Khánh Hòa: Trưởng lão Hòa thượng Giác Giới chia sẻ kinh nghiệm tu học tại Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 31

PGĐS- Ngày 26/3/2023 (nhằm ngày 05 tháng 02 nhuận năm Quý Mão) là ngày tu thứ 2 của Khoá tu Truyền thống Hệ phái Khất sĩ lần thứ 31 tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Vạn (thị trấn Vạn Giã, Khánh Hoà). Khoá tu quy tụ chư Tăng 6 Giáo đoàn về tham gia, trên tinh thần sống chung tu học theo đường lối của đức Tổ sư “Phép Tăng không lìa đoàn” và thực hành Giới – Định – Tuệ.

Khóa tu ngày thứ 2 vinh dự có sự quang lâm của HT. Giác Giới, Phó Thư ký kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Chứng minh Giáo đoàn I, Trụ trì Tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long), đến chia sẻ cùng chư hành giả về kinh nghiệm tu học, với chủ đề “Hoàn thiện Chánh Tri Kiến tự thân”.

HT. Giác Giới là bậc Trưởng lão thượng thủ trong Hệ phái, vị cao Tăng đương thời và là một nhà giáo dục lỗi lạc. Với kinh nghiệm thực tu, tự mình suy tầm, nghiên cứu kinh điển của hai dòng Hán tạng và Pāli tạng, Ngài đã dành nhiều năm thuyết giảng giáo pháp tại các trường Phật học, các pháp hội trong và ngoài nước, tu học với những bậc thầy lỗi lạc cũng như suy tầm tham vấn với các học giả đương thời. Ngài luôn đề cao tinh thần bất phân biệt trong tôn giáo, chỉ cần điều đó hợp với giáo lý, ngài điều thu thập và học hỏi.

Trải qua quá trình nhiều thập kỷ công phu tu tập, Hoà thượng đã chia sẻ với hội chúng về kinh nghiệm trên con đường tìm hành trì pháp Phật và “Chánh tri kiến” trong đời sống tu tập mà một vị Tỳ-kheo cần phải có, để xứng đáng là một Tỳ-kheo trong hàng ngũ Tăng đoàn.

Ngài cho biết, tùy vào nhân duyên và căn tánh sai biệt ở mỗi hành giả mà các pháp môn hành trì theo đó cũng có sự khác nhau, phù hợp với căn tánh của từng người. Để làm rõ ý này, Ngài dùng bài kinh “Đại kinh rừng Sừng Bò” (Mahāgosiṅga sutta), trong Kinh Trung bộ làm ví dụ.

Trong kinh mô tả, các Tôn giả: Ananda – Đệ nhất đa văn, Tôn giả Kassapa – Đệ nhất đầu-đà, Tôn giả Revata – Đệ nhất thiền định, Tôn giả Anuruddha – Đệ nhất thiên nhãn, Tôn giả Moggallāna – Đệ nhất thần thông, Tôn giả Sāriputta – Đệ nhất trí tuệ, mỗi vị trả lời câu hỏi: “Ai có thể làm chói sáng khu rừng Gosiṅga?” Theo khuynh hướng cá nhân của mình, không ai giống ai. Cuối cùng, Tôn giả Sāriputta đề nghị: “Chúng ta hãy trình sự việc này lên Đức Thế Tôn và Ngài dạy thế nào thì chúng ta hãy nghe như thế ấy!” Thế là họ cùng nhau đến yết kiến Đức Thế Tôn. Đức Phật liền nói: “Một Tỳ-kheo, sau khi ăn, sau khi đi khất thực về, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt và nghĩ rằng “ta sẽ không bỏ ngồi kiết-già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”, người như thế là người có thể chiếu sáng khu rừng Gosiṅga”.

Đây cũng được xem là giáo lý Trung đạo mà trong bài pháp đầu tiên, Đức Phật dạy cho nhóm năm anh em Kiều-trần-như. Trong đó Đức Phật nhấn mạnh về sự tránh xa hai cực đoan (hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác) mà Ngài đã từng trải nghiệm khi chưa xuất gia, sống đời sống thế tục và những năm tháng hành hạnh Đầu-đà. Điều này cũng khế hợp trong giáo lý của Đức Tổ sư, một trong bốn điều đặc sắc nơi lời huấn thị của Tổ là: “không bận rộn việc ăn – mặc – ở – bịnh”, bởi chính đây là nếp sống, là điều kiện thuận duyên hỗ trợ chúng ta trên con đường giải thoát.

