Hỏi lòng em “thích” hay “thương”?
Thông thường người ta hay dùng từ thích và thương chung với nhau, nhưng thật ra thương và thích có mức độ sâu cạn khác nhau, thích và thương ở phương diện nào đó khác nhau rất xa.
Khi dùng từ ‘’thích’’ thường là chỉ cho cái phần thô bên ngoài, và dễ thay đổi. Ví dụ như nói “Tôi thích ăn chè. Tôi thích ngắm hoàng hôn …’’. Nhưng cảm giác “Thích’’ đó nó có phần cạn cợt, hời hợt và dễ thay đổi. “Thích’’ bản thân nó không có sự cam đoan, dám chắc và bảo đảm .
Khi dùng từ “thương” là có sự cam kết, bảo đảm, chắc chắn, thề nguyện, hứa hẹn bên trong .Từ “Thương” nó có trách nhiệm, bổn phận hơn từ “thích”.
Em là người xuất gia. Em đang đi trên con đường tu. Em tự hỏi lại chính mình là mình “thích” hay “thương” con đường tu. Nếu thật sự em chỉ thích con đường tu thì coi chừng cái thích đó hơi nông nổi, mỏng manh và dễ vỡ.
Còn nếu em nói là em thương con đường tu thì em phải có trách nhiệm với con đường tu của mình, nghĩa là em phải sống làm sao đúng nghĩa của một người xuất gia, của người mang lý tưởng xuất trần. Có những người ban đầu đi tu chỉ là thích, thấy người tu dễ mến, thích nếp sống đơn sơ, đạm bạc… nên đi tu. Nhưng tu một thời gian thì phát hiện ra rằng đời sống của người tu có vô vàn cái đẹp đẽ và cao cả sâu sắc hơn những tri giác ban đầu. Thấy được điều mới lạ thành ra thương luôn con đường tu.
Có người đi tu chỉ vì thích nghe lời kinh, tiếng kệ nhip nhàng theo tiếng mõ liên hồi làm cho tâm hồn như rũ sạch âu lo. Có người vào đạo vì thích ăn cơm chay, rau luộc với nước tương. Có người vào đạo vì nhiều lần vấp ngã và nghĩ cuộc đời sao lắm nỗi truân chuyên.
Có người vào đạo vì giác ngộ lý vô thường. Có người vào đạo Bồ Đề Tâm quá mạnh, muốn có hiểu biết lớn và thương yêu sâu để cứu nhân độ thế khỏi vòng trầm luân … Có nhiều con đường, có lắm ngõ ngách và lối đi vào đạo, nhưng dù lối này, ngõ nọ hay đường kia chăng nữa mà không thương được con đường tu thì đời sống xuất gia sẽ lên xuống thất thường và chắc chắn không lấy gì bảo đảm trọn vẹn thủy chung .
Em đã và đang “thích” hay “thương” con đường tu?
Câu hỏi này em nên thường xuyên hỏi cho thật kỹ càng và rõ ràng. Em phải hỏi đến tận cùng tâm khảm, tận cùng thâm sâu ngõ ngách của tâm hồn. Có thật sự là em đã “thương” con đường tu chưa ?
Nói như trên, tôi nghĩ em muốn tu thì nên “thương” con đường tu của mình. Nếu em chỉ “thích” cũng không sao, tiếp tuc tập để thấm tương chao. Rồi mai này vào một lúc dừng lại thật yên em sẽ vỡ lẽ, sẽ hay ra và lúc đó khỏi phải nói năng khuyên lơn em cũng sẽ thương con đường tu “Bứt không đứt dứt không rời”, còn nếu em đã thương con đường tu thì em có trách nhiệm nặng nề, trọng đại và cao cả lắm. Tôi nghĩ em đã biết cần làm những gì để đúng nghĩa gọi là “thương” con đường tu .
Chúc em, “thương’’ con đường thật nhiều. Thương đậm đà, thương mặn mà, thương thiết tha, cái lý tưởng cao vời vợi của người tu.
Như Nhiên
Phản hồi