu có, chức tước và uy quyền nâng cấp.
Ở các nước Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy), chư Tăng mỗi ngày đều đi khất thực, Phật tử chuẩn bị sẵn thực phẩm chờ chư Tăng đi qua để dâng cúng. Hoặc Phật tử chuẩn bị thực phẩm mang đến chùa viện sớt bát cúng dường chư Tăng trước giờ thọ trai.
Riêng tại xứ ta, phần lớn theo truyền thống Phật giáo Bắc tông (Đại thừa), chư Tăng Ni không đi khất thực mà nấu ăn tại chùa. Ngoài ra, còn có hệ phái Phật giáo Nam tông và Khất sĩ, chư Tăng vẫn tùy duyên duy trì hạnh tu khất thực. Nói tùy duyên bởi vì không phải chư vị khất thực hàng ngày, phần lớn vẫn nấu ăn tại chùa viện như chư Tăng Phật giáo Bắc tông.
Phản hồi