Huyền diệu vô ưu

Vô ưu theo chữ Phạn có các tên là Asoka, Anganapriya, Kenkalimara,… theo chữ Hán là A thủ ca thọ, A du ca,…

Trên thế giới muôn sắc nghìn hương, từ rừng già, núi cao cho tới đồng bằng châu thổ, đâu đâu cũng rợp cỏ hoa. Có những bông hoa xinh xinh trườn bò trên mặt đất, có những bông hoa lại rủ rỉ trên cành, và những bông hoa lập lờ nơi đầu sóng.

Nếu hữu duyên ta sẽ bắt gặp một loài hoa rất bình dị, tên gọi vô ưu. Vô có nghĩa là không, ưu có nghĩa là buồn. Vô ưu là không buồn đau, không phiền muộn, không lo lắng. Loài hoa này không thơm, không đẹp bằng nhiều hoa khác song vượt trên muôn hoa vì mang trong mình tất cả những điềm lành. Hoa nở đem tới sự tươi trẻ, giải thoát, niềm vui, hạnh phúc và an thái.

Vô ưu theo chữ Phạn có các tên là Asoka, Anganapriya, Kenkalimara,… theo chữ Hán là A thủ ca thọ, A du ca,… Tên chung khoa học là Jonesia asoka hay Saraca indica L, còn gọi là cây vàng anh, họ Điệp phụ Caesalpinioideae, cao chừng 10 mét, lá xanh dài 9 cm, hoa to 10 cm mầu vàng cam và đỏ tươi, thơm dịu, quả dài 20 cm hình bầu dục. Đây là loài hoa thân mộc, mọc nhiều ở Thiên Trúc, đất Phật, nơi chân núi phía đông và trung của dãy Hi Mã Lạp Sơn (Himalaya). Hoa nở đại đóa thu hút ong bướm.

Thần thoại Ramayana Ấn Độ kể rằng, khi công chúa Sita bị ác quỉ Ravana đuổi bắt, nàng đã sự trêu trọc của quỷ vương. Phụ nữ Ấn Độ vì vậy rất tôn kính hoa vô ưu, xem đây là loại hoa quý thường hái để dâng thần Siva. Vô ưu còn được gọi là hoa tình yêu, tượng trưng của thần Kama Deva. Phụ nữ khi chạm vào hoa sẽ có vẻ đẹp thanh xuân, được nhiều người yêu mến.

Hoa cũng cảm nhận được tình cảm con người nên khi được chăm sóc nở cực đẹp. Vô ưu cũng được gọi là cây không đau do chứa chất giảm đau, khi hái lá hoa kết hợp dùng với sữa ong chúa còn trị được bệnh trứng cá, làm mát da, chống béo phì hay u mạch.

Hoa vô ưu gắn liền với ngày Phật đản. Theo tục truyền, vào năm 563 trước Công lịch, hoàng hậu Mahamada (Mahamaya) khi đó đang có mang, Ngài cùng tùy tùng xa giá trên đường từ Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) trở về cố quốc Thiện Giác quê ngoại để sinh con, ngang qua Lâm Tì Ni (Lubini) – bấy giờ là một rừng hoa vô ưu bạt ngàn, dạo ngự uyển chơi trong tiếng chim réo rắt thanh bình, thấy hoa nở rộ, hạnh phúc đã đưa tay vịn cành hoa vô ưu và ngay sau đó đã sinh hạ Thái tử Tất Đạt Đa – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni).

Và Ngài đã đi những bước chân đầu tiên trên bảy đóa sen hồng. Tuổi trẻ của Ngài thiền tịnh và ngộ được trốn dưới gốc cây hoa vô ưu và chống được Đạo Vô thượng Chánh đẳng giác dưới gốc cây Bồ đề; Ngài đã thuyết giảng lần đầu tiên tại vườn Nai và đi vào cõi Niết Bàn giữa hai cây Sala,…

Ngài xuất thế đã hé nở một nụ cười giải thoát cho bao kiếp sống đọa đày, và nhờ lòng từ bi vô lượng đem tới cho thế giới sự bình yên, xua tan nỗi sợ hãi bởi chiến tranh, nạn khủng bố, bạo lực, sự chết chóc đang diễn ra từng ngày trên nhân thế. Kinh Tăng Nhất A Hàm ghi: Một con người phi thường đã xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích và hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì sự lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và loài người.

Ngày vô ưu nở hoa cũng là ngày nở hoa của đời người. Nhân tâm, trí tuệ được khơi nguồn, sống dậy xóa đi sự vô tri vô giác, dập tắt hận thù và giải phóng thể xác – tâm hồn.

Vô ưu là biểu tượng của Phật pháp cảm hóa con người bằng lương tri và trí tuệ, kêu gọi sự từ bi hỉ xả, bình đẳng, tự do; chiến đấu với tội ác, tham sân si và dục vọng, v.v… Việc đầu tiên mà hoa gửi tới chính là sự kêu gọi con người phải có tình thương yêu, tôn trọng sự sống và không sát sinh. Kế đó là quyền tự chủ và trí tuệ để nhận thức chân lí, biết và đem lại lợi ích cho mình và người, cho cuộc đời.

Đã trải qua hơn 2.500 năm kể từ ngày Phật đản, hoa vô ưu vẫn nguyên sự tươi tắn, sum suê và ngày đêm tỏa hương để thức tỉnh nhân loại trước những khổ đau, thù hận và u tối.

Từ đất Phật về Việt Nam, hoa vô ưu đã được trồng khắp nơi trong các chùa chiền, trung tâm nghiên cứu Phật giáo, dọc hai bên đường làng lối xóm ở vùng quê lẫn đô thành. Lần nào, hoa nở cũng huyền diệu, tràn trề và rực rỡ, không kể mùa hay khí hậu, ngày đổi mầu ba lần: sáng hồng tươi, trưa vàng cam, tối đỏ thắm; ban ngày hương đưa nhẹ nhàng và ban đêm hương nưng nức sân vườn.

Có khá nhiều thi phẩm ca ngợi vẻ đẹp của hoa vô ưu, như bài thơ Hoa Vô ưu:

Mưa nắng bốn mùa ấm lạnh

Tượng đời ngẩng mặt an nhiên

Đóa hoa vô ưu trầm mặc

Nở bừng… rực rỡ… thiêng liêng!

Xuân hồng cánh hoa nhân ái

Đôi mắt mồ côi biết cười

Hương xưa làn môi thổn thức

Tìm đâu bóng mẹ xa xôi…

Tháng Sáu ngây thơ phượng vĩ

Trong veo giọt nắng sân trường

Chiêm bao nghiêng tình nón Huế

Tóc thề hương phấn yêu thương!

Hoa dịu dàng thu biếc lá

Bồ đề rợp mát chùa quê

Trời xanh tháng Mười êm ả

Ầu ơ… ru xưa đồng vọng

Vô ưu hoa ngát đường về.

Hoặc Vườn hoa Vô ưu:

Ánh sáng mờ sương hơi gió nhẹ

Cảnh an bình động vật lao xao

Bay lượn đàn chim ríu rít hót

Cảnh vật yên vui thật ngọt ngào

Hoa vô ưu từng chùm nở rộ

Sáng rực sắc vàng bên vườn nhà

Bướm ong vườn lượn tìm phấn mật

Trên đất lát đầy những cánh hoa.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo

Bài viết liên quan

Phản hồi