Một vị Tỳ-kheo có đời sống chánh mạng, khất thực để nuôi thân, là vị ấy đã hoàn thiện giới hạnh của mình. Sau khi ăn xong rửa cất bát và tìm một nơi thích hợp, ngồi xuống, lưng thẳng và đặt niệm trước mặt, vị ấy đang hoàn thiện định của mình. Khi thực tập giới và định làm cho vững chắc và sung mãn thì tuệ sẽ phát sanh. Đây chính là thực hành con đường Giới-Định-Tuệ, và tu tập Giới-Định-Tuệ chính là tu tập Bát chánh đạo.  Cho nên giáo lý Tứ y pháp chính là giáo lý Bát chánh đạo mà chư Phật trong ba đời đều nương theo để hành trì. Trong Chơn lý “Chánh pháp”, số 21, đức Tổ sư khẳng định “Ai hành đúng theo Tứ y pháp tức là đúng theo Chánh pháp của chư Phật ba đời.” Tứ y pháp là lối sống tránh xa hai cực đoan. Đức Phật khi mới thành đạo, Ngài nói giới đầu tiên không phải sau 12 năm mới thuyết giới mà ngay bài kinh đầu tiên ngài đã nói giới. Vì giới luật gồm chỉ trì và tác trì, chỉ trì là không làm mà tác trì là phải làm.

Hoà thượng nhắc nhở mỗi người phải tìm cho mình một pháp môn phù hợp để tiến tu. Pháp môn chỉ là phương tiện, mà phương tiện đó phải hướng người tu đạt đến chỗ đoạn trừ tất cả các lậu hoặc nhiễm ô trong tâm mình. Ba cõi không yên tợ như nhà lửa, trong tâm còn lậu hoặc nhiễm ô thì chúng ta như đang sống trong nhà lửa. Do đó phải dẹp trừ các nhiễm ô trong tâm mình, đó chính là đích đến của người tu. Cho dù là học cao hiểu rộng, kiến thức uyên bác như hai ngài Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất khi chưa gặp giáo lý của đức Phật cũng vẫn còn lưu chuyển trong tam giới. Chính vì thấy được sự hữu hạn của kiến thức, hai ngài đã từ bỏ địa vị và quyền lợi của mình mà đi tìm kiếm con đường giải thoát. Đời sống tu tập của các ngài là sáng ra xuống sông Hằng tắm gội, tối về cầu nguyện, tất cả không đem đến lợi lạc. Cho nên sau khi gặp được đệ tử của đức Phật là ngài Assaji (Mã Thắng), chỉ với một câu ngắn ngủi “các pháp sanh ra bởi một nhân, đức Phật chỉ rõ nhân của nó và cách diệt trừ”, đây được xem là giáo lý Nhân-quả. Giáo lý Tứ đế cũng là giáo lý Nhân-quả, hai cặp đầu (Khổ đế và Tập đế) là nhân quả luân hồi, hai cặp sau (Diệt đế và Đạo đế) là nhân quả giải thoát, Niết-bàn. Nghe đến đây, ngài Xá-lợi-phất liền chứng quả Nhập lưu, quả đầu tiên trong bốn quả Thánh và hướng dẫn cho người bạn của mình cũng tu tập theo, cả hai đều chứng A-la-hán quả sau khi gặp đức Phật.

Các vị Thánh Tăng thời đức Phật rất nhanh chóng chứng đắc dưới sự hướng dẫn của Ngài. Chúng ta ngày nay tu rất nhiều nhưng lại không đạt được sở đắc là bởi do sở tri chướng. Các ngài chỉ học một câu pháp mà có thể “liễu giải nghĩa, liễu giải pháp”. Liễu giải nghĩa tức là đạt được mục đích, nghĩa là Niết-bàn; liễu giải pháp là hiểu rõ pháp môn tu tập tức là Bát chánh đạo, con đường đưa đến Niết-bàn.

Hòa thượng nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại người tu phải vô được quả vị Tu-đà-hoàn, Nhập lưu. Quả Nhập lưu còn phải nỗ lực rất nhiều, quả Nhập lưu phải trải qua 1 đến 7 lần tái sanh. Ngoài ra quả Nhập lưu còn gọi là “Pháp nhãn viễn trần ly cấu” tức là có con mắt thấy được pháp mà pháp này gọi là pháp lưu (dòng nước pháp), dòng nước này có thể đẩy mình đến Niết-bàn, xuôi theo Niết-bàn, hướng đến Niết-bàn. Cũng như dòng nước sông Hằng có thể đẩy khúc gỗ xuôi vào biển lớn, xuôi ra biển lớn, hướng đến biển lớn. Một từ khác đồng nghĩa với chữ Pháp nhãn hay Nhập lưu là Chánh tri kiến.

