Hương thiền thoang thoảng thinh không
Rời phòng làm việc của bác sĩ Trương Thìn ở trung tâm Oxy cao cấp đường 3-2, tôi về nhẹ tênh với âm hưởng của thoang thoảng hương thiền mà anh vừa đàn hát cho tôi nghe xuyên suốt một giờ.
Kìa ai vừa tấu khúc thiền ân
Có phải chăng anh giữa lặng thầm
Sao tiếng hát phong thanh hoa ngữ
Để nụ cười hạ tứ xuân tâm
Phất phơ cội ấy sương trường tại
Lãng đãng nguồn kia tuyết giáng lâm
Trong lãng thúy ba nghìn thị hiện
Nghe phương thì thoảng một cành trâm (1)
Đó là những vần thơ hướng về một dòng nhạc thanh thoát, rất mực hiền hòa, như nơi giọt sương tây hiên, trong cơn mưa ngâu thưa, một khói núi, là nhất mềm, rất ơ hờ phảng phất, nhưng vẫn có cái tuyệt nhiên tồn đọng vẻ đẹp của giai điệu, của riêng miền vọng viễn…
Ngồi yên lắng chờ khói mây
Lắng nhìn núi xa
Ngồi yên lắng chờ hạt sương
Lắng chờ bình yên
Tiếng chuông chùa…
Hư hư, thực thực. Vang lên giữa một thế giới yên lặng nhưng có linh hồn: Hữu địa thượng chi sơn thủy, hữu họa thượng chi sơn thủy, hữu mộng trung chi sơn thủy, hữu hung trung chi sơn thủy, địa giả diệu tại khưu hác thâm thúy; họa thượng giả diệu tại bút mặc lâm ly; mộng trung giả diệu tại cảnh tượng biến ảo; hung trung giả diệu tại vị trí tự như (2). (Có cảnh sơn thủy trên đất, có cảnh sơn thủy trên tranh, có cảnh sơn thủy trong mộng, có cảnh sơn thủy trong lòng. Cảnh sơn thủy trên đất đẹp ở gò hang u tịch, cảnh sơn thủy trên tranh đẹp ở bút mực lâm ly, cảnh sơn thủy trong mộng đẹp ở cảnh tượng biến ảo, cảnh sơn thủy trong lòng đẹp ở vị trí tự nhiên) … Đó như cảnh giới của các Thiền sư Vạn Hạnh, Không Lộ, Ngộ Ấn, Mãn Giác, Tiêu Lý, Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Thường Chiếu… đã đem đến cho Trương Thìn sự ngẫu hứng để viết lên những lời mới, những nét nhạc mới, biến hóa vô cùng…
Gió lay cành thông
Trăng in dòng sông
Tìm đâu cho thấy gió trăng
…
Như tiếng vang trong thinh không
Như tiếng vọng trong mông lung…
Mà khi cất lên, người ta đã nghe ra sự im lặng của đất đá, cỏ cây, mây trời, tiếng cành thông đong đưa cùng tiếng tịch liêu tận sâu thẳm đáy hồn mình: Tự tại và vô úy
Lửa hồng ơi mãi mãi đầy vơi
Lửa hồng ơi một chút yêu thương ấm lòng
Đó là ngọn lửa uyên nguyên, ngọn lửa từ bi, ngọn lửa mà khi thắp lên nó cứ cháy mãi trong lòng người, nó cũng thuộc về tình yêu, dành cho ai biết trân trọng, biết lưu giữ nó vào tâm thức và cũng tạo cho, những bước chân vô định đã trở nên an trú.
Đừng nhớ đừng tìm em
Em đây em đây
Em đến đây rồi
Em đứng bên người
Em gọi mình ơi!