Hoà thượng kể câu chuyện về khúc gỗ trong bài kinh Khúc gỗ trôi sông, thuộc Kinh Tương ưng, thiên Sáu xứ, Tương ưng Sáu xứ, phẩm Rắn độc. Một hôm, đức Phật và các đệ tử đi dọc sông Hằng, Ngài thấy khúc gỗ đang trôi trên sông liền nói với các đệ tử: “Nếu khúc gỗ này không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không bị chìm giữa dòng, không bị mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài người nhặc lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không mắc vào xoáy nước thì khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, xuôi theo biển, thể nhập vào biển. Vì sao vậy? Vì sông Hằng hướng về biển”. Đức Phật giải thích tiếp, bờ bên này là sự dính mắc với 6 căn; bờ bên kia là sự chấp thủ 6 trần; chìm giữa dòng là khi một căn tiếp xúc với một trần nào đó có sự thuận ứng và nghịch ứng, thuận là sanh tâm tham mà nghịch là sanh tâm sân; không bị mắc cạn trên miếng đất nổi là ngã mạn, tính ngã mạn cản trở chúng ta trên đường tu giải thoát; bị loài người nhặt là đời sống lệ thuộc vào người thế gian; bị phi nhân nhặt tức sống Phạm hạnh với mục đích mong cầu sự cao sang hay sung sướng như các cảnh giới cõi trời; mắc vào xoáy nước đồng nghĩa hưởng thụ 5 món dục lạc thế gian; không bị mục nát bên trong, nghĩa là trong nội tâm không chất chứa tham-sân-si. Nếu một Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di không vướng vào tám chướng ngại này thì các vị ấy có thể hướng đến Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Chánh tri kiến hướng đến Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn, thể nhập Niết-bàn. Do đó một vị Tỳ-kheo phải tu tập Chánh tri kiến.

Làm thế nào để tu tập Chánh tri kiến? Trong Kinh A-hàm mô tả: “Muốn thành tựu Chánh tri kiến, vị Tỳ-kheo phải nghe với tâm suy tư”. Kinh tạng Pāli ghi: “Hãy nghe và khéo tác ý!” Thông thường chúng ta có nghe nhưng không suy tư nên không đắc pháp. Nhà bác học Newton khi thấy quả táo rơi thì phát minh ra lực hút của trái đất.

Trong Kinh Bổn sanh, đức Phật kể về một người với tâm suy tư đã thành công như thế nào. Một hôm, đức Phật đi khất thực cùng Tôn giả Anan, theo sau là người nghèo khổ. Đi được một đoạn đức Phật thấy con chuột mới chết, mập ú và còn đầy máu tươi, đức Phật nói với Tôn giả Anan: “Với con chuột chết này, người có trí làm nên sự nghiệp”. Nói xong đức Phật và Anan tiếp tục đi khất thực. Người nghèo khổ bước đến nắm lấy con chuột và lặp lại lời nói của đức Phật nhiều lần, sau đó ông đem bán con chuột chết cho người nuôi mèo; với số tiền ít oi ấy, ông mua cặp ghè và gánh nước bán, từ gánh nước ông đã đổi đời trở nên giàu có. Cho nên, đức Phật khi dạy điều gì cho chư Tỳ-kheo, Ngài thường nói: “Hãy nghe và khéo tác ý!” Vì khi suy tư một điều gì đó nhiều lần thì pháp sẽ sáng ra trong tâm.

Học mà không suy tư thì không thể nào phát triển trí tuệ được. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương có bài diễn thuyết về cách tư duy: “Tư duy đột phá”,  tư duy sẽ tạo nên những bước đột phá. Một người muốn có tư duy đúng phải có thấy biết đúng, thấy biết đúng được gọi là Chánh tri kiến. Chánh tri kiến là chi đầu tiên trong Bát chánh đạo. Chánh tri kiến đồng nghĩa với những từ như: Pháp nhãn, Tuệ tri hay Thắng tri. Trong Kinh Căn bản pháp môn, đức Phật dạy “hạng phàm phu có tưởng tri nên không thể liễu tri, chỉ có các bậc Hữu học như bậc Thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm mới có thắng tri, còn bậc A-la-hán thì có thể liễu tri. Chỉ có đức Phật và các bậc A-la-hán mới có liễu tri, cho nên liễu tri là chấm dứt các lậu hoặc. Dựa vào bài kinh này, Chánh tri kiến được xem tương đương với tuệ tri.

Để có được sự thấy biết đúng đắn bắt buộc người đó phải nghe và học đúng, và nghe học đúng phải từ một người thầy đúng. Đức Phật là một vị thầy sáng suốt, pháp của ngài do chính ngài tự thân chứng ngộ, các vị Phật Độc Giác cũng tự thân chứng pháp nhưng vì không có bổn nguyện độ sanh nên các ngài sau khi chứng quả chỉ tự tu một mình, còn đức Phật Thích-ca Mâu-ni của chúng ta vì hạnh nguyện độ sanh nên ngài có hệ thống giáo lý, thiết lập Tăng đoàn. Chính nhờ hạnh nguyện độ sanh của đức Phật mà chúng ta ngày nay có một hệ thống kinh điển đồ sộ và đạo Phật được truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới, đem lại lợi lạc cho nhiều người. Các đệ tử của đức Phật nương lời dạy của ngài mà chứng đắc đạo quả. Cho nên giác ngộ có ba hạng, đó là tự ngộ là đức Phật và chư Phật Độc Giác, còn các Thánh đệ tử học theo giáo lý của đức Phật và tự thân thực hành mà chứng ngộ.

Trong kinh mô tả có 3 hạng bệnh nhân.

Dù thức ăn có thích hợp hay không và thuốc men có thích hợp hay không hạng người này cũng phải chết.

Hạng người này không thể trị được, đó là hạng ngã mạn, không nghe lời dạy của người khác như Bà-la-môn tên Gậy Cầm Tay. Khi nghe đức Phật thuyết pháp ông tỏ thái độ coi thường với cử chỉ “lắc đầu, liếm môi, thè lưỡi, chống gậy ra đi”. Cho nên dù gặp Phật và nghe Pháp nhưng ông ta cũng không nếm được mùi vị của Pháp.

Hạng người thứ hai dù có phương tiện hay không có phương tiện cũng hết bệnh.

Đây chỉ cho đức Phật và các bậc Độc Giác Phật, sanh ra trong đời không có Phật và hệ thống giáo lý nhưng cũng tự mình tu tập và đạt được kết quả.

Hạng người thứ ba bắt buộc phải có phương tiện; có phương tiện thì sống, không có phương tiện thì chết. Đó là chỉ cho các hạng Thanh văn, nghe pháp và thực hành theo pháp mà chứng Thánh quả.

Do đó, Hoà thượng khẳng định hành giả trong hội chúng khoá tu là những bậc Thanh văn giác, nghe pháp, suy tư và hành theo pháp để được giác ngộ.

Bài kinh mô tả về sự tư duy pháp để có được thấy biết chân chánh đó là Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung bộ, số 2, đức Phật dạy rằng “Ta giảng pháp cho người thấy, người biết không phải cho người không thấy không biết”. Thấy là kiến, biết là tri tức là tri kiến, có Chánh tri kiến là tu đúng và ngược lại là tu sai.

Như vậy Chánh tri kiến là gì? Trong Kinh Chánh tri kiến, Trung bộ, số 9 ghi: “Vị Tỳ-kheo tuệ tri khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt.” Đại kinh bốn mươi, Trung bộ, số 117, đề cập Chánh tri kiến gồm Chánh tri kiến vô lậu và Chánh tri kiến hữu lậu. Chánh tri kiến hữu lậu thuộc phước báu nhân thiên, còn Chánh tri kiến vô lậu thuộc bậc Thánh, siêu thế, thuộc đạo chi.

Chính vì thế, một vị Tỳ-kheo phải có Chánh tri kiến, phải có thái độ chân chánh trong khi học cũng như tu tập; chính thái độ này sẽ hướng vị ấy đến giải thoát. Muốn có thái độ chân chánh, vị ấy phải thực hành bằng cách yết kiến các bậc Thánh và bậc chân nhân, nghe pháp của các bậc Thánh và bậc chân nhân, thực hành theo những sự chỉ bảo của họ. Có như thế thì chúng ta mới có thể có Chánh tri kiến. Người có Chánh tri kiến là người có thể nhập vào dòng Thánh, ít nhất là bậc Thánh Dự lưu. Từ đây, bậc này có thể tu tập và tái sanh trong vòng 7 lần cho đến khi đạt được Thánh quả. Do đó, Hoà thượng nhắn nhủ hành giả khoá tu phải trang bị cho mình hành trang là phải có Chánh tri kiến.

Kết thúc bài giảng, Hoà thượng sách tấn hội chúng bằng câu Pháp cú số 8, trong phẩm Song yếu:

Ai sống quán bất tịnh

Khéo hộ trì các căn

Ăn uống có tiết độ

Có lòng tin, tinh cần

Ma không uy hiếp được

Như núi đá trước gió.

Ban TT-TT Hệ phái Khất sĩ

Bài viết liên quan

Phản hồi