Đó là tâm. Và từ dòng nhạc này ta đã tìm được chính ta. Ta là ai? Ta là nghệ sĩ. Các thiền sư thời Lý – Trần là những thiền sư nghệ sĩ; chính đức Phật cũng là một nghệ sĩ vĩ đại. Bạn hãy lắng nghe đây, tiếng sáo của đức Bổn Sư thổi tại một cánh rừng thuộc vương quốc Ma Kiệt Đà vào một buổi sáng (3): Tiếng sáo nhẹ như một làn khói nhỏ lơ lửng và nhẹ nhàng đi lên từ một mái tranh nghèo nào đó ở ngoại thành Ca Tỳ La Vệ trong giờ nấu cơm chiều. Rồi làn khói bỗng nhiên tỏa rộng trên không gian như một đám mây. Đột nhiên đám mây biến hình thành một đóa hoa sen ngàn cánh, mỗi cánh hoa một màu sắc khác nhau lấp lánh trong ánh nắng chiều.
Đột nhiên một người thổi sáo biến thành ngàn người thổi sáo: Tất cả những mầu nhiệm của vũ trụ được chế biến thành âm thanh, âm thanh muôn màu, muôn sắc. Âm thanh khi thì nhẹ như gió thoảng, khi thì mau như tiếng mưa rào, khi thì trong như tiếng hạc, khi thì đậm đà như tiếng mẹ ru con, khi thì sáng rỡ như ngọc lưu ly, khi thì hùng vĩ như tiếng hải triều, khi thì im lặng như nụ cười của người đã thoát ly được sự hơn thua còn mất. Chim rừng đã im hơi lặng tiếng và gió chiều cũng đang thổi rì rào trong lá. Rừng được bao phủ bởi một không gian thanh tịnh, an lạc và nhiệm mầu. Tiếng sáo đã chấm dứt nhưng tiếng sáo vẫn còn đó, tiếng sáo đã đưa chúng ta về với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại …
Đức Phật đã đạt đến chỗ tuyệt vời của nghệ thuật. Bạn cũng có thể đạt đến chỗ tuyệt vời của nghệ thuật nếu bạn chứng đắc được chỗ tột cùng của tâm linh.
Ơ hay xuân tàn
Còn chi , còn chi trước hiên nhà
Ơ hay em đến bao giờ
Còn đây, còn đây cánh mai vàng
Vang mãi, vọng mãi – Vĩnh nghiệp cầm ca chuyển giai điệu thành tâm điệu. Bảo tồn tinh túy đưa tâm thanh tới vô thanh (4) . Lâng lâng, thanh thoát. Phiền não vơi dần, thiền vị đầy lên như thể cái vơi của bên này tràn qua cái đầy của bên kia, nó như hóa giải hết cái đời nhị nguyên cồm cộm này: Không còn sinh, không còn tử không còn trước, không còn sau… giải thoát!
Giải thoát là gì? Giải thoát là thiền. Thiền là sự đồng hóa trong hư, trong tịch, trong thường trụ, trong cõi phi sai biệt. Thiền là sự giải thoát. Như thể cái thiện cao tột bậc vượt qua thiện và ác, cái đẹp tối thượng vượt qua cả hai xấu và đẹp; hạnh phúc tối cao thoát ngoài đau khổ và vui sướng. Thực tại và thành tựu khi hành trang âm nhạc của Trương Thìn chuyển tải cho đời tâm ý của đỉnh cao nghệ thuật:
Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán… (5)
Hương thiền thoang thoảng thinh không…
Tôi nghe yên ắng lạ thường
Chờ thơ trổ lá trên đầu ngón tay
Tôi nghe yên ắng lạ thường
Chờ em hiển hiện sen từng nụ sen
Tôi nghe yên ắng lạ thường…
Chú thích
(2) U mộng ảnh – Trương Trào
(3) Đường Xưa Mây Trắng – Nhất Hạnh
(1)(4) Thơ Trụ Vũ
(5) Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn bọt bóng
Như sương cũng như điện
Nên khởi quán như thế
– Kinh Kim Cang
Phản hồi